, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 31/05/2023, 14:00

Bi kịch chim phóng sinh

TRUNG THANH
Không chỉ ở những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh mà tại TP.HCM, tình trạng bẫy bắt chim cũng diễn ra phổ biến. Chim sẻ và chim ri là hai loài được bẫy bắt rất nhiều để cung ứng trường xuyên cho các điểm bán chim phóng sinh hoạt động quanh năm chứ không chỉ những ngày Rằm. Và phía sau cuộc mưu sinh của những người bẫy - bán là bi kịch của vô số chim trời không thể thoát ra.

Năm trăm nghìn đồng và số phận năm chục con chim

Khi mặt trời như chiếc đèn lồng đỏ rực nhô qua các tòa nhà phía Đông - sông Sài Gòn và rọi bừng dòng sông Vàm Thuật (thuộc địa bàn quận 12 và quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng là lúc những chú chim ri bay đi kiếm mồi. Nhưng cảnh bình minh với ánh mặt trời tuyệt đẹp ở nơi đây trong phút chốc bị phá vỡ bởi những tiếng kêu của những chú chim tội nghiệp bị dính bẫy đang tìm cách thoát ra trong vô vọng.

Dọc bờ sông Vàm Thuật theo hướng thượng lưu đổ về hạ lưu sông Sài Gòn chúng tôi thấy có rất nhiều chiếc lồng treo trong những đám cỏ lau - nơi chim ri thường kéo đến kiếm mồi. Trong mỗi chiếc lồng có rất nhiều thức ăn, lại có hai con chim ri để làm mồi nhử nên lũ chim ri đi kiếm ăn buổi sáng thấy vậy liền chui vào và không thể bay ra.

Khoảng gần trưa, quay lại khu vực này, chúng tôi thấy trong mỗi chiếc lồng có khoảng 5 - 6 con chim. Chiều tối, người đàn ông bẫy chim chèo thuyền đi dọc sông để gom chim. Có ngày, người này gom được gần 100 con. Người bẫy chim cho biết, một con chim ri bắt được bán cho đại lý có giá 7.500 đồng. “Bán cho đại lý giá sỉ rồi đại lý họ bán lại cho những người bán chim phóng sinh với giá khoảng 10.000 đồng/con”, người bẫy chim giải thích và cho biết tại TP.HCM chim ri và chim sẻ là hai loại chim được ưa chuộng để bán phóng sinh. Điều đó cũng có nghĩa hai loại chim này đang bị bẫy bắt rất nhiều.

Khu Tên Lửa (quận Bình Tân) - nơi có những công viên nhỏ nằm xen giữa những khu dân cư yên tĩnh thu hút rất nhiều chim sẻ đến kiếm mồi. Thế nhưng, ẩn trong những tán cây xanh mát là những chiếc bẫy lồng luôn chực sẵn. Một chiều giữa tháng 4, chúng tôi thử vào một công viên ở khu vực này và thấy khuất trong những tán cây có rất nhiều chim sẻ dính bẫy.

Giống như cách bẫy chim ri, người bẫy chim sẻ cũng rải nhiều thức ăn vào lồng và đặt vào đó một hoặc hai con chim mồi. Khoảng chiều tối, người đàn ông bẫy chim đi gom chim bán với giá 10.000 đồng/con. Trung bình mỗi ngày, người này bắt được khoảng 30 con chim sẻ.

Nhiều con chim ri chết khô bên trong những cái lồng bên sông Vàm Thuật do người đặt bẫy chậm lấy chim.

Theo tiết lộ của những người sống bằng nghề bẫy chim lâu năm ở TP.HCM, “trùm” bẫy chim sẻ hiện nay là ông P. Ông P. nhà ở Bình Dương nhưng thường xuyên bẫy chim ở địa bàn TP.HCM. Một buổi sáng khoảng giữa tháng 4, từ địa bàn tỉnh Bình Dương chúng tôi bám theo ông P. chạy về khu vực quận 12, TP.HCM để xem cách người đàn ông này bẫy bắt chim ra sao.

Sau một lúc tìm kiếm nơi chim kiếm mồi nhiều, ông P. dừng lại ở một khu đất trống nằm gần một trường học thuộc địa bàn phường Thạnh Xuân. Chim sẻ ở đây rất dạn, dù đang giờ học sinh đến lớp nhưng những đàn chim sẻ vẫn sà xuống tìm thức ăn. Ngắm qua địa hình, ông P. liền lấy thóc rải ra một vạt đất sau đó lấy lưới ra giăng. Tấm lưới được nối với một sợi dây dài, ông P kéo sợi dây ra xa ngồi đợi. Một lúc sau, khi thấy đã có nhiều chim vào ăn mồi, ông P. liền đứng dậy giật mạnh sợi dây, mảng lưới úp xuống phủ lên bầy chim tội nghiệp.

Bằng cách thức trên, chưa hết buổi sáng, ông P. đã bắt được rất nhiều chim sẻ, nhốt chật kín chiếc lồng mang theo, ước tính khoảng 50 con. Ông P. cho biết, chim ông bẫy được nếu bán trực tiếp cho các điểm bán chim phóng sinh thì có giá 10.000 đồng/con. Nếu mỗi ngày bắt được khoảng 50 con chim thì kiếm được 500 ngàn đồng. Giống như ông P., thu nhập của những người sống bằng nghề bẫy chim luôn tỷ lệ nghịch với số phận của lũ chim. Họ càng kiếm được nhiều tiền thì số chim trời bị bẫy bắt cũng không ngừng tăng lên. Chỉ qua vài ngày đi thực tế, chúng tôi bắt gặp gần 10 người mưu sinh bằng nghề bẫy chim. Họ cho biết đã kiếm sống bằng nghề này nhiều năm và chưa ai có ý định “rửa tay gác kiếm”.

Vòng luẩn quẩn theo bi kịch bẫy bắt - phóng sinh

Chiều cuối tuần, trên bờ sông Vàm Thuật có rất nhiều người ra đây hóng mát, thả diều. Bọn trẻ con rất thích thú khi thấy trời nổi gió to cuốn những cánh diều bay vút lên cao. Song những cơn gió chiều lồng lộng lại vô tình tra tấn những những chú chim ri đang bị sập nhốt trong những chiếc lồng. Chứ mỗi đợt gió thổi qua, chiếc lồng rung rắc mạnh là lũ chim trong bẫy lại hốt hoảng đập cánh loạn xạ để tìm cách thoát thân.

Gần tối, khi người bẫy chim chèo ghe đi gom bẫy, lũ chim ri sập bẫy được dồn vào một chiếc lồng lớn hơn nhưng chật chội hơn vì chim quá nhiều. Chúng lại đập cánh tranh nhau tìm cách thoát ra nhưng bất lực. Đến khi người bẫy chim trùm tấm vải che lên chiếc lồng, tiếng kêu của chúng mới lịm dần rồi chìm vào bóng tối đang trùm xuống dòng kênh theo màu nước đen ngòm, hôi thối.

Có những ngày, vì lý do nào đó mà người bẫy chim không đi thăm bẫy, chúng tôi thấy trong những chiếc lồng có rất nhiều xác chim. Chúng chết vì đói và khát hoặc cũng có thể do hoảng loạn. Có con chim ri khi chết, chiếc mỏ nhỏ xíu vẫn còn ngậm chặt thanh sắt ở thành lồng. Có lẽ nó đã tìm cách cắn rách vách lồng để thoát thân trong tuyệt vọng.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hầu hết người bẫy chim sẻ, chim ri thường bán chim cho các đại lý để phân phối cho các điểm bán chim phóng sinh. Chỉ cần tra cứu trên mạng đã thấy hàng chục trang facebook rao bán thu mua và bán chim phóng sinh kèm lời rao: số lượng bao nhiêu cũng có. Những trang này thường đăng kèm theo hình ảnh vô số chim bị bẫy bắt bị nhốt trong những chiếc lồng chật hẹp để thu hút người xem.

Tại một điểm bán chim phóng sinh trước cổng chùa trên đường Tô Ngọc Vân (Thành phố Thủ Đức), chúng tôi thấy có rất nhiều chim ri được trưng bán với giá 20.000 đồng/con. Thắc mắc vì sao giá ở đây lại cao hơn gấp đôi số giá người bẫy chim hay bán, người phụ nữ bán chim phóng sinh phân trần: “Người bẫy bán cho đại lý, đại lý lại bán cho các đầu mối rồi mới giao về các điểm bán lẻ nên qua mỗi khâu giá thành phải tăng lên. Nói chung mỗi khâu ai cũng phải kiếm ít tiền lời để sống”.

Đến một điểm bán chim phóng sinh trên đường Bình Long (quận Bình Tân), ngoài chim ri, chúng tôi thấy có rất nhiều chim sẻ nhốt chật cứng trong những chiếc lồng to. Chim sẻ, chim ri ở đây cũng bán lẻ với giá 20.000 đồng/con. Nếu mua với số lượng lớn, người bán sẽ giảm giá chút đỉnh. Dù giá chim không rẻ nhưng có không ít người mua nguyên cả lồng vài chục con để thả phóng sinh. “Thấy chim nhốt trong lồng tội quá nên mua thả phóng sinh chứ cũng không quan tâm đến cảnh chim bị bẫy bắt để bán về đây”, một người đi chùa mua chim phóng sinh bộc bạch.

Đó cũng là tâm trạng chung của những người mua chim để phóng sinh ở TP.HCM mà cũng tôi tiếp cận, chuyện trò. Tuy nhiên, cũng có không ít người đặt hàng mua chim số lượng lớn để phóng sinh nhằm cầu mong lợi lộc cho mình. Dù với mục đích gì, điều chắc chắn rằng khi còn nhiều người mua chim để phóng sinh thì sẽ còn thị trường để cung ứng và sẽ có rất nhiều chim bị bẫy bắt vì cái vòng luẩn quẩn này.

Vậy còn những con chim sau khi bị bẫy bắt bán phóng sinh được giải cứu số phận sẽ ra sao? Chúng có sống khỏe mạnh như trước khi bị bắt không? Bao nhiêu phần trăm trong số chúng tiếp tục dính bẫy?

Hiện chưa có một cuộc khảo sát hay nghiên cứu nào để có những dữ liệu về vấn đề này. Song, theo theo tiết lộ của những người bán chim phóng sinh, có rất nhiều con chim sau khi thả ra bị suy yếu và dễ dàng bị bắt lại để tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn “bẫy bắt - phóng sinh…”.

Cũng có thông tin đồn đoán rằng chim bị bắt bán phóng sinh thường bị cắt bớt cánh nên không thể bay xa được để dễ dàng bị bắt lại? Tôi hỏi một số người bán chim phóng sinh trước cổng chùa nhưng họ đều khẳng định không có chuyện này. Còn ông P., một tay bẫy chim lão luyện với thâm niên trong nghề thì nói như đinh đóng cột: “Chim bán nhiều như vậy làm sao mà cắt cánh cho xuể được”.

Ông P. cũng khẳng định rằng, chim sau khi dính bẫy bán phóng sinh thường rất yếu nên nếu nuôi nhốt thì không thể sống được. “Đừng có nuôi. Nuôi vài bữa nó cũng chết thôi”, ông P. thành thật khuyên khi tôi có ý định muốn mua vài con chim sẻ do ông bẫy để nuôi.

ĐỪNG PHÓNG SINH THEO CÁCH THÚC ĐẨY SÁT SINH

Trước tình trạng chim trời và nhiều loài động vật hoang dã bị bẫy bắt để phục vụ phóng sinh ở nhiều nơi, không ít nhà sư ở Việt Nam đã lên tiếng, phản đối, đề nghị nên từ bỏ việc này. Bởi phóng sinh theo cách này giống như thúc đẩy sát sinh, khiến các loài sinh vật bị bẫy bắt, sát hại càng nhiều.

Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế - Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã không ít lần lên tiếng, giảng giải rằng, phóng sinh phải đúng với ý nghĩa của nó, đó phải là sự tình cờ, chứ không phải phóng sinh “đặt hàng”. Vì như vậy, sẽ có rất nhiều con vật phóng sinh bị bắt, được thả ra nhưng sau đó lại bị bắt lại nhiều lần cho đến khi chết. Trước khi được phóng sinh, con vật đã bị đánh bắt chỉ vì nhu cầu phóng sinh, bị giam cầm, sống trong hoảng loạn…

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất