, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 02/02/2020, 15:07

Bí mật chiếc tủ thờ xứ Gò Công

ANH HÙNG

Làng đóng tủ thờ xóm Ông Non (xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) có tuổi đời hơn 100 năm, sản phẩm là những chiếc tủ thờ độc đáo vang danh thiên hạ. Ông Ngô Tấn Đức (Ba Đức), chủ cơ sở đóng tủ thờ Ba Đức, năm nay gần 90 tuổi, cười khà khà, kể: “Năm 19 tuổi tui đã tự tay mình đóng được hoàn chỉnh một chiếc tủ thờ. Nhưng năm 2013, ở tuổi ngoài 80, tui mới lần đầu tiên nhận được bản hợp đồng đóng chiếc tủ trị giá 750 triệu đồng. Cho đến nay đó vẫn được xem là chiếc tủ thờ Gò Công đắt giá nhất Việt Nam”.

Ông Ba Đức bên một chiếc tủ thời
Ông Ba Đức bên một chiếc tủ thời "đặc sản Gò Công".

Hợp đồng đóng tủ vô tiền khoáng hậu

Trầm ngâm bên chén trà, người thợ già nhớ lại: “Hôm đó là một ngày cuối tháng 07/2013, từ sáng sớm tui bận đi đám tiệc nên đến trưa về nhà là say như chết, ngủ mê mệt. Lúc tỉnh dậy, con tui đưa cho tui xem một bản hợp đồng đóng chiếc tủ thờ trị giá 750 triệu đồng. Lúc đó tui không tin vào mắt mình, bởi đó là một hợp đồng hơn 60 năm qua tui chưa hề gặp: Khách hàng yêu cầu một chiếc tủ đóng hoàn toàn bằng gỗ mun, có tổng cộng 30 cây trụ được chạm cẩn tinh vi trên thân tủ. Mặt trước, mặt sau, hai bên tủ đều phải chạm trổ thật đẹp như nhau, cẩn ốc xà cừ theo các tích xưa trong truyện Tàu như: Nhị thập tứ hiếu, Bát tiên quá hải, Phúc Lộc Thọ, Trúc hóa long… để sao cho bốn mặt của chiếc tủ dù được gia chủ đặt đứng ở vị trí nào trong nhà cũng đều là… mặt tiền”.

Khách hàng chọn mua tủ thờ Gò Công
Khách hàng chọn mua tủ thờ Gò Công.

Ông Ba Đức đã phát hoảng vì theo ông thì thời đó, chiếc tủ thờ Gò Công đắt giá nhất bày bán ở các cơ sở tại xóm Ông Non nếu được làm bằng gỗ mun, chạm trổ ba mặt (mặt trước và hai bên hông) với 21 cây trụ, cũng chỉ khoảng 300 triệu đồng. Còn chiếc tủ giá trị nhất mà ông Ba Đức nhận đóng vào năm 2012 cho một doanh nhân ở thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) trị giá 550 triệu đồng cũng cẩn ốc xà cừ ba mặt và chỉ có 21 cây trụ. “Tui thật sự hồi hộp khi đọc bản hợp đồng, bởi từ trước đến nay làng tủ thờ Gò Công chưa bao giờ sản xuất ra chiếc tủ có 30 cây trụ, chỉ 21 cây trụ là hết mức”, ông Ba Đức nhớ lại. Ngay lập tức ông Ba Đức khăn gói lên TP.HCM gặp khách hàng, bàn bạc cụ thể từng chi tiết và đồng ý ký cam kết sẽ đóng được chiếc tủ chất lượng đúng như đơn đặt hàng.

Tủ thờ Gò Công.

Bút ký chưa ráo mực, ông vội vã quay về Gò Công lo đặt mua gỗ quý. Suốt hai tháng ròng rã, ông Ba Đức huy động toàn bộ con cháu túc trực trong phân xưởng, đích thân chỉ dẫn những người thợ có tay nghề cao nhất lắp ráp và kiểm tra từng chi tiết nhỏ nhất của chiếc tủ. “Bình thường đóng một chiếc tủ với yêu cầu khắt khe như vậy phải mất bốn tháng. Nhưng do khách hàng cần có chiếc tủ trong vòng hai tháng, nên tui và các con cùng những người thợ tay nghề cao của cơ sở, gác lại mọi chuyện khác, làm hết sức mình, giao chiếc tủ đúng hạn. Hôm chở chiếc tủ lên TP.HCM giao cho khách hàng mà không bị bắt bẻ gì, tui mừng như bắt được vàng”, ông Ba Đức kể.

Truyền thuyết và những bí mật

Hiện nay xóm sản xuất tủ thờ Gò Công - xóm Ông Non, có hàng trăm cơ sở sản xuất, gia công, thu hút hàng ngàn lao động. Riêng ông Ba Đức có trong tay tới 15 cơ sở sản xuất tủ thờ. Nhắc lại chuyện làng nghề, ông Ba Đức trầm ngâm nói: “Vinh quang cũng lắm, thăng trầm cũng nhiều. Hồi thời kinh tế hợp tác, có lúc thợ thầy bỏ đi hết, làng tủ tiêu điều. Nhưng trong thập niên 1990, làng tủ “sống” lại, làm ăn phát đạt cho đến hôm nay”.

Thợ thủ công tỉ mẩn chăm chút từng chi tiết của chiếc tủ
Thợ thủ công tỉ mẩn chăm chút từng chi tiết của chiếc tủ.

Theo ông Ba Đức, có nhiều truyền thuyết về xóm tủ thờ này, nhưng tựu trung lại thì chỉ có mấy chuyện: Người thì nói giữa thế kỷ 19 có bốn anh em ông Vương Văn Non làm nghề thợ mộc, lưu lạc từ miền Bắc vào đây lập nghiệp, lập xóm tủ thờ, nên có tên là xóm Ông Non. Chuyện khác kể, người đầu tiên đóng chiếc tủ thờ ở xóm này là ông thợ mộc Nguyễn Ngọc Hải, từ đó truyền nghề cho các đệ tử ra bên ngoài. Nhưng nhiều bậc bô lão xóm Ông Non quả quyết, ông nội vợ của ông Ba Đức là cụ Nguyễn Văn Non chính là người đóng chiếc tủ thờ đầu tiên, khai sinh ra làng nghề đóng tủ thờ xóm Ông Non. Bây giờ chiếc tủ đầu tiên do ông Non đóng vẫn còn, hơn 100 năm tuổi, đang đặt tại một ngôi chùa trong làng nghề.

Ông Ba Đức kể, hồi xưa ông nội của ông làm ruộng, những lúc nông nhàn khăn gói đi khắp nơi học thêm nghề mộc làm kế sinh nhai, học được nghề đóng tủ thờ ở đâu không rõ. Khi về quê, cây, gỗ không có, ông nội của ông Ba Đức quyết định chẻ hai bộ ngựa gõ, tài sản quý giá nhất trong nhà lúc đó, cưa ra thành ván để đóng hai chiếc tủ thờ, gia đình can ngăn thế nào cũng không được. Hai chiếc tủ thờ đầu tiên nhỏ xíu và hết sức đơn giản, chẳng có chạm, cẩn, đánh véc-ni, chỉ có 3 trụ, bông dâu, chân quỳ… nhưng dáng vẻ chắc chắn. Từ những chiếc tủ thờ đầu tiên, nhiều người thấy thích, đến đặt đóng tủ, thế là hình thành làng tủ thờ xóm Ông Non. Nghề đóng tủ thờ được truyền hết đời này đến đời nọ và truyền từ trong nhà ra hàng xóm, gây dựng nên danh tiếng tủ thờ Gò Công hôm nay. Riêng ông Ba Đức, từ chiếc tủ thờ đầu tiên làm lúc 19 tuổi, cho đến bây giờ gần 90 tuổi, không thể nhớ nổi đã đóng được bao nhiêu chiếc tủ thờ.

Đối với nhiều người dân Tiền Giang, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM, tủ thờ Gò Công được xem là một tác phẩm nghệ thuật. Chiếc tủ thờ Gò Công đóng bằng các loại danh mộc như gõ, mun, cẩm lai… cẩn ốc, vỏ trai, xà cừ và đánh véc-ni bóng lộn. Thân tủ lấp lánh những hình ảnh tứ linh (long, lân, quy, phụng), các tích xưa (Nhị thập tứ hiếu, Bát tiên quá hải hoặc các sự tích trong truyện Tàu…), phong cảnh non sông, tứ quý (mai, lan, cúc, trúc), song long tranh châu, hình ảnh long phụng... được cẩn, khảm bằng vỏ ốc quý và xà cừ. Nhưng chỉ có người trong nghề mới biết những bí mật được giấu kín trong chiếc tủ thờ hơn trăm năm tuổi: chiếc tủ thờ Gò Công gồm 16 chi tiết và phải mất năm kíp thợ riêng biệt (gồm cưa, mộc, cẩn, tiện, sơn) mới ráp thành. Hồi chưa có máy móc hiện đại, một người đóng một chiếc tủ hoàn chỉnh mất 3 tháng (chín trụ). Bây giờ nhờ máy móc hỗ trợ và sản xuất theo dây chuyền nên chỉ 10 ngày là xong một chiếc tủ 21 trụ.

Điều đặc biệt nhất của chiếc tủ thờ Gò Công là các mối nối đều sử dụng mộng, chốt, ngàm… để ráp lại vừa khít nhằm mục đích bảo vệ gỗ quý, tuyệt đối không hề có cây đinh hay ốc vít bằng sắt thép được đóng vào thân tủ. Tuy nhiên, giá trị của chiếc tủ thờ lại nằm ở các chi tiết như trụ (là những thanh trang trí thẳng đứng được làm hoàn toàn bằng gỗ mun, chạm cẩn tinh vi), ốc, xà cừ và chất liệu gỗ, tủ càng nhiều trụ, gỗ càng quý thì càng đắt tiền bởi các kíp thợ phải sử dụng nhiều danh mộc và vỏ trai ốc, xà cừ. Một chiếc tủ hoàn chỉnh có 21 trụ đóng toàn bằng danh mộc (thân tủ bằng gõ, trụ bằng mun, chân quỳ bằng cẩm lai và cẩn ốc - xà cừ sáng lóng lánh) giá không dưới 50 triệu đồng. Nếu toàn bộ thân tủ bằng gỗ mun, 21 trụ và cẩn xà cừ ba mặt, 300 triệu đồng một chiếc là giá chót. “Ngoài những loại tủ đắt tiền sản xuất theo đơn đặt hàng riêng, làng nghề còn sản xuất những chiếc tủ bằng gỗ thường, giá rẻ nhất là 15 triệu đồng/chiếc, bán cho người tiêu dùng bình dân, nhưng vẫn bảo đảm bền, đẹp”, ông Ba Đức cho biết.

Chiếc tủ thờ đầu tiên của làng nghề.
Chiếc tủ thờ đầu tiên của làng nghề.

Hiện tại, khách hàng lớn nhất của làng tủ thờ Gò Công chủ yếu từ miền Đông Nam bộ, TP.HCM, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và người Việt khắp nơi trên thế giới. Sản phẩm tủ thờ Gò Công nay đã nghiễm nhiên “ngự” trong những phòng khách sang trọng của những danh gia, vọng tộc ở những đô thị lớn, chứ không còn quanh quẩn ở nhà các cự phú miền Tây.

Năm 1984, tủ thờ Gò Công đã từng được mang ra tham dự hội chợ ở Hà Nội và lâu nay được xem là “đặc sản của xứ Gò Công”. Vì vậy, những người thợ đóng tủ thờ Gò Công dù bây giờ sản xuất theo dây chuyền máy móc hiện đại nhưng vẫn hết sức tỉ mẩn, khắt khe trong từng công đoạn, để bảo vệ danh tiếng “đặc sản quê hương”.

Những người thợ tiện, thợ cẩn ốc - xà cừ đều có tay nghề cao và hầu hết là người miền Trung, miền Bắc vào lập nghiệp. Họ thường kỳ công ngồi hàng giờ để chỉnh sửa từng chi tiết thật nhỏ, o bế từng nét vẽ phác thảo, từng đường đục, cưa, lộng, cẩn, mài… cho đến khi thật sự ưng ý mới thôi. Riêng ông Ba Đức, chỉ với nghề đóng tủ thờ mà được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Nước tặng bằng khen.

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất