
Chị Renee Chuks ở thành phố Lagos, Nigeria là một đầu bếp từng được đào tạo bài bản. Năm 2020, khi phải ở nhà vì giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 bùng phát, chị Renee Chuks đã thử nghiệm làm mì ống bằng bột khoai mì có sẵn trong bếp, kết hợp cùng với một số loại thảo mộc khác.
Hiện nay chị đang bán sản phẩm mì ống thông qua công ty riêng của chị được thành lập cách đây 2 năm và kênh trực tuyến.
Chia sẻ với truyền thông, chị Renee Chuks cho biết, Công ty Aldente Africa của chị là một trong những công ty đầu tiên ở Nigeria sản xuất mì ống không chứa chất Gluten. Nigeria cũng là một trong những nơi trồng khoai mì lớn nhất thế giới. Nó là một loại củ giàu khoáng chất và Vitamin C. Châu Phi nên tận dụng nhiều hơn các loại cây trồng tại địa phương để cải thiện an ninh lương thực trên lục địa này.
“Khoai mì là một trong những sản phẩm chính và chủ lực của chúng tôi. Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng mình nên bắt đầu với nó"- chị Renee Chuks nói.
Để đa dạng hóa sản phẩm, Renee Chuks đã sử dụng kết hợp một số loại ngũ cốc và thảo mộc để tạo ra món mì với nhiều màu sắc bắt mắt.

Các sản của chị Renee Chuks đi theo xu hướng toàn cầu, là thực phẩm lành mạnh có nguồn gốc từ thực vật. Chị cũng không quên chăm chút bao bì bằng giấy trang nhã thân thiện với môi trường. Mỗi gói mì được chị Renee Chuks bán với giá tử 2 - 5 USD. Đơn giá này phục vụ cho những đối tượng có mức tiêu dùng trung bình và khá.

Mặc dù mì ống làm từ lúa mì là một loại thực phẩm chủ yếu đã khá phổ biến ở Nigeria. Tuy nhiên, chị Renee Chuks nhận thấy vẫn có nhiều dư địa để phát triển thị trường cho sản phẩm mì ống mới của mình. Món mì ống làm từ củ khoai mì của chị Renee Chuks có thể xem là một trong những giải pháp thay thế để đối phó với tình hình khủng hoảng an ninh lương thực hiện nay.
