, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 24/06/2022, 13:21

Đồng Văn, biên cương còn vọng dấu xưa

PHẠM THỊ NGOAN
Lâu lắm tôi mới có dịp trở lại cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) - nơi biên cương cực Bắc của Tổ quốc. Một hành trình đầy gian khó, trắc trở. Nhưng đổi lại, khách đường xa được thưởng ngoạn vùng đất vô cùng tráng lệ. Nơi đây hội tụ sắc màu của 23 dân tộc với những tục tập quán độc đáo, những chợ phiên của thổ cẩm, rượu ngô, thắng cố... cùng rất nhiều những loại hình kiến trúc của đồng bào miền biên viễn...
Cửa Nhà Vương.

Đó là một hành trình dài với hơn 300km từ Hà Nội lên TP Hà Giang, rồi nghỉ đêm trên “thành phố đá” để lấy sức vượt tiếp 150km trên con đường Hạnh Phúc (quốc lộ 4C) với đích đến là cao nguyên đá. 

Nhọc nhằn qua những cổng trời và biết bao khúc cua hiểm trở, mịt mờ sương giăng, song chúng tôi lại rất hứng khởi khi được chứng kiến những bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ và được mắt thấy tai nghe sự kiên cường của đồng bào các dân tộc nơi cực Bắc. “Sống trên đá, chết vùi trong đá, những trái tim như ngọc sáng ngời”! - đó là câu hát đã ăn sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ người Mông, người Lô Lô, Bố Y, Dao... trên vùng biên cương địa đầu Tổ quốc.

Ngôi nhà huyền thoại

Mùa này, cao nguyên nổi bật với đủ sắc màu của các loài hoa. Hoa bạc hà, hoa tam giác mạch đang thời nở rộ khắp các bản trên, làng dưới. Trên hành trình thưởng hoa, kiểu gì du khách cũng phải ghé thăm Nhà Vương tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn.

Đây là công trình kiến trúc cổ, độc đáo nằm trầm mặc dưới thung lũng mây Sà Phìn, khuất nẻo sau những tán cây sa mộc thẳng tắp vươn mình cao vút. Theo hướng dẫn viên Nguyễn Văn Phương - một người ở xuôi lên Hà Giang sinh sống gần 20 năm, sa mộc được coi như biểu tượng cho sự vượt khó đi lên của mảnh đất địa đầu.

Đứng trên các triền núi nhìn xuống thung lũng đá, sa mộc hiện lên nhấp nhô như những hàng rào bảo vệ sự bình an cho đồng bào dân tộc vùng cao. Có thời kỳ cột cờ Lũng Cú được gắn trên cây sa mộc ở đỉnh núi Rồng. Có một điều lạ là sa mộc có ở nhiều nơi, nhưng hiếm nơi nào cây sa mộc lại cao to như trước dinh thự Vua Mèo. Nhìn từ xa chẳng khác nào 2 hàng lính gác uy nghiêm với những tán lá nhọn hoắt như mũi kiếm hướng lên trời.  

Khách nước ngoài đến Nhà Vương.

Chị Vương Thị Chở, hậu duệ đời thứ tư của dòng họ Vương trên cao nguyên đá, cũng là hướng dẫn viên của khu di tích Nhà Vương cho biết, sau khi Nhà nước công nhận nhà Vua Mèo trở thành di tích quốc gia, nhiều hậu duệ của ông được tạo điều kiện tham gia học tập và trở thành hướng dẫn viên phục vụ hoặc bán hàng quanh khu di tích, trong đó có chị Chở.

Từ trên cổng trời, du khách có thể nhìn thấy một khu vực cây cối um tùm bao quanh quần thể kiến trúc nghệ thuật độc đáo Nhà Vương. Chị Chở cho biết, phải mất 8 năm và 150.000 đồng bạc trắng để có lâu đài quý giá này trên miền cao nguyên đá xám. 

Các tài liệu tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang chép rằng, để khẳng định vai trò và uy quyền của mình, Vua Mèo đã cho xây dựng một khu tư dinh theo kiểu kiến trúc Trung Hoa cổ, bề thế, nổi bật nét vương giả giữa vùng cao nguyên khô cằn. 

Nhà Vương được Vua Mèo Vương Chính Đức cho mời những người thợ giỏi nhất ở vùng Vân Nam (Trung Quốc) về xây dựng nên mang nhiều dấu ấn của phong cách kiến trúc Trung Hoa. Tuy nhiên, đối với Việt Nam và ở miền cao nguyên đá này, ngôi nhà có tổng diện tích 1.120m này là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đặc sắc và là điểm nhấn quan trọng của hành trình khám phá rẻo cao.

Nhà Vương có nền bằng đất, mái lợp ngói âm dương, vật liệu để xây dựng gồm đá xẻ, gỗ lim, gỗ nghiến… Kết cấu kiến trúc gồm hai tầng, sàn nhà được lát bằng gỗ, được tạo dựng từ nguyên liệu đá xanh, gỗ thông và ngói đất nung. 

Lô cốt nhà Vương.

Tính cả tòa ngang lẫn dãy dọc, Nhà Vương có 64 gian phòng, gồm nhà khách, phòng làm việc, phòng ngủ cho các thành viên trong gia tộc, phòng ở của các gia nhân giúp việc và quân lính, kho lương thực, kho vũ khí, đặc biệt có một kho riêng để chứa thuốc phiện, phòng bếp… Phía ngoài gian chính, ở giữa có treo một bức đại tự bằng chữ Hán do vua triều Nguyễn phong tặng Vua Mèo “Biên chính khả phong”.

Tường thành được xây cao vút xung quanh, có quân lính bảo vệ khó có thể đột nhập từ bên ngoài, cách mỗi đoạn tường lại được bố trí các lỗ châu mai và chòi canh để bảo đảm an ninh cho cả khu nhà. 

Phía sau nhà có một bể chứa nước rất lớn được xây dựng toàn bộ bằng đá, thiết kế hứng nước mưa từ trên các dãy nhà xuống. Do nằm trong vùng thường xuyên khô hạn nên ngày nay, chiếc bể nước này là nguồn cung cấp nước chính cho nhân dân ở Sà Pìn. Vào mùa hanh khô, đây cũng là nguồn nước quan trọng để đồng bào vượt qua những “cơn khát”. 

Nội thất bên trong Nhà Vương hiện còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật, bao gồm đồ dùng sinh hoạt, tư trang cá nhân… Xung quanh khu dinh thự xây tường bao bằng đá dày 60 - 80cm, cao 2,5 – 3m, có cổng đá 15 bậc, xây ghép đá chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ và được họ Vương trồng các loại cây ăn quả như lê, đào, mận… 

Mộ vua Mèo Vương Chí Thành.

 

Lịch sử của người Mông ở Hà Giang hơn một trăm năm trước ghi nhận, dòng họ Vương dân tộc Mông mà đứng đầu là Vương Chính Đức tài trí hơn người, đã thống lĩnh toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn này và tự xưng vương, người Mông thường gọi là Vua Mèo. 

Với sức mạnh và quyền lực của mình, Vua Mèo đã nhanh chóng trở nên giàu có và tạo lập được thanh thế khắp vùng nhờ những hoạt động trồng, chế biến và sản xuất hoa anh túc thành thuốc phiện cùng những thương vụ thuốc phiện xuyên biên giới với Trung Quốc, Miến Điện… 

Tại khu nhà Vương, hàng ngày mọi người tập trung đông đúc, vui vẻ, náo nhiệt tham gia các trò tiêu khiển như các cuộc chơi mạt chược, hút thuốc phiện suốt ngày đêm... Một quá khứ vàng son, quyền quý và danh gia vọng tộc không thể quên của họ Vương vùng núi đá tai mèo này. 

Một góc Nhà Vương.

Sau khi Vua Mèo đệ nhất là Vương Chính Đức mất đi, người con trai thứ hai là Vương Chí Sình (Vua Mèo đệ nhị) đã đứng ra chèo lái tiếp sự nghiệp nhà họ Vương. Tài liệu lịch sử vùng đất cực Bắc cũng ghi chép, năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, quân Pháp từ Hà Nội chạy lên vùng người Mèo, cùng hợp tác với người Mèo chống Nhật.

Quân của vua Mèo dưới sự chỉ huy trực tiếp của Vương Chí Sình đã tiêu diệt một đại đội bộ binh Nhật cùng một đội kỵ binh. Sau chiến tích lẫy lừng ấy, nhận thấy rõ vai trò của các vua Mèo, Bác Hồ đã cử người đến gặp để bàn về việc cùng nhau chống Nhật, chống Tưởng. 

Cách mạng Tháng Tám thành công, đích thân Bác Hồ đã mời Vương Chí Sình xuống núi tham gia khóa Quốc hội đầu tiên. Từ cao nguyên đá Đồng Văn, Vương Chí Sình lặn lội đi ngựa xuống Hà Nội. Cũng trong lần gặp gỡ ấy, Bác đã đổi tên cho vua Mèo thành Vương Chí Thành và kết nghĩa anh em.

Khi 70 tuổi, Vương Chí Thành tuổi cao, sức yếu, đã đề nghị được bàn giao toàn bộ vùng Mèo thuộc huyện Đồng Văn và khu vực biên giới lân cận lại cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đảm nhiệm cương vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang. 

Ghi nhận những đóng góp to lớn của Vua Mèo đệ nhị, Bác Hồ cử phái viên của Chính phủ đem lên tặng ông Vương Chí Thành một thanh gươm. Trên thanh gươm có khắc dòng chữ “Tận trung báo quốc, Bất thụ nô lệ” (tận trung với đất nước, không chịu làm nô lệ). 

Nhà Vương được bao quanh bởi hàng sa mộc cao vút.

Điểm nhấn nơi cổng trời

Ngày nay, Nhà Vương đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia nên các hậu duệ của họ Vương đều sinh sống quanh khu vực lân cận, khu tư dinh không có ai ở, chủ yếu để phục vụ khách du lịch đến tham quan. 

Phía trước khu nhà Vương là chợ Sà Phìn, chợ họp mỗi tuần một phiên. Vào phiên chợ, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau đi chợ. Phụ nữ đi chợ để mua sắm, cánh đàn ông đi chợ để giao lưu (uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn), trẻ em theo bố mẹ đi chơi. Các nam nữ thanh niên thì đến chợ để giao lưu tìm bạn, nhiều đôi trai gái đã nên vợ nên chồng sau vài phiên chợ. 

Người dân nơi đây kể rằng: Trước kia cao nguyên đá là vùng ‘‘rừng thiêng nước độc” núi non trập trùng, hiểm trở, điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt. Từ thành phố Hà Giang muốn đi lên Đồng Văn chỉ còn cách duy nhất là đi bộ hoặc đi ngựa men theo các lối mòn quanh chiền núi. 

Cuộc sống của đồng bào chỉ thực sự đổi thay khi tuyến đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc - mà đồng bào vẫn gọi là ‘‘đường hạnh phúc” được mở với mục đích ‘‘đưa nhân dân vùng núi tiến kịp miền xuôi”. 

Chợ phiên Sà Phìn trước cổng dinh thự vua Mèo.

Để có được tuyến đường tổng chiều dài 165km như ngày hôm nay, chúng ta đã trải qua 5 năm liền phá đá mở đường (từ năm 1959 - 1965) với 2.246.321 ngày công lao động. Bằng sức người cùng những dụng cụ như búa, xà beng, cuốc, xẻng, kíp mìn… và hầu như không có máy móc trợ giúp, thanh niên xung phong 6 tỉnh thuộc khu tự trị Việt Bắc cũ (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang) đã thực sự mang ‘‘hạnh phúc” về với đồng bào nơi cực Bắc này. 

Đoạn đường đi qua Mã Pì Lèng là khu vực hiểm trở nhất của cao nguyên đá với rất nhiều núi cao, dốc đứng, vực sâu. Việc phá đá mở đường qua đoạn này cũng mất nhiều công sức. Toàn tuyến đường dài 165km được làm trong 5 năm, nhưng chỉ riêng đoạn đường này với 24km phải mất tới 2 năm. Trong đó hơn 1.000 thanh niên xung phong phải tốn 11 tháng treo mình trên vách đá để đục lỗ mìn phá đá. Tại đây hiện còn một đài tượng niệm ghi danh những thanh niên xung phong ấy.

Từ khi cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là công viên địa chất toàn cầu (năm 2010), khách du lịch trong và ngoài nước đã đến đây nhiều hơn. Đồng bào dân tộc vùng cao cũng có cơ hội được mở rộng giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế với thế giới bên ngoài. Cơ sở vật chất tạ tầng, điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư nhiều nhằm nối gần hơn giữa vùng trung tâm với các bản làng.

Du lịch đã mở ra những hướng đi mới cho phát triển kinh tế, xã hội vùng cao nguyên đá Đồng Văn, đồng bào đã bớt phụ thuộc vào thiên nhiên trong hoạt động sản xuất. Cái đói, cái nghèo cũng đã dần rời xa đối với đồng bào vùng cao. Nơi đây chính là điểm hẹn tuyệt với đối với những ai yêu mến cảnh sắc vùng cao, văn hóa dân tộc thiểu số. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất