
Đảo lộn nhiều thói quen sinh học
Theo một nghiên cứu khoa học mới đây, sự biến đổi khí hậu đã thúc đẩy mùa xuân đến sớm hơn trên khắp khu vực Bắc Mỹ. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều loài chim đẻ trứng sớm hơn so với thời điểm sinh học của chúng. Điều này đã góp thêm bằng chứng cho thấy sự nóng lên toàn cầu đang làm đảo lộn thói quen sinh học của nhiều động vật hoang dã.
Ngày 25/3, trong một báo cáo đăng trên Tạp chí Sinh thái Động vật, nhóm các nhà nghiên cứu cho biết, khoảng ⅓ trong số 72 loài chim được khảo sát quanh Chicago đã đẻ trứng sớm hơn tầm 25 ngày so với thời điểm đẻ trứng của chúng cách đây một thế kỷ. Ba loài chim bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhiều nhất là: chim bồ câu Bắc Mỹ, chim cắt và diều hâu Cooper.
Đâu là nguyên nhân chính?
Tuy nhiên, cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy những đặc điểm rõ rệt có thể lý giải nguyên nhân khiến chúng thay đổi lịch trình sinh nở của mình.

John Bates – một chuyên gia về chim của Bảo tàng Field ở Chicago cho biết: “Phần lớn các loài chim mà chúng tôi nghiên cứu có chung đặc tính là ăn côn trùng, mà những hoạt động theo mùa của côn trùng cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu".
Một nghiên cứu khác mới đây cho thấy, chỉ cần nhiệt độ giảm một vài độ so với mức trung bình trong một khoảng thời gian dài là đã có thể ảnh hưởng lớn đến thời điểm côn trùng xuất hiện và thậm chí là thời điểm trứng nở.
Các nhà khoa học tin rằng những thay đổi đó có thể là một trong nhiều lý do dẫn đến sự sụt giảm mạnh quần thể chim kể từ những năm 1970. Theo một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Khoa học năm 2019, số lượng chim ở hai quốc gia Mỹ và Canada đã sụt giảm khoảng 3 tỷ cá thể, ước tính chiếm gần 1/3 tổng số lượng chim của hai nước này.
Ông John Bates và các cộng sự của mình đã nghiên cứu hơn 1.500 hồ sơ vỏ trứng được lưu giữ tại Bảo tàng Field ở Chicago, nhiều hồ sơ trong số đó có thời gian từ những năm 1872 đến năm 1920. Đó là thời kỳ mà việc sưu tập trứng là một trò tiêu khiển phổ biến. Nhờ những bộ sưu tập đó mà các nhà khoa học đã có các thông tin chi tiết về các loài chim để so sánh đối chiếu với hơn 3.000 hồ sơ hiện đại.
Sự so sánh này cho kết quả tương tự như một số nghiên cứu được thực hiện trong những thập kỷ gần đây ở Vương quốc Anh. Tất cả đều minh chứng cho nhận định việc đẻ trứng của các loài chim diễn ra sớm hơn cùng với những thay đổi được báo cáo trong mùa sinh trưởng.