, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 09/11/2022, 09:00

Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đe dọa vựa lúa Ai Cập

QUANG MINH
(theo AP)
Châu thổ sông Nile là vựa lúa hoặc còn được gọi là “rổ bánh mì” của Ai Cập, nhưng vùng này đang có nguy cơ nước biển dâng ngập các cánh đồng trồng lúa và cây trái.

Ai Cập đang là quốc gia tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP27), đang phải đối phó tình trạng xói mòn ngày càng mạnh hơn qua từng năm. Đất nước của những vị vua Pharaon đã ghi nhận tình trạng giảm mưa, nguồn nước trở nên thiếu hụt, nhiệt độ tăng. Cùng lúc, mưa to và lũ lụt ngày càng thường xảy ra và nghiêm trọng hơn. 

Nông dân làm ruộng  ở châu thổ sông Nile- Ảnh: Reuters

Mối đe dọa còn từ tình trạng nước biển dâng 

Đa phần châu thổ sông Nile (từ đây viết ngắn là vùng Delta) là đất bằng và nằm dưới mực nước biển 2m. Nếu mực nước biển dâng cao, hàng triệu nhà sẽ bị quét sạch, cùng với cơ sở hạ tầng công cộng, đường xá và nguồn điện cũng như đất trồng trọt. Ngay cả đất màu mỡ cũng bị mất vì nước mặn xâm thực, xói mòn. Nước mặn thẩm thấu các sông nhánh sông Nile và hồ nước ngọt. 

Đây là một vấn nạn lớn, khi 80% diện tích đất canh tác của Ai Cập là ở vùng Delta. Dự kiến đến năm 2030, sản lượng lương thực nước này sẽ giảm hạ ít nhất 1/3. 

Thực tế ở vùng Delta, tác động của sự biến đổi khí hậu từ lâu đã quá rõ ràng đối với các nông dân: nước mặn xâm thực ăn mòn rễ và khiến các cánh đồng trở nên cằn cỗi. Nhà nông đã phải chi rất nhiều tiền để mua những chuyến xe tải đất đến dặm cao nền đất canh tác nhằm tránh nước mặn ngấm vào đất ruộng khi mực nước biển dâng. 

Tài xế lái xe chở khách cũng ghi nhận tình trạng xâm thực. Họ nói hiện nay vào mỗi mùa đông, nhiều nơi trên tuyến cao tốc quốc tế chạy dọc bờ biển Ai Cập đã bị ngập sâu. 

Toàn vùng bờ biển Địa Trung Hải của Ai Cập dài 990km. Vùng Delta ở phía bắc Địa Trung Hải, là một trong 3 điểm nóng bị tác động sự biến đổi khí hậu gồm mực nước biển dâng, theo báo cáo năm 2007 của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC). 

Vùng Delta từ hàng ngàn năm đã nổi tiếng là đất đai màu mỡ, có diện tích khoảng 240km2,  bắt đầu từ phía bắc thủ đô Cairo là nơi sông Nile chảy vào. Các nhánh của sông này tạo nên đất màu mỡ bằng cách bồi phù sa trên đường nước trôi ra biển. Từ thời cổ, vùng Delta đã là “rổ bánh mì” của nhiều đế chế Ai Cập.

Khu vực này đông dân cư, chiếm 40% trong tổng số dân 104 triệu người  Ai Cập, theo Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO). Nông nghiệp và nghề cá được phát triển dọc hai nhánh sông Nile là Rosetta ở phía tây và Damietta ở phía đông, góp phần nuôi cả nước và cung cấp nông - ngư sản xuất khẩu. 

Nước biển dâng áp sát bờ biển bán đảo Sinai - Ảnh: Reuters

Nhưng các hoạt động này ngày càng bị tình trạng biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đe dọa. Hiện tại, ¼ vùng Delta ngang mực nước biển hoặc thấp hơn. 

Theo Bộ Quản lý Nguồn nước và Tưới tiêu Ai Cập, mực nước biển dâng trung bình của Địa Trung Hải là 1,8 mm/năm hồi đầu những năm 1990. Nhưng trong 10 năm qua, mực nước biển ở đây đã tăng lên 2mm/năm. Bộ còn dự báo một khu vực khoảng 2.600km2 sẽ bị ngập hoàn toàn từ năm 2100, gây tổn thất cho 5,7 triệu người dân. 

Đê chắn biển dâng ở Ai Cập - Ảnh: AP

Ai Cập bị mất nguồn nước nghiêm trọng

Còn theo Cơ quan Môi trường LHQ (UNEP), Địa Trung Hải có thể “nuốt chửng” 100.000ha đất nông nghiệp trong vùng, và nếu nhiệt độ Trái Đất tiếp tục tăng, ĐịaTrung Hải sẽ xâm lấn vùng Delta mỗi năm 100m. 

Đây sẽ là một thảm họa ở Vùng Delta và IPCC dự đoán sông Nile sẽ mất 70% dòng chảy vào cuối thế kỷ này, nguồn nước cung cấp cho 97% dân số sống dọc theo 6.500km chiều dài sông Nile giảm mạnh xuống còn 1/3 so với hiện nay. Trong nửa thế kỷ qua, lưu lượng dòng chảy của con sông dài thứ nhì thế giới này đa giảm từ 3.000m3/giây xuống còn 2.830m3/giây. 

Trái Đất nóng lên cũng làm tăng lũ lụt, bão lớn tấn công Đông Phi, nhưng chỉ bù đắp được 15 - 20% lượng nước mất đi, nghĩa là các nước phụ thuộc vào sông Nile để trồng trọt và làm thủy điện sẽ lâm vào cảnh khốn cùng, IPCC cảnh báo.

Mực nước biển dâng từ 0,5 đến 1m điều có thể xảy ra vào năm 2100, theo một trong những kịch bản tình hình nghiêm trọng mà IPCC dựng nên. 

Mực dâng này sẽ khiến bờ biển vùng Delta bị lấn vào trong nhiều km, nhấn chìm các vùng lớn và muối hóa các vùng đó, theo một báo cáo của một nhóm các nhà khoa học quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển của Học viện đảo quốc Cyprus và Viện Hóa học Max Planck. 

George Zittis, đồng tác giả báo cáo, nói: “Đó là những thách thức lớn cho cơ sở hạ tầng ven biển và nông nghiệp và có thể dẫn đến việc mặn hóa tầng ngậm nước ven biển, gồm vùng nông nghiệp Delta đông dân cư”. 

AP đã hỏi chuyện khoảng 30 nhà nông, ngư dân ở nhiều làng ở vùng Delta. Họ cho biết nhiều thế hệ đã cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu suốt nhiều năm qua, nhất là mực nước biển dâng. Họ đã chứng kiến tình trạng bờ biển bị xâm thực, nước ngầm bị mặn hóa. 

Nhà nông Sayed Abuel-Ezz đã phải ghi nhận sản lượng vụ xoài của ông bị giảm do mực nước biển Địa Trung Hải dâng lên, và dù đã chi hàng chục ngàn USD để đắp cao đất canh tác, ông vẫn lo mùa thu hoạch sẽ còn bị giảm nữa. 

Ông nói: “Nếu mực nước biển dâng lên nữa, các cây xoài của tôi sẽ chết. Nước mặn từ Địa Trung Hải xâm lấn vào ruộng khiến cây trồng chết dần và suy giảm chất lượng, rau củ bây giờ không còn vị như xưa”. 

Tình trạng ngập lụt thường xuyên ở thành phố Alexandria - Ảnh: AP

Nỗ lực hạ giảm lượng khí thải carbon dioxide

Nước mặn xâm thực là mối đe dọa lớn nhất cho vùng Delta, theo Mohamed Abdel Monem, một cố vấn cấp cao về đất đai và biến đổi khí hậu của FAO. 

Ông nói: “Điều này có nghĩa mất sản lượng nông nghiệp và trong nhiều trường hợp cây trồng bị chết và từ đó gây ra bất ổn lương thực”.

Cựu Bộ trưởng Nguồn nước và Tưới tiêu Ai Cập, ông Mohamed Abdel-Atty cho biết hồi đầu năm 2022, chính phủ Ai Cập đã cho xây đê chắn bằng bê tông dài 120km dọc bờ biển Địa Trung Hải nhằm che chắn 17 triệu dân. Việc xây này tương đương một nửa vùng duyên hải Delta và thành phố Alexandria. 

Ông Abdel-Atty cũng cho biết chính quyền đang lên kế hoạch xây dựng một hệ thống cảnh báo, nhằm báo động bất kỳ sự biến đổi khí hậu nào, ví dụ như mực nước biển dâng. 

Chính phủ cũng đang cố gắng chấm dứt những hoạt động gây ô nhiễm nặng như sản xuất gạch xây nhà cùng các cách làm nông nghiệp cũ, hoc chấm dứt việc đốt rơm sau mỗi vụ thu hoạch khiến khói mù lan rộng trên trời vùng Delta. 

Nhưng người Ai Cập vẫn cho rằng đấy chỉ là một bước nhỏ trong việc xử lý một vấn nạn toàn cầu. 

Trụ điện gió trên sa mạc Ai Cập - Ảnh: AP

Chuyên gia Abdel Monem của FAO nói: “Dù Ai Cập chỉ thải 0,6% lượng khí thải carbon dioxide, đây vẫn là một trong những quốc gia bị tổn thương nhiều nhất từ tác động của biến đổi khí hậu, và mảng nông nghiệp cùng việc sản xuất lương thực là hai lĩnh vực bị tác động nhiều nhất”. 

Ai Cập có đủ các lý do để có thể làm mọi việc có thể thích ứng với khủng khủng hoảng biến đổi khí hậu và hạn chế tình trạng Trái Đất nóng lên. Đã có những sáng kiến cá nhân để ngăn chặn các xu hướng này. Vấn đề là thiếu một chiến lược để vận dụng hiệu quả các sáng kiến và đạt cấp độ lớn hơn, theo Ahmed El Droubi của tổ chức Hòa Bình Xanh Trung Đông và Bắc Phi. 

Ông nói: “Nhiều cơ quan công quyền thiếu ý thức về tác động của biến đổi khí hậu. Từ đó họ không có quan tâm ưu tiên đến vấn đề. Đó là một thách thức khổng lồ cho bất kỳ chính phủ nào”. 

Mặc dù Ai Cập có tiềm năng tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời, hiện mảng này chỉ chiếm 1/10 trong tổng nguồn điện quốc gia.

Phần chia này có thể sẽ tăng lên 42% kể từ năm 2035, với điều kiện các nước giàu hơn đồng ý cung cấp sự hỗ trợ tài chính đáng kể. 

Tại COP27 vốn diễn ra từ ngày 6 đến 18/11, Ai Cập sẽ vận động hành lang để nhận nguồn tài trợ cần thiết từ các nước phát triển công nghiệp giàu có, nhằm giúp các nước nghèo nhanh chóng hạ giảm lượng khí thải carbon dioxide cũng như có các giải pháp thích ứng với sự biến đổi khí hậu. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất