, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 09/07/2019, 08:14

Biện pháp nào giải quyết ô nhiễm môi trường?

NGUYỄN THẾ TRUNG - Ủy viên Hội đồng Lý luận TW

Thời gian qua, việc quản lý nhập khẩu phế thải còn nhiều sơ hở. Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, tính đến ngày 28.08.2018, cả nước có đến 17.000 container phế liệu chưa làm thủ tục thông quan ở một số cảng biển lớn. Các phế liệu này chủ yếu là nhựa, giấy, phế liệu sắt, nhôm do các hãng tàu nước ngoài chở đến.

Ở các đô thị và nhiều tỉnh, các bãi rác thải ứ đọng chưa được xử lý do khu vực chôn lấp và các nhà máy chế biến quá tải. Số lượng các chất thải rắn như đồ nhựa, túi ni lông… ngày càng nhiều và đổ cả xuống biển, các dòng sông, gây ô nhiễm nghiêm trọng ở một số vùng.

Sinh viên trường Đại học Nha Trang tham gia hoạt động làm sạch bờ biển. Ảnh: Asia Images
Sinh viên trường Đại học Nha Trang tham gia hoạt động làm sạch bờ biển. Ảnh: Asia Images

Ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng

Vấn đề quản lý nước thải ô nhiễm ngày càng phức tạp, khó khăn hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, hầu hết các dòng sông và phần lớn ao hồ ở Hà Nội và một số đô thị đều ô nhiễm nặng. Hàng năm có hàng triệu mét khối nước chưa qua xử lý đổ xuống các dòng sông như sông Tô Lịch, sông Sét, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu, sông Lừ... Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay mới có khoảng 78% trong số 283 khu công nghiệp và chỉ có 9% của gần 700 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải.

Cùng với rác thải, nước thải, vấn đề khí thải cũng rất nghiêm trọng. Đầu tháng 03.2019, Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam công bố báo cáo của tổ chức Hòa Bình Xanh “Về hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu năm 2018”. Theo báo cáo này, Hà Nội đứng thứ hai, thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 15 về mức độ ô nhiễm không khí ở khu vực Đông Nam Á. Theo ước tính của Đại học Fulbright, thiệt hại kinh tế ở Việt Nam do ô nhiễm không khí (2013) khoảng 5 - 7% GDP và gây chết sớm cho hàng chục ngàn người. Tại Hội nghị Lagos (Thụy Sĩ) năm 2016, Việt Nam đứng thứ 10 về ô nhiễm không khí.

Tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng nêu trên do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chính. Nước ta nằm ở vị trí địa lý chịu tác động rất lớn của hiện tượng biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng hạn hán, ngập úng, nhiễm mặn ở một số nơi. Sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra khá mạnh mẽ cũng góp phần làm tăng phát thải khí nhà kính, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học…

Nhận thức và ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của một bộ phận lớn cán bộ, công chức, viên chức, của người dân về bảo vệ môi trường chuyển biến chậm. Một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn lại bị chi phối bởi lợi ích cục bộ đã vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, có nơi, có lĩnh vực vi phạm rất nghiêm trọng. Công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật và tổ chức ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức.

Cần một số giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan truyền thông và cả hệ thống chính trị tăng cường tuyên truyền, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân về bảo vệ môi trường.

Tùy theo đặc điểm tình hình của từng địa phương, đơn vị, từng lứa tuổi và giai tầng xã hội để sáng tạo trong lựa chọn phương pháp phổ biến, giáo dục ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, tạo ý thức của cộng đồng trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng, từng hộ gia đình tự giác phân loại rác thải, thực hiện lối sống xanh, hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học… Có ý thức bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, vận chuyển nguyên vật liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, vệ sinh công cộng...

Hai là, trên cơ sở các quan điểm tại Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI), Trung ương lãnh đạo nhà nước tiếp tục thể chế hóa và bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật trên lĩnh vực liên quan đến bảo vệ môi trường kịp thời.

Một số văn bản pháp luật như: Luật Tài nguyên nước (năm 2012), Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Đa dạng sinh học (2008)... cần được sơ kết, đánh giá để nghiên cứu, bổ sung những vấn đề còn bất hợp lý, hình thành khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, thống nhất và hiệu quả để tăng cường quản lý tốt hơn trên lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Đi đôi với việc tuyên truyền, giáo dục công dân phải xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách, công cụ thị trường nhằm điều hành và quản lý xã hội tốt hơn.

Ba là, Chính phủ và chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ môi trường.

Trước hết quan tâm chỉ đạo các ngành, các cơ quan chức năng trong xây dựng quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch, đặc biệt trong quy hoạch đô thị và cơ sở hạ tầng. Thực tế ở nhiều đô thị của Việt Nam quy hoạch cho diện tích cây xanh, hồ nước tỷ lệ còn rất thấp. Hiện nay chỉ tiêu cây xanh công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh mới đạt mức bình quân là 1,6m2/người. Thủ đô Hà Nội diện tích cây xanh trên đầu người cũng mới chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiên trên thế giới. Thành phố đang phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ cây xanh 8m2/người, trong lúc hiện nay thủ đô Praha đã đạt 200m2/người, Viene (Thụy Sỹ) đạt 131m2/người, thành phố Hambourg (Đức) đạt 114m2/người...

Việc quản lý nhà nước về trật tự công cộng có tác động rất nhiều đến bảo vệ môi trường, nhất là khu vực đô thị. Cần khắc phục tình trạng buông lỏng trong quản lý hành lang, vỉa hè đường phố. Tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư để ngăn chặn có hiệu quả các dự án công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Bài học thu hút đầu tư các nhà máy xi măng lò đứng, dự án Formosa, bô xít (Tây Nguyên),.. đều rất đắt giá, đã cảnh báo điều đó.

Bốn là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trên lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Vấn đề cấp bách hiện nay là đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào việc chế biến, xử lý rác thải, nước thải và hạn chế đến mức thấp nhất khói bụi trong không khí. Trước hết cần có cuộc khảo sát, đánh giá công nghệ xử lý rác thải, nhất là chất thải rắn của thế giới và trong nước nhằm phân loại, lựa chọn công nghệ tối ưu, phù hợp với điều kiện Việt Nam để khuyến khích đầu tư ở những vùng nhiều rác thải, ưu tiên các đô thị đông dân. Sớm bổ sung các cơ chế, chính sách, tạo môi trường cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư chế biến, xử lý rác thải, nước thải. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện các điều ước hợp tác quốc tế về môi trường, tích cực bảo vệ lợi ích quốc gia liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ rất khó khăn nếu không thường xuyên làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Trước hết, cần thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất đai, các khu chức năng nhất là khu dân sinh,…

Trong thực tế, việc vi phạm luật pháp về quy hoạch chủ yếu do một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước, nhất là người đứng đầu các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, xây dựng, kiến trúc, giao thông, thủy lợi,… Nhiều đề án, dự án sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt vẫn bị điều chỉnh, cắt xén trong quá trình thực hiện.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc cấp phép đầu tư, nhất là đầu tư các nhà máy sản xuất công nghiệp cần được làm nghiêm ngặt hơn. Đi đôi với biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm của mỗi người dân về chấp hành những quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cũng cần nâng mức xử phạt để đủ sức răn đe người vi phạm. Việc bảo vệ rừng, nhất là diện tích rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn phải được các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm để quản lý tốt.

Phấn đấu để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh về kinh tế là rất quan trọng nhưng phải đồng thời quan tâm đúng mức việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân gắn liền với chính sách an sinh xã hội và bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất