, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 19/01/2022, 14:46

Biến rác cành dừa thành tranh

BÍCH VÂN
(nld.com.vn)
Vốn đam mê mỹ thuật và chuộng nguyên liệu từ thiên nhiên, anh Lê Thanh Hà (SN 1978, quê tỉnh Nghệ An) đã thành công với tranh nghệ thuật được làm bằng nguyên liệu lấy từ cành dừa.

Sau nhiều năm tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Huế, bôn ba xa xứ lập nghiệp ở nhiều nơi trên cả nước, năm 2017, anh Hà mới có điều kiện đặt chân đến TP Đà Nẵng. Cơ duyên với tranh nghệ thuật làm từ cành dừa có được sau một lần anh nhìn thấy những cành dừa trong khu du lịch dọc bờ biển bị chặt bỏ. Từ đó, anh nghĩ đến việc tận dụng nó để làm giấy.

Mất vài tháng từ khi lên ý tưởng, học hỏi cách thức làm giấy theo phương pháp thủ công truyền thống, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào, anh Hà đã bắt tay làm và thành công. Giấy làm ra được giữ nguyên màu tự nhiên của xơ cành dừa. Xưởng "Giấy quê tôi" ra đời đặt tại khu nhà do anh Hà thuê ở đường Nguyễn Đăng Tuyển, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.

Theo anh Hà, nguyên liệu từ cây dừa rất phong phú, đặc biệt là sạch và rất thân thiện với môi trường. Để làm nên bột giấy, những công nhân trong xưởng phải chế biến qua nhiều công đoạn.

Biến rác cành dừa thành tranh - Ảnh 1.
Anh Lê Thanh Hà tự tay làm tranh từ cành dừa
Biến rác cành dừa thành tranh - Ảnh 2.
Một bức tranh được làm hoàn toàn từ cành dừa

Cách làm tranh giấy dừa được anh Hà học hỏi từ phương thức đổ giấy truyền thống của người H’Mông cùng kỹ thuật in hoa văn bằng áp lực nước của Nhật Bản. Sau khi hoàn thiện bột giấy từ xơ dừa, có 10 bước để tạo nên bức tranh.

Đầu tiên, bột dừa được dàn phẳng trên khung lụa; tiến hành in họa tiết, hoa văn, hình ảnh rồi đem đi phơi nắng. Những hoa văn, họa tiết, hình ảnh phải vẽ bằng tay, vẽ lại trên máy rồi in decal, tự tay cắt lại, dán lên khuôn để tạo nên khuôn in hoàn chỉnh. Từ khuôn này, người làm tranh sẽ dùng phương pháp in bằng áp lực nước, tạo nên những lớp dày, mỏng theo ý muốn trên mặt giấy. Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công, không dùng đến hóa chất.

Chủ nhân của xưởng tranh cho biết những bức tranh được xưởng làm nên đa phần là tranh tâm linh, tôn giáo, cũng có cả tranh chân dung, phong cảnh… do khách đặt. Nhờ đặc tính thân thiện với môi trường, độ bền cao và độc đáo, tranh giấy dừa của anh Hà đã thu hút được số lượng lớn khách trong và ngoài nước. Một bức tranh thành phẩm có giá bán từ 3-5 triệu đồng tùy kích cỡ.

Trước khi có dịch Covid-19, xưởng "Giấy quê tôi" còn thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm quy trình làm giấy, làm tranh độc đáo này. Anh Hà còn tổ chức cho nhiều đoàn sinh viên của các trường mỹ thuật đến học hỏi kinh nghiệm và không ngần ngại truyền đạt bí quyết cho các bạn trẻ có đam mê với nghề này.

Từ xưởng nhỏ này, anh Hà đang ấp ủ ý tưởng xây dựng một số xưởng mới ở những vùng đất ven biển trên cả nước. "Ven biển là nơi có nhiều dừa nhất. Mình tận dụng nguyên liệu bỏ đi của cây dừa để làm được thêm những bức tranh, những tác phẩm nghệ thuật đẹp và độc đáo" - anh Hà bày tỏ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất