, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 01/06/2021, 10:26

“Biệt Phủ” của những tác phẩm điêu khắc độc đáo

MAI PHƯƠNG

Tôi đến thăm nhà cổ Huỳnh Phủ khi chiều đã muộn, và ngay cái nhìn từ xa, ngôi nhà có tuổi đời hơn thế kỷ đã lập tức khiến tôi cảm thấy việc đánh đổi hơn trăm cây số để tìm đến đây thật xứng đáng.

Ngôi nhà nhìn từ bên ngoài.

Cô tham quan nhà cổ hả? Ông nhà tui mới đóng cửa rồi, nhưng cô chờ chút đi…” - người phụ nữ ngoài 50 đon đả đón tôi ở cổng phụ của ngôi nhà, rồi đi vội vào quán nước ngay bên cạnh để lấy chìa khóa. Đứng chờ chị loay hoay mở khóa hai cánh cửa gỗ, tôi bỗng nhiên thấy hồi hộp với cảm giác như sắp được khám phá những điều bí ẩn hàng trăm năm trước trong một “biệt phủ”…

Đến đây thì ở lại đây…

“Tui là cháu dâu đời thứ 6 của chủ nhân ngôi nhà này. Chồng tui, ông Huỳnh Ngọc Thu mới là người đang quản lý ngôi nhà, mà tại ổng không được khỏe nên tui phụ”. - Vừa đẩy hai cánh cửa gỗ bung ra, chị Lê Thị Hai - vợ anh Thu vừa tự giới thiệu.

Theo lời chị Hai kể thì ngày xưa cụ tổ của chồng chị là ông Huỳnh Ngọc Khiêm đã đưa vợ và 9 đứa con từ miền Trung xuôi ghe bầu vào Nam lập nghiệp. Khi đến vàm Giồng Luông (Đại Điền, Thạnh Phú - Bến Tre ngày nay) gặp dòng nước xoáy, quai chèo liên tiếp bị đứt, khiến ông Khiêm nghĩ chắc trời đất muốn mình ở lại đây lập nghiệp. Thế là ông quyết định cắm sào lên bờ, khai rừng lập ruộng. 

Nhờ chí thú làm ăn, gia đình ông đã biến vùng đất còn rừng hoang thú dữ thành hàng trăm mẫu ruộng. Dân tứ xứ sau này cũng kéo đến lập nghiệp, lâu dần thành làng, ông được mời vào bàn hương chức. Từ đó dân làng gọi ông là Hương Liêm, kính ông như bậc tiền hiền có công khai hoang lập ấp.

Bên trong nhà.

Khi điền sản có đến 2.000 mẫu, cuộc sống sung túc, ông Hương Liêm tính đến chuyện cất nhà. Ông bà trong dòng tộc xưa truyền lại, ông Hương Liêm đã đích thân ra miền Trung chọn thợ, mua gỗ thuê bè đưa vào Nam để xây nhà. Ngày dỡ gỗ khởi công, ông mua mâm trái cây cúng. Những người thợ lúc bấy giờ ăn bưởi xong ném hạt quanh khu đất, hạt nẩy mầm thành cây, đến khi cây bưởi có trái mà ngôi nhà vẫn chưa xây cất xong. Mãi năm 1904, sau 14 năm ròng rã, Huỳnh Phủ mới chính thức hoàn thành.

“Biệt phủ” điêu khắc trên đất cù lao xứ dừa

Theo chân chị Hai bước vào bên trong ngôi nhà xưa nhất còn tồn tại trên đất cù lao xứ dừa cho đến nay, tôi thật sự choáng ngợp trước vẻ đẹp kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ độc đáo mà trải qua hơn thế kỷ, ngôi nhà vẫn còn giữ được.

Gian thờ tự bên trong ngôi nhà.

Được xây dựng trên diện tích hơn 500m2 theo kiểu nhà rường ở Huế, nhà cổ Huỳnh Phủ có tổng cộng 80 cây cột lớn, trong đó 48 cột bằng gỗ căm xe và 32 cột xây bằng gạch để thay cho cột gỗ đã bị hư hỏng theo thời gian (thay vào lúc nào thì người trong gia đình cũng không nhớ rõ). Nhà lợp mái ngói âm dương, phần mặt âm (dạ ngói) đều vẽ hoa văn, mây nước bằng chất liệu men màu.

Ngôi nhà được cấu trúc theo 3 gian 2 chái, toàn bộ hệ thống vỉ kèo, xuyên trính của ngôi “biệt phủ” đều được chạm trổ công phu, ngay cả dạ cây xuyên cũng được chạm khắc tỉ mỉ. Đặc biệt, các tấm trám trên vách mặt tiền gian chính đều có hai lớp, lớp mặt trước chạm các loại hoa trái, chim muông, lớp phía sau chạm lọng lưới tổ ong - một kỹ thuật chạm trổ mà những người hiểu biết nghệ thuật điêu khắc đều phải thán phục.

Hoa văn điêu khắc trong nhà cổ.

Tại gian chính dùng làm nơi thờ phụng có 3 khánh thờ, cũng là các tác phẩm điêu khắc độc đáo. Mỗi khánh thờ cao khoảng 3m, xếp thành 2 lớp. Phía tả thờ Cửu huyền thất tổ, chính giữa thờ Phật Bà Quan Âm, phía hữu thờ ông, bà Huỳnh Ngọc Khiêm. Khánh thờ Phật Bà Quan Âm chạm trổ long, lân, phụng theo lối song phụng tranh châu, nền đế là hai kỳ lân có chân trụ chạm rồng ba móng. Tất cả các bức hoành phi, bài vị, biển đề… đều bằng gỗ, chạm trổ hoa văn công phu, sơn son thiếp vàng vô cùng tinh xảo. Riêng các tấm liễn chạm là những tác phẩm “thượng thừa” của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Đó là những bức tranh sinh động, mô tả cảnh vật thiên nhiên của vùng đất cù lao sông nước bốn mùa cây trái xum xuê, cảnh vật thanh bình, chim muông vui hót cùng muôn loài...

Chị Hai cho biết theo lời kể lại của các ông bà cao niên trong dòng tộc, hầu hết tác phẩm điêu khắc của ngôi nhà cổ này đều do các nghệ nhân người Huế thực hiện trên những phiến gỗ đặc. Ông Hương Liêm không tính công thợ theo ngày mà tính bằng khối lượng dăm bào sau một ngày lao động. Mỗi chén dăm bào được trả 5 cắc bạc (lúc này một giạ lúa bằng 1,8 cắc bạc), nhưng thợ cũng không được làm quá một chén dăm bào/ngày để đảm bảo tác phẩm được thực hiện tỉ mỉ, công phu nhất.

Giữ nhà phải giữ bằng tâm

Là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị tiêu biểu, độc đáo duy nhất còn lại ở vùng đất Bến Tre và hiếm hoi ở cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhà cổ Huỳnh Phủ (và khu mộ vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Khiêm) được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 2011. Do công trình xuống cấp nên được Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Bến Tre đầu tư trùng tu, phục dựng lại với kinh phí 25,2 tỷ đồng và hoàn thành vào năm 2015. 

Anh Huỳnh Ngọc Thu cho biết: “Trước cũng có nhiều vị đại gia từ nơi khác đến trả giá mấy chục tỷ đồng để sở hữu ngôi nhà, nhưng xem đây là tài sản quý báu mà tổ tiên bỏ bao công sức gầy dựng để lại cho con cháu sau này, nên gia đình kiên quyết không bán. Dòng họ đã họp bàn và thống nhất phối hợp với Nhà nước tôn tạo, gìn giữ ngôi nhà cổ nguyên hiện trạng. Bây giờ ngôi nhà không chỉ là di sản của dòng tộc mà còn là di sản của quốc gia, con cháu cũng thấy tự hào”.

Mặt trước và gian tiền sảnh ngôi nhà.

Được giao đại diện gia đình quản lý ngôi nhà cổ, vợ chồng anh Thu chị Hai mở quán nước ngay bên cạnh làm kế sinh nhai và tiện việc mở cửa cho khách du lịch vào tham quan. Chị Hai vừa canh tác thêm rau xanh trên khoảnh đất nhỏ phía sau ngôi nhà cổ, vừa đảm nhiệm việc thắp nhang bàn thờ, lau chùi quét dọn khu nhà và kiêm luôn hướng dẫn viên khi có khách đến tham quan. Dù nằm ở vùng sâu của huyện ven biển Thạnh Phú, nhưng mỗi ngày ngôi nhà cổ độc đáo này vẫn tiếp vài chục khách du lịch và ai cũng thích thú khi được chính gia chủ hướng dẫn tận tình. Tôi thắc mắc sao vợ chồng chị không bán vé vào tham quan nhà cổ, chị Thu cười: “Làm vậy thì như kinh doanh cái nhà tổ tiên, gia đình không ai muốn cả. Cho nên vợ chồng tui phục vụ vậy, ai có nhã ý bao nhiêu tùy thích. Tiền đó tui cũng dùng để chăm sóc ngôi nhà thôi”!

Rời khỏi những tác phẩm điêu khắc mê hoặc, và nhìn lại vẻ đồ sộ của ngôi nhà thế kỷ, tôi chợt thấy cảm phục các hậu duệ của gia tộc danh giá này. Họ gìn giữ ngôi nhà của tổ tiên đâu phải bằng chiếc ổ khóa trên hai cánh cổng gỗ. Bởi ổ khóa chắc chắn nhất để gìn giữ di sản của cha ông chính là trái tim của những thế hệ con cháu sau này…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất