, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 09/11/2022, 09:32

Biết thế gian

HỒ ANH THÁI

1.

Mùa lúa chín, những thửa ruộng bậc thang ở miền núi trở thành bức tranh tuyệt đẹp giữa thiên nhiên. Người ta kéo nhau đi thưởng ngoạn, chụp ảnh, quay phim để lưu giữ những khoảnh khắc quý giá, lưu giữ những khung cảnh ngoạn mục. Không tiếc lời, nhiều người bảo ruộng bậc thang ở miền núi Việt Nam là có một không hai trên thế giới. 

Ruộng bậc thang ở xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang - Ảnh MH.

Nhưng mà có thật thế không? Đẹp thì đẹp thật, tuy nhiên không phải là có một không hai. Những nước tương tự điều kiện địa lý và khí hậu ở Đông Nam Á, có cùng tập quán canh tác trên sườn núi, thì ở đó, ruộng bậc thang của người ta cũng hoành tráng và ngoạn mục như ai. Chắc là ở đó, nếu chưa nhìn thấy ruộng bậc thang ở Việt Nam, người ta cũng tin rằng ruộng bậc thang của họ là độc nhất vô nhị trên thế giới.

Cũng thế, vịnh Hạ Long của Việt Nam, được UNESCO ghi nhận là di sản thiên nhiên được bảo vệ, sự ghi nhận thật đúng đắn. Nó đã vào phim Đông Dương như cảnh thần tiên, tạo nên một làn sóng người châu Âu du lịch sang Việt Nam. Nó làm xao xuyến hàng triệu con tim bạn bè khi họ đến thăm thú. Nhưng có kiểu tuyên truyền đến mức nhiều người tưởng rằng Hạ Long là duy nhất, là số một. Đến mức cứ bạn bè nước ngoài đến Việt Nam là thu xếp cho đi vịnh Hạ Long.

Một người bạn Indonesia cũng được đưa đi thuyền trên vịnh, được giới thiệu đây là vịnh biển có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ. Người bạn ấy chỉ mỉm cười tế nhị: Ở nước tôi có hàng vạn hòn đảo cơ. Đúng thế, xứ vạn đảo Indonesia có gần hai vạn hòn đảo, cũng rất nên thơ và lãng mạn trên biển xanh. Nghe vậy, chắc có người tỉnh ra: các nước Đông Nam Á, hoặc những nước là đảo quốc, kiểu vịnh như Hạ Long không phải là mới lạ.

2.

Có lần một nhà văn hóa, khi viết về tháp Chàm, ông đi xa hơn với bình luận đại loại tháp Chàm chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ nhưng phần tâm linh của tháp Chàm thì sâu đậm hơn nhiều. 

Còn một phóng viên, trong bài du ký kể về chuyến thăm khu đền Angkor ở Campuchia, thì cao hứng cảm thán: đây là ngôi đền vĩ đại nhất thế giới.

Nghe nói như thế, người ta không thể không nén một tiếng cười. Nhà văn hóa đâu đã đích thân viếng thăm và chiêm nghiệm những quần thể đền đài thấm đẫm hồn vía của Ấn Độ mà biết là tâm linh của nó không sâu đậm. Nhà báo đâu đã tận mắt chiêm ngưỡng những quần thể đền đài vĩ đại của Ấn Độ, vốn ảnh hưởng mạnh đến kiến trúc của nhiều nền văn minh Đông Nam Á, vậy ông đâu đã biết là Ấn Độ có những khu đền còn lớn hơn lộng lẫy hơn Angkor nhiều lần. 

Ở khía cạnh văn chương, tôi từng nghe ý kiến của một nhà thơ rằng Truyện Kiều là tác phẩm văn chương duy nhất trên thế giới mà người dân sử dụng để đoán định hậu vận, tức là hình thức bói Kiều. Có đúng là duy nhất hay không?

Có người nói Truyện Kiều là tác phẩm văn chương duy nhất trên thế giới mà người dân sử dụng để đoán định hậu vận (?!)

Ít nhất thì tôi cũng biết rằng ở nền văn minh Ba Tư cổ điển, có thi hào Hafez mà thơ của ông được đem ra bói như bói Kiều ở ta. Thơ của Hafez đi vào lời ăn tiếng nói hàng ngày trong dân gian Ba Tư, đến mức hình thành một niềm tin rằng thơ Hafez bao trùm mọi khía cạnh đời sống. Cho đến ngày nay, trong nhà người Iran nào cũng có ít nhất hai cuốn sách: kinh Koran và tập thơ Hafez. Thậm chí có người còn đảo ngược trật tự ấy: thơ Hafez và kinh Koran. Người ta có xu hướng lật một trang thơ Hafez, đọc rồi suy đoán tương lai: chuyến đi sắp tới có thành công hay không? Ta sẽ có quý nhân phù trợ hay gặp rủi ro bất trắc? Người thân của ta sẽ sớm trở về hay tương lai còn đang mờ mịt? Dân Ba Tư cho rằng tất cả đều có trong ấy, chỉ tùy thuộc vào cách suy đoán và lý giải.

Hafez (1315 - 1390) nổi danh suốt thế kỷ XIV ở đế chế Ba Tư. Như vậy, nói cho thuận thì phải là: ta bói Kiều giống như dân Ba Tư bói Hafez. Và từ chuyện bói Hafez và bói Kiều, cứ theo tư duy logic thì hẳn là ở bất cứ một dân tộc yêu thơ ca nào, thi phẩm đặc sắc được dân tộc họ ưa chuộng nhất đều trở thành một thứ kinh thánh, một thứ tiên tri, để người ta nương vào đó mà dự báo tương lai.

3.

Mọi sự khẳng định mạnh mẽ như đinh đóng cột đều mặc nhiên mang trong nó sự phá sản. Khó chịu với những gì không giống mình, còn cái gì mình thích thì cái đó là nhất – đấy là chuyện thường tình của con người. Nhưng chưa nhìn thấy thế giới thì chớ vội khái quát toàn diện một điều gì. Quả là vẫn có những người chưa nhìn thấy thế giới nhưng đã hiểu quy luật cuộc đời. Đấy là những bậc nhìn thấy thế giới và thấy cả vũ trụ bên trong lòng mình. Họ là những bậc giác ngộ và tiên tri. Ngoài những đấng bậc hiếm hoi đó thì có lẽ chẳng ai nên tập làm bậc tiên tri. Cũng chẳng nên tập làm thánh phán mà làm gì. Thận trọng phát ngôn cũng là thể hiện biết mình biết người. Và biết thế gian.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Thnam Chmay diễn ra từ 13-16/4.
Được quan tâm


So với thời điểm cuối năm 2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giảm gần 75 USD/tấn (tương đương gần 1,9 triệu đồng/tấn), gạo 25% tấm giảm tới 84 USD/tấn.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất