, //, :: GTM+7

Bình Dương tích cực bảo vệ môi trường nước

KIM XUYẾN
Bình Dương là địa phương đang có hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động. Nguy cơ ô nhiễm rất cao. Để bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ nguồn nước, Bình Dương đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng và nghiêm túc thực hiện chúng.
Quỹ BVMT Hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp xử lý nước thải.

Nằm trong vùng Đông Nam bộ, Bình Dương có nguồn tài nguyên nước rất phong phú với tổng trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất khoảng 2.180.000m3/ngày đêm, tương đương khoảng 797 triệu m3/năm. Nguồn nước dưới đất của Bình Dương chủ yếu là nước nhạt với năm tầng chứa nước chính (bốn tầng chứa nước lỗ hổng và một tầng chứa nước khe nứt).

Về nước mặt, tỉnh được bao bọc bởi ba con sông lớn là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé cùng một con sông nội tỉnh là sông Thị Tính. Mật độ sông suối khá dày đặc, tại thượng nguồn từ 0,7km/km2 đến 0,9km/km2, hạ nguồn là 0,4km/km2 đến 0,5km/km2. Tổng lưu lượng nước của các sông lớn trên địa bàn tỉnh trung bình năm khoảng 17.753,27 triệu m3. Bên cạnh nguồn nước sông, trên địa bàn tỉnh còn có 7 hồ chứa với tổng dung tích hữu ích lên tới 1.138 triệu m3 nước và là nguồn trữ dồi dào để khai thác, sử dụng.

Giải pháp căn cơ

Theo Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) tỉnh Bình Dương, chế độ dòng chảy của các sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị chi phối bởi các công trình thượng nguồn như đập Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn, đập Trị An trên sông Đồng Nai, đập Phước Hòa trên sông Bé, đồng thời chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều, nhất là khu vực phía Nam của tỉnh. Hệ thống sông suối trên địa bàn tỉnh Bình Dương là nguồn tài nguyên quý giá, vừa cung cấp nước phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vừa là hệ thống thoát nước tự nhiên cho cả khu vực.

Theo ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước - Khoáng sản và Khí tượng thủy văn Sở TNMT tỉnh Bình Dương, chất lượng nước dưới đất tại các vị trí quan trắc trên địa bàn còn tương đối tốt, nước có vị nhạt, không màu, hàm lượng các nguyên tố thay đổi theo mùa, các chỉ tiêu phân tích đều đạt quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, tại một số khu vực như phường Vĩnh Phú của thị xã Thuận An, nước dưới đất bị nhiễm mặn (hàm lượng Clorua vượt quy chuẩn nhiều lần) do khu vực này tồn tại một ranh mặn từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Đập Phước Hoà-Phú Giáo-Bình Dương.

Bảo vệ tài nguyên nước được chính quyền Bình Dương quan tâm hàng đầu. Năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tại khu vực phía Nam tỉnh. Đến năm 2015, tỉnh điều chỉnh, bổ sung danh mục vùng hạn chế, vùng đăng ký khai thác nước dưới đất trên toàn tỉnh và đến nay, đang thực hiện đề án điều chỉnh vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ.

Bảo vệ môi trường nước và dự trữ tài nguyên nước được Bình Dương nghiêm túc thực hiện với hàng chục công trình, dự án khác nhau.

Bình Dương đã lập xong Quy hoạch Tài nguyên nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Đây sẽ là cơ sở cho việc phân bổ, điều hòa, bảo vệ tài nguyên nước; phòng chống tác hại do nước gây ra; làm cơ sở định hướng cho công tác quản lý tài nguyên nước.

Giám sát nghiêm ngặt

Theo Sở TNMT Bình Dương, công tác kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mặt được thực hiện thường xuyên thông qua nhiều giải pháp như tăng cường kiểm tra, quan trắc, giám sát phối hợp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng.

Hiện nay, Sở TNMT đang thực hiện đề án “Điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu để đánh giá sức chịu tải và dự báo chất lượng nước các sông suối trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Đề án hoàn thành sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu và đưa ra các giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước mặt hiệu quả trong thời gian tới.

Thời gian qua, Bình Dương đã đầu tư xây dựng hai trạm quan trắc thủy văn trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và thực hiện quan trắc chất lượng nước mặt định kỳ với tần suất mỗi tháng một lần tại 26 vị trí trên các sông suối, kênh rạch thuộc địa bàn tỉnh để kiểm soát chất lượng nước mặt, trong đó có 4 điểm quan trắc tự động.

Đối với nước dưới đất, tỉnh đã đầu tư thiết bị quan trắc tự động, duy trì việc quan trắc động thái nước dưới đất tại 37 công trình và đang đầu tư xây dựng thêm 18 công trình quan trắc nước dưới đất nữa. Kết quả của quá trình quan trắc đã góp phần phát hiện kịp thời những diễn biến xấu về chất lượng, trữ lượng nước để kịp thời đưa ra những giải pháp bảo vệ phù hợp.

Bình Dương sẽ di dời các cơ sở gây ô nhiễm nguồn nước ra khỏi các khu dân cư-trong ảnh KCN Tân Bình-Bắc Tân Uyên.

Ông Tân cho biết thêm, hiện nay Công ty Cổ phần nước - Môi trường Bình Dương - đơn vị cấp nước tập trung chính, lớn nhất trên địa bàn tỉnh - đã xây dựng Kế hoạch Cấp nước an toàn. Kế hoạch được xây dựng căn cứ Thông tư số 08/2012/TT-BXD ngày 21/11/2012 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn và đề ra các giải pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước đầu vào, đầu ra và các phương án xử lý trong quá trình hệ thống xử lý, hệ thống phân phối gặp sự cố. Đặc biệt, các nhà máy cấp nước trên địa bàn tỉnh được liên thông với nhau nên có thể ứng phó kịp thời khi một nhà máy nào đó gặp sự cố về nguồn cấp nước.

Hiện tại, nguồn nước chính được lấy từ nước sông Đồng Nai để xử lý và cung cấp cho các khu đô thị trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh nguồn nước, công ty đã xây dựng gần 100 giếng khoan có công suất từ 300 - 500m3/ngày lấy nước từ các tầng chứa nước dưới đất để dự phòng trong trường hợp nguồn nước mặt gặp sự cố.

ƯU ĐÃI CHO DOANH NGHIỆP XỬ LÝ NƯỚC THẢI TỪ QUỸ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Sau 10 năm hoạt động, từ nguồn vốn pháp định ban đầu 30 tỷ đồng, đến nay, nguồn vốn của Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương đạt con số khoảng 200 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận thu được từ các hoạt động của Quỹ đóng góp hơn 26 tỷ đồng.

Tính đến nay, Quỹ đã hỗ trợ tài chính với lãi suất ưu đãi cho hơn 80 dự án liên quan đến hoạt động BVMT với tổng số tiền cho vay là 344 tỷ đồng. Một số dự án đáng chú ý trong số đó như: dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải với tổng công suất hoạt động trên 28.000m3/ngày đêm; xây dựng và lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, xử lý khí thải, hệ thống xử lý bụi; dự án mua xe thu gom vận chuyển rác thải với tổng công suất hoạt động ước tính 175 tấn/ngày đêm…

Hoạt động của Quỹ thời gian qua đã đáp ứng đúng tiêu chí khi thành lập, đó là ưu đãi đầu tư cho các hoạt động BVMT, tạo điều kiện thuận lợi về tài chính nhằm đem lại sự an tâm cho cá nhân/tổ chức về nguồn vốn dành cho hoạt động BVMT trong quá trình đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại Bình Dương. Trong suốt 10 năm hoạt động, Quỹ kiểm soát tốt các nguồn thu nợ, chưa để xảy ra nợ xấu, đảm bảo an toàn vốn và sự tự chủ về tài chính.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất