, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 07/12/2021, 17:34

Biomass Fuel Việt Nam và Hợp phần quản lý rừng bền vững ký kết thỏa thuận hợp tác

TIẾN DŨNG - THẢO VI
Chiều 6/12, tại KCN VSIP (Nghệ An) đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam và Hợp phần quản lý rừng bền vững do USAID tài trợ.
Biomass Fuel Việt Nam và Hợp phần quản lý rừng bền vững ký kết thỏa thuận hợp tác.

Theo đó, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp được Bộ NN&PTNT giao làm Chủ dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC). Mục tiêu dự án hướng đến là giảm phát thải nhà kính và tăng hấp thụ các-bon trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng trồng của Việt Nam, cũng như đảm bảo tính bảo tồn đa dạng sinh học ở những khu vực rừng có giá trị cao.

Dự án VFBC được thực hiện từ năm 2021 - 2026, triển khai trên địa bàn 11 tỉnh. Trong đó Nghệ An tham gia Hợp phần Quản lý rừng bền vững với ngân sách tài trợ 2 triệu USD. Một trong những mục tiêu trọng tâm hướng đến là cải tiến, nâng cấp chất lượng rừng trồng, kết nối chặt chẽ thị trường giữa chủ rừng và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ gỗ.

Công ty Biomass Fuel Vietnam được thành lập từ năm 2016 tại tỉnh Nghệ An với tổng vốn đầu tư 24,4 triệu USD, công suất đạt 160.000 tấn viên nén/năm, nhu cầu nguyên liệu 300.000 tấn/năm. Công ty cùng lúc đảm bảo “3 trong 1”, gồm: Tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân trồng rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

TS. Vũ Văn Hưng, Phó Trưởng Ban quản lý dự án lâm nghiệp, Giám đốc Ban quản lý dự án VFBC cho rằng việc ký kết Thỏa thuận Hợp tác giữa 2 bên không chỉ đơn thuần là gắn kết mối quan hệ giữa Doanh nghiệp với dự án mà cốt lõi là tiến tới hỗ trợ cho các chủ rừng, các hộ, nhóm hộ, HTX trong vùng chủ động trong công tác quản lý và kinh doanh rừng bền vững, tập trung sản xuất gỗ lớn hướng đến đạt chứng chỉ rừng Quốc tế, qua đó cụ thể hóa mục tiêu của dự án, đồng thời góp phần tích cực trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.

TS. Vũ Văn Hưng, Phó Trưởng Ban quản lý dự án lâm nghiệp, Giám đốc Ban quản lý dự án VFBC phát biểu tại buổi ký kết.

Hiện Nghệ An sở hữu diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, riêng Khu dự trữ sinh quyển miền Tây được UNESCO công nhận với diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Thời gian qua, lĩnh vực lâm nghiệp của tỉnh Nghệ An duy trì tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Đặc biệt, Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ, đây được xem là nền móng vững chắc, tạo tiền đề phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của ngành lâm nghiệp Nghệ An trong tương lai gần.

Thỏa thuận hợp tác giữa Biomass Fuel Việt Nam và Hợp phần quản lý rừng bền vững, trực tiếp là hỗ trợ đến từ Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) đối với các dự án đã và đang triển khai tại Nghệ An sẽ hỗ trợ Nghệ An chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp và tăng trưởng xanh bằng cách nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất gỗ lớn có cấp chứng chỉ rừng với sự tham gia của khu vực tư nhân và khu vực cộng đồng, tạo mối liên kết lâu dài giữa Công ty Biomass và các hộ trồng rừng sản xuất.

Đặc biệt là đảm bảo sự tham gia của người dân để phát triển chuỗi giá trị keo gỗ lớn, hướng tới cấp chứng chỉ FSC cho khoảng 5.000 ha rừng, tăng cường hấp thụ các bon; tăng giá trị, năng suất rừng trồng, nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn bền vững cho người dân bản địa, đáp ứng yêu cầu tiếp cận các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… góp phần đạt mục tiêu phát triển bền vững toàn diện.

Tỉnh Nghệ An cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Công ty Biomass Fuel thực hiện đầu tư kinh doanh tại Nghệ An và đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và của UBND tỉnh đã ban hành.

Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp đang thực hiện 3 dự án tại Nghệ An, gồm: 2 dự án vốn vay (Dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn - JICA2; Dự án hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển - FMCR) và 1 dự án viện trợ không hoàn lại (Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học - VFBC). Tổng vốn ODA khoảng 21 triệu USD.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất