Sáng 31/10, tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 và chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Hội nghị có sự tham dự của đại diện Sở GD-ĐT 63 tỉnh thành, các trường đại học.
Kỳ thi được tổ chức ngày càng gọn nhẹ
Theo Bộ GD-ĐT, giai đoạn 2020 - 2024, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức chung đề, chung đợt, kết quả thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và sử dụng trong tuyển sinh ở các trường đại học, cao đẳng.
Đặc biệt, kỳ thi được tổ chức ngày càng gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng; kết quả thi đủ độ tin cậy, đạt các mục tiêu, được hầu hết các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ xét tuyển sinh. Từ năm 2020, kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng được cải tiến kỹ thuật.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho biết, việc ra đề thi giữa các năm và giữa các môn học (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội) không được đồng đều nhau đã có tình trạng lạm phát điểm cao.
Việc các trường đại học sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm khiến chỉ tiêu xét xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp bị thu hẹp. Nhiều thí sinh điểm thi cao nhưng không đỗ được nguyện vọng yêu thích.
Ngoài ra, trong quá trình tổ chức kỳ thi còn để xảy ra một số thiếu sót cục bộ tại địa phương trong công tác in sao đề thi, coi thi đã được xử lý kịp thời, bảo đảm quyền lợi của thí sinh.
“Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020 - 2024 ngày càng nghiêm túc, khách quan, trung thực, an toàn, cơ bản đáp ứng được mục tiêu đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và yêu cầu đề ra”, Bộ GD-ĐT cho biết.
Thí sinh được chọn 2 môn thi ngoài Ngữ Văn và Toán
Theo Bộ GD-ĐT, năm 2025 sẽ là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo “Chương trình giáo dục phổ thông 2018”. Do đó, đề thi sẽ theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai “Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Về hình thức thi, chỉ duy nhất môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Ở kỳ thi 2025, mỗi thí sinh sẽ phải thi 4 môn thi trong đó có 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ Nông nghiệp, Công nghệ Công nghiệp). Đề thi có cấu trúc định dạng mới, tăng cường độ phân hóa để tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh.
Về thời gian tổ chức thi, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ quy định khung thời gian tổ chức thi (lịch thi chung), phù hợp với kế hoạch thời gian năm học để bảo đảm thống nhất trong cả nước.
Bên cạnh việc lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, kết quả kỳ thi cũng nhằm cung cấp cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.
Ngoài ra, theo Bộ GD-ĐT, giai đoạn 2025 - 2030, Bộ vẫn giữ hình thức thi giữ ổn định bằng phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT trong các khâu của kỳ thi. Giai đoạn sau 2030, sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính tại các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.