, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 22/11/2022, 09:07

Bộ NN&PTNT đề ra 7 nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ

TUẤN ANH
Chiều 21/11, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Nghị định số 109/2018/CĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam dự và chủ trì Hội nghị.

Nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, sau 3 năm thực hiện Nghị định 109, đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn được hoàn thiện, bổ sung đầy đủ. Trong đó, có 23 địa phương đã xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn riêng về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo Nghị định 109 và Đề án 885.

Tính đến 2021, hầu hết các địa phương trên cả nước đã tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Có 57 địa phương đã thực hiện việc chuyển đổi, trong đó, 17 địa phương đã tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ riêng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, 22 địa phương thực hiện hỗ trợ lồng ghép với các chính sách chung về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn. 

Triển lãm các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bên lề hội thảo.

Số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác hữu cơ tại các địa phương ngày càng nhiều. Cả nước hiện có 17.174 nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ, 555 đơn vị, nhà chế biến, 100 nhà xuất, nhập khẩu sản phẩm hữu cơ với kim ngạch ước đạt 335 triệu USD/năm.

Ngành nông nghiệp đã xây dựng và phát triển 13 nhóm sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ gồm: Lúa gạo, rau củ, trái cây, chè, cà phê, hạt điều, lợn, bò sữa, gà, tôm, hồi, và quế.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định Nghị định 109 tạo ra bước phát triển mới cho nông nghiệp hữu cơ.

Khắc phục hạn chế để phát triển bền vững

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, Nghị định 109 và các văn bản hướng dẫn thực hiện đề án nông nghiệp hữu cơ là những chính sách ra đời từ thực tiễn, đã góp phần hoàn thiện thể chế quản lý, định hướng các mục tiêu phát triển cụ thể, từng bước thay đổi tư duy, nhận thức về phát triển nông nghiệp hữu cơ ở nước ta.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục để phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững hơn, như: Người dân quen sản xuất, canh tác lạm dùng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật; Việc chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ cần thời gian khá dài để cải tạo đất, tái tạo nguồn nước tưới; Chi phí sản xuất cao gây khó khăn cho người dân khi chuyển đổi;. Diện tích sản xuất nông nghiệp manh mún, thiếu tập trung dẫn đến khó áp dụng áp dụng công nghệ cao; Kinh phí chứng nhận lớn, thời gian kéo dài làm mất đi cơ hội xuất khẩu nông sản…

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay đạt khoảng hơn 335 triệu USD/năm.

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề ra 7 nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, tập trung triển khai các lớp tập huấn nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ, tăng cường công tác quản lý sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm hữu cơ.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng ngay một chương trình nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là đối với các HTX, nông dân và triển khai các mô hình điểm về nông nghiệp hữu cơ. 

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức tập huấn cho các tổ chức chứng nhận hữu cơ về công tác quản lý nhà nước.

Tổng cục Thủy sản sớm tham mưu xây dựng bộ tiêu chuẩn hữu cơ trong nuôi trồng thủy sản.

Cục Trồng trọt chủ trì xây dựng bộ tiêu chuẩn hữu cơ cho mô hình tôm - lúa.

Các cơ quan liên quan thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Khoa học – Công nghệ xây dựng một chương trình khoa học quốc gia phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Vụ Khoa học – Công nghệ bố trí một nhiệm vụ khoa học năm 2023, khảo sát thực trạng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trên cơ sở đó đề xuất một cơ chế chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ, từ đó bổ sung một số cơ chế, chính sách trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất