, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 17/11/2022, 17:06

Bộ NN&PTNT lắng nghe ý kiến các địa phương trong việc thực hiện 6 chuyên đề thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM

NGỌC PHƯƠNG
Sáng 17/11, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm quán triệt một số nội dung trọng tâm và các chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025.

Hội nghị có sự tham gia của Bộ NN&PTNT, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Văn Hóa, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công thương… các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp, đại diện văn phòng NTM các tỉnh, thành phố trên cả nước. Thứ trưởng Bộ NN&PNT Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị.

Được biết, dù Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 đã triển khai được hơn 1 năm với nhiều hội nghị triển khai chương trình và một số chuyên đề đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện nay vẫn còn một số địa phương gặp khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện ở cơ sở, cần được trao đổi, giải đáp, làm rõ; nhất là hướng dẫn thực hiện 6 chương trình chuyên đề để hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. 

Do vậy, hội nghị tập trung quán triệt một số vấn đề trọng tâm trong việc thực hiện Chương trình, triển khai hướng dẫn thực hiện các chương trình chuyên đề, chuyên sâu trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM; từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn thôn NTM.

Tại hội nghị, các địa phương đã lần lượt báo cáo kết quả việc thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2021 – 2025 và nêu ra những vướng mắc mà địa phương gặp phải.

Về vấn đề quản lý và nguồn vốn, ông Phan Văn Sinh - Phó chánh Văn phòng NTM tỉnh Đắk Nông cho biết trong quá trình phối hợp thực hiện 6 chuyên đề, địa phương chưa thực sự thống nhất về bản chất mặt quản lý nhà nước vì liên quan tới các sở ngành. Đối với việc phân bổ nguồn vốn sự nghiệp, hiện có nhiều nội dung của 6 chương trình chuyên đề và nội dung thành phần gần giống nhau nên khi xác định nội dung để phân bổ vốn sự nghiệp cho các đơn vị sở ngành, huyện gặp khó khăn. Ông Sinh đề xuất Trung ương nên có hướng dẫn thống nhất bộ máy điều hành và phân bổ vốn năm 2023 để các địa phương sớm triển khai.

Riêng về Chương trình OCOP – điểm sáng trong Chương trình xây dựng NTM, một số địa phương vẫn chưa xác định được sản phẩm đặc thù để đầu tư tạo dựng thương hiệu. Ông Lê Văn Đáng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết Chương trình OCOP yêu cầu khơi gợi tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng sản phẩm OCOP nhưng một số địa phương trong tỉnh hiện đang khó xác định sản phẩm tiềm năng. Trong khi chương trình du lịch nông thôn, chuyển đổi số, khoa học công nghệ đều là những chương trình mới trong xây dựng NTM nhưng nguồn lực địa phương còn hạn chế.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội nghị.

Hay như tiêu chí về nước sạch tập trung, theo quy định, xã NTM phải có ít nhất 10% hộ dân được sử dụng nước sạch tập trung nhưng nhiều địa phương miền núi, địa hình rất khó trong việc dẫn nước sạch. Sóc Trăng, Thanh Hóa, Lài Cai, Hòa Bình là các tỉnh gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chí này. Mặc dù các địa phương đã kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào cuộc nhưng các quy định lựa chọn nhà thầu, thủ tục hành chính hiện rất phức tạp.

Trước thực trạng ở các địa phương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, đến thời điểm này, các văn bản của Trung ương đã gửi đến địa phương và thống nhất về 6 chuyên đề. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý ở địa phương cần tích cực tham mưu cho địa phương để triển khai, tránh chồng chéo với các chương trình khác. Muốn làm được điều này, cần rà soát lại các văn bản để đảm bảo nguồn lực đến được các địa phương một cách kịp thời.

Về vấn đề triển khai các mô hình, nhất là trong chương trình OCOP ở giai đoạn này không dừng ở việc hỗ trợ, định hướng cho các chủ thể, HTX. Điều cần làm là làm sao để các chủ thể, HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo chuỗi và quảng bá sản phẩm OCOP. 

Để giải quyết tiêu chí nước sạch, các địa phương cần xây dựng các hồ trữ nước ngọt trong từng hộ dân. Điều này, một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã làm thực hiện khá hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, xây dựng NTM là giải quyết những điều đơn giản nhất, căn bản nhất mà người dân đang vướng mắc để nâng cao đời sống của nhân dân. Nhiệm vụ của chương trình NTM là xây dựng những mô hình quản lý cộng đồng hiệu quả, từ đó nhân rộng ra các địa phương chứ không phải những mô hình phát triển kinh tế xã hội lớn lao.

Ngoài ra, những vướng mắc mà các địa phương nêu ra trong hội nghị ngày hôm nay đã được ghi nhận và trong vài ngày tới, Văn phòng điều phối NTM Trung Ương sẽ có văn bản hướng dẫn, giải đáp thắc mắc gửi đến từng địa phương để hướng dẫn thực hiện, nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025.

6 chuyên đề chuyên sâu thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới, hướng tới Nông thôn mới thông minh; Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất