, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 28/09/2021, 08:45

Bỏ phố về quê thời Covid-19

PHẠM NGA
(VnExpress)
Khi việc kinh doanh bị đóng băng, con nhỏ chỉ quẩn quanh trong căn chung cư giữa lòng TP HCM vì Covid-19, cả nhà chị Việt Anh quyết định di cư lên Đà Lạt.

"Dịch bệnh giúp tôi nhận ra chẳng có gì là bất biến. Nhà quê bây giờ lại là nơi dễ sống hơn thành phố", Việt Anh, 34 tuổi, bà chủ chuỗi 5 cửa hàng thời trang nói.

Tháng 4/2020, cả nước bước vào đợt giãn cách xã hội đầu tiên, chuỗi cửa hàng thời trang của chị Việt Anh ngừng hoạt động. Các khu vui chơi, trung tâm mua sắm, nhà hàng, quán ăn... ở TP HCM tạm đóng cửa. Gia đình chị cùng bố mẹ, anh chị em và hai nhân viên, tổng cộng 10 người đóng gói đồ đạc nhằm Đà Lạt thẳng tiến.

Ở Hà Nội, anh Lê Văn Thiệp, 31 tuổi, chủ một cửa hàng dịch vụ thiết kế nội thất, thu nhập mỗi tháng 30 triệu đồng, cũng có suy nghĩ giống Việt Anh. Sau 10 năm ở thủ đô, vợ chồng anh có cuộc sống tạm gọi là ổn định cho đến khi Covid-19 xuất hiện. Trường của hai con đóng cửa, việc kinh doanh tạm dừng. Căn hộ thuê 42 m2 bỗng chật chội khi năm người lúc nào cũng ở nhà. "Tôi muốn về quê, dịch bệnh đã đẩy quyết định đó đến sớm hơn", anh Thiệp nói.

Chị Việt Anh (áo trắng) cùng người nhà đang thu hoạch ngô organic trong trang trại của gia đình, tháng 6/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bỏ phố về quê là trào lưu không mới ở Việt Nam. Các năm trước, nó thể hiện nhu cầu được sống chậm của một số người nhưng hai năm nay, trong thời Covid-19 những quyết định "về quê" lại mang màu sắc khác.

Theo ông Trương Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, khi cuộc sống ngày càng nhiều áp lực, nảy sinh những vấn đề không thể lường trước và khó kiểm soát, mọi người có xu hướng về với làng quê, như tìm nơi che chở.

"Dịch bệnh khiến những kỳ vọng về tiện ích ở thành phố lẫn cơ hội kiếm tiền không còn như trước, nên nhiều người chọn về nông thôn. Người ta cũng nhận ra về các vùng quê đầu tư cũng là cách để bảo toàn tài sản", ông Nguyễn Công Chánh, giám đốc một công ty dịch vụ tư vấn bất động sản ở Đà Lạt, lý giải. Trong hơn một năm qua, ông chứng kiến lượng khách hàng tìm đến các vùng như Di Linh, Đà Lạt để mua, thuê đất đầu tư làm homestay, nông trại, khu nghỉ dưỡng... tăng 4 lần so với năm 2019.

Khánh Mai, quản trị viên nhóm "Bỏ phố về rừng" trên Facebook cho biết, nhóm được lập cuối năm 2019 với khoảng một nghìn thành viên ban đầu, nay lên 120.000 người. "Tôi có kinh nghiệm 'về quê' nên mọi người hay nhờ tư vấn. Năm nay, khi dịch căng thẳng, cao điểm có khi một ngày mà chục người gọi", chị nói.

Anh Thiệp đang kiểm tra cà cuống nuôi làm giống, tháng 7/2021. Ảnh nhân vật cung cấp

"Về quê làm kinh tế chưa bao giờ dễ dàng", chị Việt Anh cho hay. Ba tháng đầu tiên rời TP HCM, gia đình chị phải thuê nhà ở theo ngày. Dịp đó, khách du lịch đông, không homestay nào cho gia đình chị ở lâu dài, cứ ba ngày cả nhà lại phải chuyển đến chỗ thuê mới. Mọi việc chỉ dừng lại khi vợ chồng người phụ nữ Sài Gòn dựng được ngôi nhà trên quả đồi hơn hai héc ta thuê trong 10 năm, bắt đầu sự nghiệp làm nông.

Ngọn đồi chỉ có năm cây hồng và bị cỏ đuôi gà bao phủ. Không muốn dùng thuốc diệt cỏ làm ô nhiễm môi trường sống, họ thuê nhân công cùng cuốc đất, nhổ cỏ bằng tay. Nhưng hễ trong làng có tiệc hay giỗ, người làm nghỉ đồng loạt, mặc kệ tiến độ công việc, vợ chồng chị đành phải gánh hết. "Da sạm đi vì nắng, tay vàng đi vì đất, áo quần bạc màu vì sương gió, cơ thể đầy những vết côn trùng đốt sưng phồng", Việt Anh kể.

Nhưng thiên tai mới là nỗi sợ lớn nhất của họ. Có những đêm mưa lớn, nghe gió rít ngoài cửa, cả nhà không ai dám chợp mắt. Họ đội nón lá ra chống đỡ từng cái cây sắp bật gốc. Trận lũ cuối năm ngoái khiến 1.000 cây mới trồng như hương thảo, ngũ sắc, cẩm tú cầu bị cuốn trôi sạch. Giữa tháng 6, sau trận mưa lớn, ruộng ngô organic sắp được thu hoạch đổ rạp.

Vì muốn trang trại nhanh thành hình, gia đình Việt Anh mua hơn 50 cây mimosa trưởng thành, giá 500-700 nghìn đồng một cây về trồng. Được một thời gian chúng chết khô. Lúc đó, họ mới biết với điều kiện tự nhiên ở Đà Lạt mimosa phải trồng khi còn là cây con.

"Thiếu kinh nghiệm cộng với bất lợi của thiên nhiên khiến gia đình tôi mất trắng không ít tiền bạc. Đã nhiều lần tôi tính bỏ cuộc, quay về thành phố, nhưng vì đã tốn nhiều công sức, tiền của, cả nhà lại động viên nhau cố gắng", chị nói. Nhiều lần chị bật dậy giữa đêm, tự hỏi mình có đang sai lầm khi kéo cả gia đình cùng bỏ phố về quê.

Anh Lê Văn Thiệp cũng từng rơi vào trạng thái hoang mang đó. Thiếu kinh nghiệm, không có kiến thức chuyên môn, trang trại nuôi cà cuống của anh liên tiếp gặp thất bại. Ba tháng liền kể từ khi về quê, anh chỉ tiêu tiền trong khi Hà Nội đã mở cửa lại.

"Nhưng tôi xác định mình sống ở quê lâu dài, nên phải làm cho đến đích", người đàn ông nói. Anh tìm hiểu, học hỏi thêm trên mạng, quan sát cà cuống từng giờ để phát hiện bất thường. Bắt đầu tháng thứ tư, Thiệp có thu nhập nên đầu tư xây thêm 17 bể nuôi, diện tích khoảng 20 m2. Đến nay, trung bình mỗi tháng, thu nhập của anh khoảng 20 triệu đồng, tháng cao điểm hơn 40 triệu đồng.

Gia đình chị Hoàng Việt Anh áp dụng chế độ chia đầu việc theo thế mạnh của từng người trong gia đình. Họ nghiên cứu cách làm của các khu nghỉ dưỡng của nước ngoài để ứng dụng vào trang trại nhà mình. Chị cũng thuê nông dân có kinh nghiệm tư vấn về kỹ thuật trồng trọt để phù hợp với địa hình, thời tiết của Đà Lạt.

Chị Việt Anh cùng con trai thu hoạch rau trong vườn nhà, tháng 6/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Dịp Tết vừa qua, khu phức hợp đã lần đầu đón khách, bán nông sản sạch. Được hít thở không khí trong lành, chồng chị cũng không còn bị bệnh viêm xoang hành hạ. Con trai hơn 5 tuổi cứng cáp trước gió sương, am tường nhiều loại cây cỏ. "Mọi người không chỉ hiểu về nông nghiệp, biết cách làm dịch vụ du lịch mà còn biết san sẻ, đồng cảm", chị Việt Anh nói.

Dẫu vậy, chị Việt Anh khẳng định sẽ không bán hay cho thuê căn chung cư ở TP HCM. Con trai sắp vào lớp 1, chị muốn bé được học ở ngôi trường tốt. "Khi hết dịch, chúng tôi sẽ đi về giữa phố và quê", người phụ nữ nói.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất