, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 25/11/2021, 07:25

Bộ sưu tập gốm Nam Bộ xưa của nhà giáo trên đất lúa

LỤC TÙNG
(laodong.vn)
Không sở hữu nhiều về số lượng, nhà giáo ở vùng đất lúa tỉnh An Giang có bộ sưu tập gốm Nam Bộ xưa đáng để nhiều người ngưỡng mộ.
Nhà giáo Trịnh Văn Thu trong phút phiêu với gốm Lái Thiêu. Ảnh: LT

Chỉ mới bước vào nghề chơi gốm từ năm 2018, nhưng nhà giáo Trịnh Văn Thu (sinh năm 1985) giáo viên Trường Trung học cơ sở thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn, An Giang) đã khiến cho nhiều người ngưỡng mộ bởi phong cách chơi độc, lạ.

Tự mua sắm từ đồng lương giáo viên xa nhà, nên thầy Thu không có điều kiện mua nhiều và mua hàng đắt tiền. Sau 4 năm chắt chiu, thầy giáo trên vùng đất lúa Thoại Sơn chỉ sở hữu được khoảng 200 tác phẩm gốm. Đây là bộ sưu tầm nhỏ cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Một góc trong bộ sưu tập gốm Lái Thiêu của nhà giáo Trịnh Văn Thu. Ảnh: LT

Con số này không chỉ rất khiêm nhường so với nhiều người, mà còn nhỏ về nghĩa đen. Bởi hầu hết tác phẩm sưu tầm của thầy Thu đều có kích thước mi ni. Tuy nhiên, với nhiều người lâu năm trong nghề, bộ sưu tập này không hề nhỏ về chất.

Trước hết là phong cách sưu tầm. Trong mênh mông của thế giới gốm, thầy giáo Thu đã chọn cho mình dòng gốm Lái Thiêu như sự tự nguyện gắn bó với dòng gốm thuần Việt hóa của Nam Bộ xưa.

Đĩa Lái Thiêu hình con gà màu. Ảnh: LT

Đây được xem là sự lựa chọn mang đậm phong cách kiên định vì màu cờ, sắc áo dân tộc. Bởi những năm gần đây với sự xuất hiện của nhiều dòng gốm nước ngoài, sân chơi sự sôi động hơn với sự xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm lạ của nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng thầy Thu vẫn kiên định đeo đuổi dòng gốm được sản xuất với kỹ thuật Việt hóa và chất liệu xứ Nam Bộ.

Bình trà màu siêu nhỏ trong bộ sưu tập gốm Lái Thiêu của nhà giáo Trịnh Văn Thu. Ảnh: LT

“Không chỉ lấy ngay hình ảnh thực của cuộc sống Nam Bộ xưa như con gà, con cá, hoa cúc... để làm cảm hứng trên sản phẩm gốm, người vẽ còn biến tấu màu sắc, bút pháp theo hướng đơn giản đến tột cùng. Chính điều này đã mang lại cho người sử dụng, nhà sưu tầm niềm cảm kích và mến mộ gốm Lái Thiêu” - thầy Thu chia sẻ.  

Thố màu gốm Lái Thiêu. Ảnh: LT

Và trong dòng gốm thuần chất Việt này, thầy Thu lại hướng sở thích vào loại gốm màu. Trong bộ sưu tập của thầy Thu luôn rực rỡ màu sắc của những tô, chén, đĩa “con gà” - hình ảnh nổi tiếng của gốm Lái Thiêu. Theo đó, bên cạnh những đĩa con gà “màu lam”, còn có dĩa “con gà” chấm đỏ...

Đặc biệt, thầy Thu còn sưu tầm được bình trà Lái Thiêu màu thuộc diện siêu nhỏ với chiều cao 7cm. Đây được xem như hàng hiếm vì phần lớn đại gia sưu tầm gốm đã vô tình “bỏ qua”. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người trong giới sưu tầm gốm ngưỡng mộ thầy Thu hơn là việc sưu tầm sản phẩm thố mi ni.

Cận cảnh thố mi ni gốm Lái Thiêu màu của nhà giáo Trịnh Văn Thu. Ảnh: LT

Với việc sở hữu trên 40 sản phẩm kích cỡ 5 - 10cm, thầy Thu không chỉ tạo ra cho mình hướng đi riêng mà còn tạo được thế đứng nhất định giữa thế giới đầy những “người khổng lồ” của sân chơi gốm đang giai đoạn thịnh hành trở lại. Tuy nhiên, đó chỉ là bước khởi đầu của chiến lược dài hơi, bởi với thầy Thu, gốm Lái Thiêu mãi mãi là viên ngọc quý nên cần phải bảo tồn, gìn giữ cho hôm nay và mai sau...

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất