, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 12/06/2021, 11:26

Bốc thuốc làm hương như bốc thuốc cứu người

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

“Thoang thoảng đưa nhang xạ ngát hương / Hây hẩy nức yến chi tô hợp”. Khắp đường làng ngõ xóm cho đến trong sân vườn, từng hàng phên hương mới với đủ loại hương từ hương vòng, hương nén đến hương sào đang hong nắng, gió. Màu vàng nâu của hương, màu đỏ tươi của những bó tăm hương xòe ra như những đóa hoa hòa cùng màu xanh của cỏ cây, màu ngói đỏ tươi… tạo nên một bức tranh quê bình dị, tươi vui. Hương thuốc bắc thoang thoảng trong gió mang lại cảm giác khoan khoái, gợi nhớ câu ca dao “Thà nằm đất với anh hàng hương”…

Tỉ mỉ, tận tâm

Thôn Cao (xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) nằm sát đê tả sông Hồng, cách Hà Nội chừng 40km. Nghề làm hương của thôn có từ cuối thế kỷ 18. Tích xưa truyền lại rằng trong làng có người con gái tài sắc vẹn toàn tên Đào Thị Khương, bôn ba lập nghiệp rồi có chồng bên Trung Quốc và học được nghề làm hương xạ ở đó. Trở về quê, bà truyền nghề cho dân làng và được tôn là tổ nghề hương của làng, khi mất bà được thờ tại nhà thờ tổ họ Đào ở thôn Cao.

Đặc trưng quan trọng nhất của hương xạ thôn Cao là có đến 36 vị thuốc bắc được người ta dùng sản xuất hương, như thảo quả, tân di hoa, bồ kết, đương quy, xuyên khung, bạch chỉ, cam thảo, lá hắc hương, đinh hương, tiểu hồi, hoa ngâu, nhục đậu khấu, đại hoàng, bắc mộc, tùng, trắc bách diệp… Hương thôn Cao có mùi thơm đặc biệt mà không làng hương nào trên cả nước có được, mùi hương tự nhiên, thanh mát, phảng phất và lâu tan, mang lại cho con người cảm giác thư thái, thoải mái. Ông Mai Đình Vu là chủ một cơ sở làm hương cung cấp cho các gia đình bán buôn ở phố Đồng Xuân và Hàng Khoai, thành phố Hà Nội. Ông tự hào nói: “Hương xạ thôn Cao có mùi thơm đặc biệt chính là nhờ vào bí quyết gia truyền. Đều là 36 vị thuốc bắc nhưng mỗi gia đình lại có cách gia giảm khác nhau. Bốc thuốc làm hương cũng như bốc thuốc trị bệnh cứu người”. Cũng chính vì thế mà đơn thuốc không được phép truyền cho người ngoài dòng họ. Trong gia đình, con gái và con rể không được truyền, chỉ truyền cho con trai và con dâu. Mà con dâu ít nhất cũng phải ở tuổi 50 trở lên mới được cầm đơn, bốc vị.

Các vị thảo dược sau khi được lựa chọn kỹ càng, cân đong để bảo đảm mùi vị cân bằng, sẽ được xay thành bột mịn, rây kỹ rồi trộn với dây keo (hay còn được gọi là đời bời) để làm chất kết dính. Tăm hương được làm từ những cây nứa bánh tẻ để bảo đảm độ dẻo dai, tạo độ uốn cho tàn hương. Chiều dài của mỗi tăm hương từ 35cm đến 40cm. Tăm hương được chẻ nhỏ, ngâm, phơi rồi được nhuộm màu đỏ ở chân để tăng vẻ đẹp của nén hương, đồng thời đánh dấu phần bột hương được sử dụng trên nén hương.

Người làm hương luôn dành trọn tâm huyết cho từng nén hương. 

Cực nhọc nhất là công việc se hương. Người thợ một tay cầm chiếc tăm hương nhúng vào xô nước sạch, đưa lên bàn lăn; tay kia cầm chiếc bay gỗ lấy một ít bột hương vê vào tăm hương, lăn qua lăn lại chừng mười lăm giây là xong. Làm hương thủ công đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo và tinh tế. Người thợ khi dùng bay gỗ xoa trên mặt bàn để se hương phải tính đúng độ dốc để cho nén hương rơi đều trên mẹt. Bằng cảm giác của đôi tay, họ phải se được những nén hương tròn và đều. Một người thợ lành nghề một ngày có thể se từ 7.000 đến 8.000 nén hương.

Phơi và đảo hương là công việc tốn nhiều công sức và phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Bởi không thể sấy hương bằng lửa vì như thế sẽ bị mất mùi, giảm chất lượng. Thế nên từ tờ mờ sáng, người dân trong làng đã bắt tay vào việc để khi mặt trời lên là có hương mang ra phơi cho kịp nắng. Mùa hè, trời nắng to, chỉ cần phơi từ sáng đến chiều sẽ được hương, hương màu sắc vừa đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Còn vào những ngày trời nồm khiến hương ẩm mốc, người ta phải mất bốn ngày mới phơi được một mẻ.

Hương thôn Cao có 3 loại chính là hương vòng, hương nén và hương sào. Ngoài ra còn có hương quế, hương trám, hương đậu tàn, trầm nén… Trong các loại hương thì làm hương vòng vất vả nhất. Vì hương vòng phơi kéo dài ba đến bốn ngày là hỏng nên người thợ thường bắt đầu làm từ hai giờ hoặc ba giờ sáng để kịp buổi sáng đón nắng phơi hương. Cũng vì đặc thù ấy nên phân công lao động trong nghề làm hương rất rõ ràng: nam giới làm bột, kéo hương vòng; nữ giới làm hương nén, phân loại và đóng gói sản phẩm. Mỗi mẻ hương, trước khi đóng gói thành phẩm, người thợ đều cẩn thận đốt thử để kiểm tra chất lượng xem có cháy đều, cháy hết không, hương thơm ra sao, làn khói tỏa như thế nào, tàn ra sao. Nếu đốt mười nén hương mà tám nén cho mùi giống nhau là thành công.

Tiếp nối nghề xưa

Ông Nguyễn Như Khanh, Phó chủ tịch Hiệp hội làng nghề thôn Cao, cho biết nghề làm hương ở thôn Cao hoạt động quanh năm, trong đó hai tháng cuối năm là tất bật nhất. “Tính ra, tốc độ và sản lượng hai tháng âm lịch cuối năm phải bằng sáu tháng đầu năm. Trung bình mỗi hộ sản xuất nhỏ cũng thu nhập khoảng từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng trong dịp này”.

Năm 2004, làng nghề hương xạ thôn Cao được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là làng nghề tiêu biểu.

Từ năm 2012, người thôn Cao đã cơ giới hóa nghề thủ công truyền thống, giúp năng suất lao động tăng gấp bốn lần. Hiện nay, phần lớn các hộ làm hương đều sử dụng máy bắn hương thay vì se bằng tay như trước. Bột hương từ trên phễu chảy xuống ống máy, người thợ chỉ cần nhẹ tay đẩy chiếc tăm hương vào ống, xịch một cái, tăm hương chạy từ phải sang bàn đỡ bên trái đã thành que hương hoàn chỉnh. Toàn bộ công đoạn hết chừng hai giây. Bà Phạm Thị Thảo, 45 tuổi, đã có hơn mười năm tuổi nghề và hiện đang làm công nhân se hương ở cơ sở Hương trầm Thế Hưng, cho biết: “Nếu máy móc chạy ngon lành thì một ngày tôi se được ba vạn nén, tiền công 75.000 đồng một vạn”.

Công nhân ở cơ sở Hương trầm Thế Hưng luôn dành trọng tâm huyết cho từng nén hương.

Để đáp ứng nhu thị trường, người dân thôn Cao thường xuyên cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm và sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại cho việc quảng bá rộng rãi sản phẩm. Ông Tạ Quang Ký, trưởng thôn Cao, cho biết: “Điều nay mắn là thế hệ trẻ ngày nay vẫn tiếp bước cha ông theo nghề làm hương, và các cháu đã phát triển nghề tốt hơn. Trước kia các cụ làm thủ công, bây giờ các cháu dùng máy, sản phẩm làm một ngày bây giờ có thể bằng mười ngày làm thủ công, đáp ứng được mọi yêu cầu của khách hàng. Lớp trẻ biết sử dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm, biết kết nối cộng đồng để tăng hiệu quả kinh tế thay vì giấu giếm nghề như trước đây. Lớp trẻ nhạy bén, sáng tạo nên quan hệ với khách hàng cũng tốt hơn. Khách hàng không chỉ ở trong tỉnh, ngoài tỉnh mà đã có hộ tìm được mối hàng xuất đi nước ngoài như Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Đức, Pháp”...

Người thôn Cao luôn tâm niệm nén hương là phương tiện kết nối tâm linh nên trong sản xuất phải thật tâm, dùng 100% nguyên liệu thuốc bắc tự nhiên. Việc đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại cũng là để bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống.

Thôn Cao hiện có khoảng trên 200 hộ gia đình, trong đó có hơn 100 hộ với 300 lao động vẫn duy trì nghề làm hương truyền thống. Sản lượng hương xạ đạt xấp xỉ 10 triệu nén/năm, doanh thu từ 2,5 tỉ - 3 tỉ đồng/năm. Một số gia đình làm ăn phát đạt đã đi nhiều nơi mở hiệu chuyên bán hương nổi tiếng một thời như Quảng Thái, Vạn Hoa, Hoàng Phát (Hà Nội); Đồng Phát (Hà Đông); Hồng Phúc (Huế); Đồng An Xương (Sài Gòn); Đồng An Mỹ (Hải Dương)...
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất