, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 30/04/2022, 11:27

Bung hoa sau thời máu lửa

TRẦN ĐĂNG LÂM
(nongnghiep.vn)
Tôi đang đi trên quốc lộ 25, từ thành phố biển Tuy Hòa về cao nguyên Pleiku. Cũng như bao lần khác đi trên con đường này, cảm xúc lại ùa về.

Và, lại viết…

Quốc lộ 25 là tên gọi có từ sau năm 1975. Còn trước đó, đây là đường 7 - con đường của đạn bom, của máu lửa, của sự khô cằn, của những trận đói đến quằn quại với người J’rai nơi đây.

Và có lẽ, một trong những ký ức hãi hùng nhất của đường 7, đó là cuộc tháo chạy vô tổ chức của hơn 15 ngàn tàn binh chế độ cũ đóng quân ở Tây Nguyên. Tôi thuộc thế hệ sau, không có mặt và chứng kiến những ngày hãi hùng ấy. Nhưng may mắn là nghề nghiệp đã cho tôi được tiếp xúc với nhiều nhân vật là chứng nhân lịch sử để được hiểu thêm về những ngày bi tráng này.

Giờ đây, đi ngang qua Quốc lộ 25 có thể chiêm ngưỡng cánh đồng lúa Phú Thiện tuyệt đẹp. Ảnh: Đăng Lâm.
Giờ đây, đi ngang qua Quốc lộ 25 có thể chiêm ngưỡng cánh đồng lúa Phú Thiện tuyệt đẹp. Ảnh: Đăng Lâm.

Nhớ có lần, tôi được gặp và trò chuyện cùng ông Phan Chánh ở đường Wừu, thành phố Pleiku, Gia Lai. Ông Chánh còn nhớ như in rằng hồi ấy, gia đình ông còn ở Phú Bổn (thị xã Ayun Pa bây giờ). Bữa cơm chiều ngày 16/3/1975, cả nhà ông gồm bố mẹ và tám anh chị em vừa ngồi vào mâm thì một đám lính chế độ Sài Gòn ập đến, họ ép cả nhà phải gấp rút ra đường, di tản cùng đoàn người và xe cộ các loại đen đặc đang nhích từng bước. Không đi thì bị bắn chết tại chỗ, vậy là cả nhà bị lùa ra đường, với bao nhiêu gia đình khác, khi chưa kịp chuẩn bị bất cứ một thứ hành trang nào, khi chưa biết mình sẽ đi đâu, về đâu.

Hơn 15 ngàn tàn quân địch, cùng với hàng ngàn người dân vô tội phải nhích từng bước trong cái nắng như đổ lửa của mùa khô Tây Nguyên, trong cái đói khát đến rã rời, trong sự âu lo cho một tương lai vô định. Ông Chánh - cũng như bao người dân bị lùa đi hôm ấy - không thể nào quên cái cảm giác phải nhai lá rừng thay cơm, phải xuống sông Ba hoặc những con suối cạn vốc vội từng ngụm nước bẩn uống cho qua cơn khát đến cháy họng. “Những ngày ấy, ai kịp mang theo một cây vàng, chưa chắc đã đổi được một ca nước để cho mình và người thân uống trong cơn khát”, ông Chánh nhớ lại.

Cũng may là rất đông những người dân thường trong cuộc tháo chạy bất đắc dĩ ấy đã được quân giải phóng tách ra, chia sẻ từng phong lương khô, từng bi-đông nước, rồi vận động và tìm phương tiện để họ quay về nhà.

Tuy nhiên trong cuộc tháo chạy ấy, cũng có không ít những người dân đã nằm lại trên con đường này, có không ít những em bé mới vài ba tuổi bị lạc mất cha mẹ, may mắn được người địa phương nhặt đem về nuôi nấng…

Trung, bạn tôi, làm nghề lái xe ở huyện Krông Pa. Trong một lần theo xe của Trung từ Krông Pa về thành phố Pleiku, qua khỏi đèo Tô Na, anh dừng xe, dắt tôi vào một ngôi mộ ven đường. Thắp xong mấy nén hương lên ngôi mộ của cha anh và những ngôi mộ xung quanh, Trung kể, ngày ấy, anh còn bé lắm. Cả nhà bị dồn ép di tản từ Pleiku xuôi đường 7. Về đến Tuy Hòa, cha anh chạy chiếc Honda 67, ngược đường 7 về lại Pleiku để gom chút ít tài sản ở nhà mà lúc đi chưa kịp mang theo. Đến đây, cha anh bị một nhóm người bắn gục, cướp chiếc xe để chạy. Sau này, khi đã yên ổn, mẹ con anh tìm về dọc đường 7, được người dân nơi đây tả về cái chết của cha anh, với tuổi tác tầm ấy, với chiếc xe mang biển số ấy… Họ dắt mẹ con anh ra nấm mộ mà bà con nơi đây đã kịp chôn vội cho cha anh…

Đó là chuyện của ngày trước, của cách đây đúng 47 năm.

Còn bây giờ…

Khi tôi viết bài này, là lúc tôi đang ngược quốc lộ 25 từ Tuy Hòa về lại thành phố Pleiku của tỉnh Gia Lai. Quốc lộ 25 giờ như một dải lụa mềm, khi nấp trong bạt ngàn cao su, lúc xuyên qua những vườn cà phê, hồ tiêu, rồi nhẹ nhàng vắt qua vô vàn những sườn đồi bát úp… Suốt dọc từ quốc lộ 1 ở Tuy Hòa, con đường ôm ấp dòng sông Ba về đến mãi tận điểm cuối ở ngã ba Cheo Reo (huyện Chư Sê, Gia Lai) với chiều dài 181km.

Nằm trên trục Quốc lộ 25, huyện Krông Pa là vựa dưa hấu lớn nhất cả nước. Ảnh: Đăng Lâm. 
Nằm trên trục Quốc lộ 25, huyện Krông Pa là vựa dưa hấu lớn nhất cả nước. Ảnh: Đăng Lâm.

Hết địa phận tỉnh Phú Yên là đến huyện Krông Pa của tỉnh Gia Lai. Krông Pa, một thời được gọi với cái tên “chảo lửa” bởi cái nắng và nóng ở đây thì… ít có nơi nào sánh bằng. Qua rồi cái thời đói ăn, thiếu mặc, Krông Pa giờ đây đã khoác trên mình sự đủ đầy, no ấm.

Nếu như trước đây, Krông Pa chỉ trồng được vài loại cây chịu hạn thì hôm nay, đồng đất ven dòng sông Ba này đã trở thành vựa dưa hấu lớn nhất cả nước với diện tích hàng năm 1.000ha, sản lượng 40 ngàn tấn, chiếm 25% sản lượng dưa hấu cả nước. Dưa hấu Krông Pa được đánh giá là ngon nhất bởi quả không to, ruột đỏ tươi, vị ngọt thanh… những đặc điểm được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng. Hàng năm, 80% sản lượng dưa hấu nơi đây được xuất sang Trung Quốc, đem về nguồn thu không nhỏ cho người dân “chảo lửa”.

Tàn tích máu lửa hãi hùng của đường 7 năm nào, giờ chỉ còn trong ký ức của người già. Còn quốc lộ 25 bây giờ đã thực sự bừng tỉnh, nở ngàn vạn bông hoa khắp trên thung lũng. Đi trên quốc lộ 25, con gái tôi không khỏi ngạc nhiên mà thốt lên rằng: “Trông cứ như cánh đồng ở miền Tây mà có lần cả nhà mình đi ấy ba nhỉ!”. Con gái tôi so sánh đúng, bởi cánh đồng vàng trên cao nguyên xanh ở thung lũng Ayun Pa rộng lớn này trông không khác gì bất cứ một cánh đồng rộng lớn nào của cả nước.

Bên cảnh dưa hấu, Krông Pa còn có những sản vật trời ban khác như thuốc lá sợi vàng, sắn đã trở thành thương hiệu. Tuy nhiên, thương hiệu lớn nhất của vùng “chảo lửa” được nhiều người biết đến là bò và các sản phẩm từ bò. Khi nhắc tên Krông Pa, người ta nghĩ ngay đến sản phẩm bò một nắng. Bò một nắng Krông Pa không chỉ nổi tiếng trong tỉnh, mà đã có mặt ở khắp cả nước. Sau mỗi chuyến công tác hay du lịch ở Gia Lai, ngoài một số mặt hàng đặc trưng, người ta vẫn không quên mua vài cân bò một nắng mang về làm quà.

Chia tay “chảo lửa” Krông Pa, vượt qua đèo Tô Na là đến thung lũng Ayun Pa rộng lớn. Nếu như đường 7 trước năm 1975 là đạn lửa, là thiếu đói, hay đường 7 những ngày giữa tháng 04/1975 là cuộc tháo chạy của tàn quân chế độ cũ thì quốc lộ 25 bây giờ rộng rãi và phẳng phiu. Giữa hai con đèo Tô Na và Chư Sê là thung lũng Ayun Pa rộng lớn và bằng phẳng. Trước đây là huyện Ayun Pa, sau này được chia thành ba đơn vị hành chính cấp huyện gồm thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện và huyện Ia Pa.

Trước đây, khi chưa có công trình thủy lợi Ayun Hạ, thung lũng Ayun Pa cũng khô cằn không kém Krông Pa. Không ít người dân đi kinh tế mới từ các tỉnh phía Bắc vào đây đã phải bỏ về quê bởi không chịu được khí hậu khắc nghiệt.

Đến năm 2002, công trình đại thủy nông Ayun Hạ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ đây, dòng nước mát xuôi theo 47km của dòng kênh chính, vươn những cánh tay tỏa đi khắp thung lũng, tưới mát cho diện tích 13.500ha theo thiết kế công trình. Từ đây, nước đi đến đâu là những cánh đồng lúa nước hai vụ, ba vụ mướt xanh đến đó. Lúa nước theo chân người J’rai đến tận những cầu thang nhà sàn, vĩnh viễn xóa bỏ tập tục canh tác chọc trỉa lạc hậu có tự ngàn đời. Và rồi từ đây, cái đói, cái rét không còn rình rập dưới chân nhà sàn nữa, thay vào đó là sự ấm no, đủ đầy của cộng đồng các dân tộc đang xây dựng mảnh đất này.

Hồ Ayun Hạ ngoài tác dụng cung cấp nước tưới cho 13.500ha lúa nước, còn cung cấp nguồn thủy năng lớn ở khu vực. Nhà máy thủy điện Ayun Hạ đã hòa lưới điện quốc gia với 2 tổ máy có công suất 2.700KW.

Với bề mặt thoáng của hồ rộng 37km2, dung tích 253 triệu m3 nước (ứng với mực nước dâng bình thường), hồ Ayun Hạ còn là nơi cung cấp nguồn thủy sản lớn cho khu vực Ayun Hạ và thành phố Pleiku. Ngoài ra, mặt hồ còn là nơi tổ chức các hoạt động thể thao dưới nước, tổ chức các đội tàu, thuyền phục vụ khách du lịch tham quan, dã ngoại ngắm cảnh ven hồ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất