, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 28/01/2023, 06:30

“Bước một chân” vào thế giới tâm linh ở Cà Roòng

THANH TÂN
Tôi thức giấc vì nghe tiếng lao xao: "Đoàn mình có ai tên Trầm nữa không, đêm qua em nghe có tiếng gọi tên Trầm nhưng mấy chị em quen đâu có ai gọi!"

Một ai đó trả lời:

- Chắc không đâu…

- Vậy Trâm? Có ai tên Trâm không?

Giọng của cô bé tên Trầm đã có phần hoảng hốt. Cô gái nằm ở chiếc giường gần cửa sổ lên tiếng, nói có, tôi là Trâm. Trầm nói tiếp:

- Tối qua có ai gọi chị không?

Trâm lắc đầu. Trầm nói như đinh đóng cột:

- Hồi nửa đêm em nghe mấy lần tiếng gọi “Trầm ơi, chị lạnh quá!”.

Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng – ATP.

Tôi nghe… lạnh toát sống lưng. Chúng tôi đang ở một phòng tập thể ở gần cầu AKi, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Chỗ này thuộc đoạn cuối địa phận Việt Nam trên đường 20 Quyết Thắng - con đường mà từ kilomet số 0 ở thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch đã thấy hoang vu. Đi hơn 50 km nữa, vào rừng sâu, lên núi cao, qua những khúc khuỷu không một bóng người, mới đến đây. Cách đây khoảng 3km là địa phận Lào. Cửa khẩu giữa rừng, lại là cửa khẩu phụ, không có giao thương. Giữa khuya khoắt nơi này, câu nói “chị lạnh quá!” không biết của ai sao thật hợp cảnh!

Tôi quyết trở dậy, rủ thêm một chị bạn “ra ngoài tham quan”. Trời hãy còn tờ mờ. Xung quanh, một vài bác cựu chiến binh đã thức. Chúng tôi không quen biết, nhưng đều là những người miền xuôi lên đây dự lễ khánh thành Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP. Đường nhiều cách trở. Ai cũng tranh thủ từng chút thời gian để tham quan ngôi đền, đến những “tọa độ máu” thời chiến để ôn lại lịch sử. Một chút buổi sớm lúc công việc còn chưa khởi động là cơ hội tốt để tôi đứng giữa con đường 20 Quyết Thắng, trong tâm thế một du khách.

Bước ra khỏi nơi lưu trú, chúng tôi đã thấy cây cầu Aki nổi tiếng trong các tư liệu lịch sử về Đường 20 Quyết Thắng. Trong lúc quán tính đang điểm lại xem cây cầu này gắn với những trận càn quét nào, có bao nhiêu người đã ngã xuống nơi đây, thì tôi đã kịp khấp khởi khi nhìn thấy biểu tượng của sự sống.

Ngay từ cầu Aki nhìn sang hai bên đường là hai cổng chào nền đỏ chữ vàng. Một bên ghi Bản Tuộc. Một bên là Bản 61. Mỗi cổng chào dẫn là một lối mòn dọc theo suối Aki. Bản làng trong đó. Người Ma Coong ở đó. Và… rừng ma cũng ở đó. Tôi từng nghe rất nhiều chuyện ly kỳ và cả rùng rợn về tập tục của người Ma Coong, nhưng chưa bao giờ hình dung cảnh mình đứng đây lúc tờ mờ sáng, lối vào bản người Ma Coong ngay trước mắt. Chúng tôi chưa biết đi về hướng nào, thì đã thấy tiệm tạp hóa ngay chân cầu Aki lục đục dọn hàng.

Chúng tôi lập tức rẽ vào tạp hóa như một quán tính. Hỏi mua mấy gói bánh, vừa quay ra, tôi đã thấy vài thanh niên bước vào. Họ không giống người địa phương nhưng có vẻ cũng không xa lạ với nơi này. Thấy chúng tôi, các anh lao xao hỏi:

- Đi đâu sớm thế?

- Coi chừng ma rừng bắt đó nha!

Tôi cười. Lời đùa ấy như nối tôi vào “mạch thăm thú” đã khởi lên từ sáng sớm. Xung quanh tinh tươm như vẻ đẹp của mọi khu rừng thức giấc. Từ cầu Aki nhìn về tạp hóa ban nãy có thể thấy một mái nhà nhỏ bé phủ lấp dưới tán cây rừng. Xa xa, vài cột khói mỏng manh xen vào màu xanh của núi, rồi tan vào màu xanh của trời. Nối cột khói ấy với mặt đất, hẳn là căn bếp của một gia đình Ma Coong nào đó đang làm bữa sáng.

Từ chuyến xe khởi hành từ Đồng Hới, tôi đã nghe kể về Cà Roòng, đường 20 Quyết Thắng với những cái tên Aki, đèo Pu La Nhích, trọng điểm ATP, hay những địa điểm chi tiết hơn như “km49”, “hang Tám Cô”... Tất cả đều gắn với sự gan dạ của người lính, sự khốc liệt của đạn bom. Và gắn với cái chết. Mỗi chiến sĩ Trường Sơn từng hành quân qua Đường 20 Quyết Thắng đều có vài đồng đội đã nằm lại nơi này. Dữ liệu quá khứ về Đường 20 Quyết Thắng, nhất là đoạn Cà Roòng - ATP mà tôi đang đứng, là dữ liệu về những người đã nằm xuống. Đi “thăm đồng đội” ở Đường 20 Quyết Thắng, là đi thắp nhang cho người khuất. Càng vào sâu cung đường này, người ta có thể dừng bất kỳ nơi nào để thắp hương. Vì từng tấc đất đều có máu xương của những người lính…

Một vài đứa trẻ từ đâu xuất hiện ngay lối vào bản Tuộc. Có lẽ các em vừa chạy từ trong bản ra lúc tôi không để ý. Bọn trẻ tụm lại bên bờ suối chơi tạt lon. Thỉnh thoảng, vài đứa nhìn ra hướng đường 20 Quyết Thắng như đang trông chừng gì đó. Một lát sau tôi mới hiểu, bọn trẻ ra đây để chờ xem lễ khánh thành Đền tưởng niệm sẽ diễn ra hướng đó.

Chúng tôi ngồi lại bên bờ suối, nhìn bọn trẻ vui chơi. Tôi mở vài gói bánh chia cho các em, rồi dúi vào tay bọn chúng thêm một ít, dặn “đem về cho em”. Lát sau, khi tôi quay về đến cầu Aki, một vị cựu chiến binh vỗ vai tôi, nói: “Các em hên đó, chứ người Ma Coong mà tôi biết trước kia không ăn thức ăn của người lạ”. Ông đã thấy chúng tôi cho bánh bọn trẻ. Ông nói đúng, người Ma Coong vốn rất nhiều quy tắc với chuyện ăn uống. Ông nói thêm:

- Người trên này có mấy tập tục rất lạ. Thứ nhất là với đồ ăn: họ rất hiếu khách, sẵn lòng đem thức quý mời khách, nhưng tuyệt đối không ăn đồ của khách, ngay trong gia đình cũng rất chọn lọc người ăn chung. Thứ hai là tục chôn con theo mẹ, mẹ chết thì con dưới 6 tháng tuổi cũng bị chôn theo. Vì là tập tục nên họ làm rất thản nhiên, họ nói “không làm vậy thì ma rừng về ám xóm làng”. Thứ ba là rừng ma. Mỗi bản có một rừng ma riêng để chôn người chết. 

Nhưng người ở đây không có phong tục thăm thú mồ mả, cũng không làm dấu nơi chôn cất. Họ chỉ quay lại các “nghĩa địa” (theo cách gọi của người Kinh) khi chôn người chết tiếp theo. Chôn xong là tránh xa, vì họ tin rằng nếu lảng vảng ở rừng ma thì sẽ bị ma đi theo về nhà. Người lạ và trẻ con ở các bản Ma Coong có thể không biết rừng ma ở đâu, nhưng người lớn thì luôn biết, để… tránh đến gần. Nên, nếu lang thang vô các bản người Ma Coong, người lạ rất có thể lạc vào rừng ma, giẫm lên mồ mả mà không biết.

- Tôi lạnh sống lưng lần nữa. Rừng thiêng như càng thâm u, dù trời đã sáng rõ. Từng tốp người từ Đồn Biên phòng Cà Roòng đang đổ ra đường 20 Quyết Thắng, tản bộ về hướng Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Đường 20 Quyết Thắng, Trọng điểm Cà Roòng - ATP. Con người du khách trong tôi đang bồi hồi giữa cảnh quan và lời kể, đang nôn nao muốn vào những bản làng thực tại để kiểm chứng những chuyện kể nhuốm màu dã sử.

Đoạn đường từ cầu Aki lên đến Đền tưởng niệm chỉ bằng một cuốc đi bộ vừa sức. Nhưng đoạn đường đủ dài để tái hiện những thực tế khác trong tâm trí một du khách hiếu kỳ. Đi bộ ở đó, tôi nhớ lại rằng mình đang sống giữa di sản. Rừng núi nơi này là vùng đệm của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Từ đây đi ngược về Đồng Hới, là đoạn đường đi ngang các hang động thuộc hàng kỳ quan như Sơn Đoòng, Phong Nha, Động Thiên Đường, Hang Tối, Hang Én... Thiên nhiên lộng lẫy. Những hang động được khám phá bởi Đoàn thám hiểm hang động Hoàng Gia Anh, phác họa một Quảng Bình quyến rũ, huyền hoặc trên bản đồ du lịch thế giới.

Nhưng trong hành trình khai phá, luôn có chuyện kể về dấu chân của con người. Vào đến những hang đá vôi ẩn giấu trong rừng sâu, các chuyên gia ngoại quốc đã thấy nhà sàn của người địa phương ở đó. Kỳ quan của rừng không lạ chi với người bản địa. Trong tuổi đời hàng trăm triệu năm của một hang động mới được khám phá, đã có những kỷ nguyên tá túc của con người. Họ lặng lẽ sống, gắn bó, nương nhờ vào rừng. “Triết học” của họ là những lý giải về sống chết, ốm đau trong lý trí hồn nhiên và trải nghiệm thuần túy giữa núi rừng, cây cỏ. Và “ma rừng”, “rừng ma”, những hủ tục rùng rợn như chôn con theo mẹ cũng là sản phẩm của cái “triết học” ban sơ, nhiều ngộ nhận đó.

- Nhưng người ở đây có nhiều cái sáng suốt hơn người đó em. Họ không tham lam của cải của người khác. Nghèo đói đến đâu cũng tự vào rừng xoay xở chứ không bao giờ trộm cắp, không đi xin ăn. Hễ có cưới xin thì cả làng tự nguyện góp gà vịt, lúa nếp để làm cỗ. Ai nghèo đến mấy cũng làm được cỗ cưới…

Người phụ nữ quầy tạp hóa ở chân cầu Aki nói thế khi tôi nán lại nơi này trước khi về xuôi. Chị là người Kinh, từ miền xuôi lên đây làm ăn. Khi nói về hủ tục, chị cũng làm bộ rùng mình, nói:

- Hồi chị mới lên đây thì người dân vẫn còn nặng hủ tục lắm. Họ sợ ma rừng. Làm gì cũng sợ trái ý “Giàng” (trời). Nên người đi trước truyền kinh nghiệm sao thì người đi sau cứ thế làm theo để sống yên ổn. Chuyện chôn con theo mẹ nhiều cái rùng rợn không tưởng tượng được. Sau này có nhiều người Kinh, nhất là bên bộ đội biên phòng can thiệp mạnh, đứng ra đảm bảo cho bà con “không bị ma rừng về bắt đi”, rồi nhận nuôi đứa trẻ thì mới họ mới bỏ dần cái tục đó…

Chị nói thêm:

- Cũng thông cảm cho họ. Sống quen rồi, không bỏ rừng được, mà sống giữa rừng thì phải dựa vào rừng. Cũng giống người ta dựa vào tâm linh, thì tâm linh của người đồng bào là vậy, đúng sai gì cũng phải có chỗ dựa.

Chị làm tôi nhớ đến vẻ hớn hở xen lẫn hiếu kỳ của những em bé Ma Coong, và nhất là nét rạng ngời của mẹ con bà Y Mắt trong lễ khánh thành Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP ngay sáng hôm đó. Ngôi đền đặt ngay vùng biên giới Cà Roòng, tựa lưng vào núi, vững vàng, uy nghi với sự tuân thủ kiến trúc đền thờ truyền thống của người Việt. Đền thờ dành cho những linh hồn chưa được thờ phụng của những con người từng sống và chiến đấu ở Trường Sơn, Đường 20 Quyết Thắng, đặc biệt là ở khu vực Cà Roòng - ATP. Vùng cương giới ít người, một nén nhang ngày thường cũng là hiếm có. Những “tọa độ máu” bị thời gian bôi xóa, những khu rừng ma lẩn khuất, những nấm mồ không dấu… nhưng những động lực tâm linh thì không mất đi. 

Người Ma Coong hồn nhiên vẫn sợ ma rừng, còn những cựu binh miền xuôi nhiều trải nghiệm, thấm lẽ đời, vẫn ám ảnh về những linh hồn đồng đội không nơi nương náu. Nên chi, người ta có thể thấy nét hớn hở, tự hào trên gương mặt những cựu binh, và cả những người đồng bào bản địa đang dự lễ khánh thành Đền. Dù không có “đồng đội đã bỏ máu xương nơi này”, nhưng họ có hàng lớp lớp tổ tiên đã sống và tự thân chống chọi với những nỗi sợ đầy bản năng của loài người. Một ngôi đền thờ với người bản địa, là một nơi nương tựa thường nhật, thiết thân.

Bà Y Mắt mặc trang phục rực rỡ và chỉn chu nhất của một người phụ nữ Ma Coong, đứng nghiêm túc với vẻ mặt rạng ngời hướng về lễ đài đang diễn ra lễ Khánh thành Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP. Tháp tùng bà là ông Đinh Sầm - con trai bà. Trong cuộc chuyện trò bên lề buổi lễ, bà Y Mắt mấy lần quay sang chúng tôi gật đầu cười, tỏ ý mãn nguyện. Ông Sầm miên man kể về dòng họ ông, về cuộc di dời nhà cửa của gia đình ông tại bản Bụt, vùng núi Thượng Trạch này, rồi cứ chỉ tay về phía đỉnh đền, gật gật nói: “Mừng, vui lắm!”.

Tôi gợi ý ông lên trên gian thờ, vào bên trong để thắp nhang. Ông gật, nói: “Lên rồi”. Trên đó, trong một gian thờ nghiêm trang và chỉn chu nhất có hai dòng khẳng định, nhắc nhở, mà cũng như chở che, đồng hành với mọi con người bé nhỏ ở chốn rừng sâu:

Giữ gìn cương giới

Bảo vệ quốc gia

Trưa ấy chúng tôi rời Thượng Trạch. Lúc gặp nhau ở trước cửa xe, mọi người lại lao xao “câu chuyện tâm linh” ban tối. Ai đã gọi “Trầm/Trâm ơi chị lạnh quá!”, sao mà “ớn lạnh” quá vậy…

Lúc này, một chị phóng viên ngơ ngác nói:

- Mình đó, tối qua mình bị lạnh lên gọi Trâm ở giường trên, rủ nó xuống ngủ cùng. Mà nó ngủ say quá, không nghe!

Cả nhóm cười ồ. Sáng nay lúc mọi người bàn câu chuyện này, “khổ chủ” còn chưa thức nên không thể minh định. Đoàn người miền xuôi lên Thượng Trạch một đêm tưởng đã “bước một chân” vào thế giới kỳ bí của núi rừng. Hóa ra, chuyện kỳ bí kia chỉ là chút phản chiếu từ cõi “sợ” của từng người. Cà Roòng trưa ấy nắng to. Cái u huyền đã lùi đi đâu mất. Rừng núi rộn rã, thơ mộng. Rộn rã nhất là những dự định, những hẹn hò của những con người đang rời núi. Hẹn vào bản làng, hẹn dự phần vào những chuyện ly kỳ có thật ở chốn này, trong một “chuyến đi thong thả hơn”... 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất