, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 24/12/2016, 08:24

Bước tiến dài của mô hình "Mỗi làng một sản phẩm"

NGỌC BÁCH

Từ năm 1979, tỉnh Oita (miền Nam Nhật Bản) bắt đầu hình thành, phát triển mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP), với mục tiêu tạo nên lực tiếp sức phân nhánh, giúp mỗi làng phát huy điểm mạnh vươn tầm toàn cầu. Sức hấp dẫn từ thành công của mô hình ở Oita đã lan tỏa đến nhiều khu vực ở Nhật Bản và hiện nay đã lan ra thế giới, trở thành mô hình mà rất nhiều quốc gia quan tâm, học hỏi.

Thị trưởng Hiramatsu là người phát động mô hình trên. Chính ông là người khuyến khích người đứng đầu các địa phương trong tỉnh định vị sản phẩm đặc trưng, đưa ra chiến lược phát triển sản phẩm về chất lượng, phù hợp sử dụng với không chỉ người dân địa phương mà cả người dân ở các tỉnh lân cận. Sản phẩm đi ra từ mô hình này phải đáp ứng các tiêu chí bỗ trợ nhau: sản phẩm địa phương đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu, tận dụng sự sáng tạo và khả năng tự xoay xở của người lao động, thông qua nâng cao kỹ năng để liên tục phát triển nguồn nhân lực.

 

Muốn sản phẩm địa phương đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu, các nhà sản xuất ở từng địa phương đã ý thức được việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và chính phủ không ngừng đẩy mạnh, quảng bá hình ảnh sản phẩm ra thị trường. Trong khi đó, người nông dân, thợ thủ công trực tiếp tham gia sản xuất phải là người chủ của quy trình. Họ là người chọn lọc kỹ càng từ mẫu mã, bao bì, làm sao để bắt mắt, ấn tượng nhất. Đó là sự linh động mà chính mỗi người nông dân, thợ thủ công phải tự nâng cấp chính mình trong nỗ lực tiếp cận người tiêu dùng. Về vấn đề nguồn nhân lực, một đặc điểm đáng chú ý là nhân lực lao động Nhật Bản trong lĩnh vực lao động chân tay lại là những người được trang bị kiến thức vô cùng kỹ càng. Họ được đào tạo bài bản, thuần thục với máy móc, thiết bị, công nghệ mới nhất trên thế giới, nên dễ dàng tiếp thị sản phẩm dựa trên tri thức của chính mình.

Sau nhiều năm, thành tích đạt được đã chứng minh mô hình trên là mô hình đúng đắn phù hợp với nỗ lực đưa sản phẩm nông nghiệp từ vùng quê nghèo Oita ra thị trường, nhất là ở các khu đô thị. Oita được cả thế giới biết đến nhờ các nông sản chất lượng cao như nấm hương khô, chanh kakosu, rượu shouchu, lúa mạch, ngựa seiki. Lan rộng ra, thế giới còn biết đến thịt bò Bungo, hàng gỗ mỹ nghệ ở thị trấn Yufuin, cam và cá khô ở làng Yonouzu, chè và măng tre ở làng Natkatsu… Trong 20 năm (1979-1999), phong trào OVOP đã tạo ra được 329 sản phẩm với tổng doanh thu là 141 tỷ yên/năm (1,35 tỷ USD).

 

Hiểu rõ thế mạnh của mô hình OVOP, Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật bản từ nhiều thập kỷ qua vẫn luôn duy trì nhưng đã vạch rõ kế hoạch mở rộng, gia tăng chất lượng của mô hình bằng nhiều cách. Trước tiên là mô hình “Mở rộng OVOP”. Tại đây, các chuyên gia đầu ngành của các địa phương mà đại diện là giữa các khu vực nông thôn và đô thị phát triển sẽ trao đổi kinh nghiệm trong việc áp dụng mô hình OVOP. Sau đó, giới thiệu và chuyển các sản phẩm của khu đô thị sang vùng nông thôn, tạo nên thị trường cung-cầu đồng đều mà đích đến cuối cùng là giúp người dân tiếp cận được những sản phẩm có chất lượng tối ưu nhất với điều kiện chăn nuôi, nuôi trồng, sản xuất đến từ mỗi địa phương. Theo Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật bản, cách tiếp cận này không chỉ nhằm mục đích kích thích mua bán trao đổi sản phẩm mà còn tạo sự tương tác, giao thoa văn hóa của các vùng miền, tạo nên một cộng đồng bền vững, cởi mở.

OVOP giờ đây không còn là “đặc sản” của Nhật bản mà đã trở thành mô hình “ăn nên làm ra” ở nhiều quốc gia. Tại Trung Quốc có các mô hình: “Mỗi nhà máy một sản phẩm”,“Mỗi thành phố một sản phẩm”,“Mỗi làng một bảo vật”.  Thái Lan có chương trình OTOP (chỉ hướng đến thị trường trong nước, chưa hướng ra toàn cầu). Tại Philippines có mô hình “Mỗi thị trấn một sản phẩm”, tại Malaysia có phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”, Hàn Quốc có chương trình “Mỗi làng một nhãn hiệu”. Tại Indonesia, Campuchia… cũng có những mô hình tương tự. Ở nước ta, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai và đã đạt được một số thành công bước đầu.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất