
Theo các nhà nghiên cứu, đợt hạn hán nghiêm trọng đã khiến mực nước trên sông Amazon xuống thấp cộng với thời tiết nắng nóng làm cho nhiệt độ nước sông tăng lên, vượt quá ngưỡng chịu đựng của hầu hết các loài cá. Hàng nghìn con cá chết gần đây trên các nhánh sông Amazon được cho là do nồng độ Oxy trong nước quá thấp.
Cá heo trên sông Amazon có màu hồng nổi bật, là loài cá nước ngọt đặc biệt chỉ được tìm thấy tại các con sông ở Nam Mỹ. Chúng là một trong số ít các loài cá heo nước ngọt còn sót lại trên thế giới. Chu kỳ sinh sản của cá heo Amazon khá chậm, yếu tố này đã làm cho quần thể của chúng đặc biệt dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa từ thiên nhiên, thời tiết…

Các nhà khoa học chưa khẳng định một cách chắc chắn rằng hạn hán và nắng nóng là nguyên nhân gây ra sự gia tăng đột biến tỷ lệ tử vong của loài cá heo Amazon. Họ đang tiến hành nghiên cứu để loại trừ các nguyên nhân khác, chẳng hạn như nhiễm trùng do vi khuẩn cũng có thể đã giết chết chúng.
Ít nhất có 70 xác chết cá heo nổi trên mặt sông vào ngày 28/9 tuần trước khi nhiệt độ nước hồ Tefé đạt đến 39oC, cao hơn 10oC so với mức trung bình vào thời điểm này trong năm.
Các nhà hoạt động môi trường cho rằng, điều kiện bất thường về biến đổi khí hậu khiến tình trạng hạn hán và sóng nhiệt có nhiều khả năng xảy ra hơn. Tác động của sự nóng lên toàn cầu đối với tình trạng hạn hán ở khu vực sông Amazon hiện nay là chưa rõ ràng khi mà các yếu tố khác như El Nino cũng đang diễn ra.

Bà Miriam Marmontel - nhà nghiên cứu tại Viện Môi trường Mamirauá tập trung ở lưu vực giữa sông Solimões cho biết: “Tuần trước, chúng tôi đã phát hiện và ghi nhận 120 xác chết cá heo. Khoảng 8 trong số 10 xác chết nghi là cá heo hồng (cá heo Botos), có thể chiếm tới 10% dân số ước tính của chúng ở hồ Tefé”.
Cá heo hồng Botos và cá heo sông xám (cá heo Tucuxi) nằm trong danh sách đỏ về các loài bị đe dọa của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
"10% là một tỷ lệ tổn thất rất cao và khả năng nó sẽ còn tăng lên nữa, đe dọa sự tồn tại của các loài ở hồ Tefé". Bà Marmontel cho biết thêm.

Viện Bảo tồn Đa dạng Sinh học Chico Mendes của Brazil (ICMBio) đã gấp rút điều động các bác sĩ thú y và các chuyên gia về động vật có vú dưới nước để giải cứu số cá heo vẫn còn sống trong hồ, tuy nhiên số cá heo này vẫn chưa thể được chuyển đến vùng nước mát hơn cho đến khi các nhà nghiên cứu loại trừ nguyên nhân vi khuẩn gây ra hiện tượng chết hàng loạt.