, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 10/07/2023, 20:00

Cà phê dưới gốc long não

TAM GIANG
Phải đến học kỳ hai năm thứ 4 đại học, tôi mới hay đi về đường Nguyễn Trường Tộ gần nhà thờ Phủ Cam (Huế).

Sinh viên đói vàng mắt, cây cỏ là thứ ngoại thân, hơi đâu để ý chi ngoài mớ sách vở và bữa ăn xuân thu nhị kỳ là cá cơm khô kho muối mặn chát và bát canh trong như nước ngọc tuyền lõm bõm vài ba tép mỡ, tuyệt đối không có thức món chi khác. Tôi đi về đường đó bởi làm luận văn tốt nghiệp về ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, mà ông Tường thì ở căn gác trên đường đó.

Hình như người ta nói nhiều về hàng cây long não trên đường, bởi ở đó có căn gác ngày trước nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sống và cho ra đời bài Diễm Xưa như lời ông nhạc sĩ kể, cũng chính là chỗ ông Tường trú ngụ. Lo làm luận văn để ra trường, mấy cây long não cũng chỉ là chỗ tôi đứng núp phút nắng mưa để chờ lên gặp nhà văn chứ chẳng ấn tượng chi cả…

Quán cà phê Tuyết gần cây long não 100 tuổi mà năm ngoái dư luận ở Huế ào lên tiếc rẻ. Nó to lớn nhưng thối rễ, rỗng ruột, phải đốn hạ. Người ta trồng cây long não khác thế vào vị trí đó, cứ tạm coi là “tre già măng mọc”. Tôi ghé quán, trước mặt là một cây to khoảng hai người ôm. Người Pháp đã trồng nó, như bao cây long não già nua hình thù cổ quái khác còn sót lại ở thành phố này. Đường Lê Lợi sát sông Hương có mấy chục cây, cũng bị đốn nhiều. Đường Trương Định cũng có. Chúng chỉ có chết trong già nua, chứ bao trận bão xứ mưa trắng trời này không quật nổi.

Cây long não trên đường Nguyễn Tường Tộ, Huế.

Tôi nhìn cây, thân già nứt nẻ, xù xì. Người ta đánh số để quản lý, nghe nói con số lên trên 300. Hồi nhỏ ở quê, mối mọt chuột gián càn phá áo quần, má tôi đi chợ mua long não về bỏ vô thùng để cản trừ. Phải có dịp lễ Tết, mới lôi đồ đó ra, hít hà mùi thơm nồng của hột long não thấm vào áo quần. Lớn lên đọc sách, thấy ghi Long não (Cinnamomum camphora) là một loại cây thân gỗ, lớn, lá nhẵn, bóng như sáp, màu xanh lục, hoa trắng li ti, quả màu đen. Nghe nói ở nước ngoài, như Úc, người ta cấm tiệt trồng vì nó phá đất ghê gớm.

Ngay gốc cây chỗ gần tôi ngồi, nhiều lá non bật ra. Tôi ngắt và đưa lên mũi. Thơm nồng nàn, vị cay, hơi hắc, hèn gì nhiều người không chịu được là phải. Y văn coi nó là chất để tiêu trùng, khử độc vì tinh dầu nó nóng, dùng không đúng chỉ định, dễ gây bỏng, độc.

Thống kê ở TP Huế hiện có hơn 50 nghìn cây xanh gồm lim xẹt, xà cừ, bằng lăng, long não… Thế nhưng người ta lại hay nói đến hàng cây ở đường này. Xứ người cấm tiệt, chứ xứ mình ngã chết đi là tiếc. Tiếc vì nó đã hơn bách tuế, chứng kiến thế sự bãi bể nương dâu, nghe thầm thì của bao phận người, cả tiếng hét của những cơn bức bách, cay đắng. Tiếc, bởi xứ này, cây xanh hiện hữu trong tâm thức như là người bạn. Ai muốn rõ, cứ đọc ký ông Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ biết, những trang văn sóng sánh như nhựa cây trào luôn, như lá xanh vẫy gọi môi tình, như búp non hoài thai sau một đêm giao hoan trời đất, như lá vàng cúi đầu tiễn biệt không lời trước đớn đau, chia lìa.

Cây xứ này là một triết gia, sẵn sàng đối thoại và độc thoại để đập vỡ bản ngã vạn thể, rồi hồi quy trong thức nhận về lẽ hư vô. Ngay cả hoa lau trắng đỉnh núi, mà Tùng Thiện Vương Miên Thẩm mùa xuân phi ngựa lên núi, cũng ưu tư cảm khái rằng lau trắng sằng sặc xuân sầu. Vườn Huế trăm thứ cỏ hoa, nên mới gọi nó là bài thơ đô thị.

Không dưng khi nhìn gốc rồi lướt lên ngọn theo những chiều nứt dọc thân, lại nhớ thơ Lê Đạt “Vườn thức một loài hoa đi vắng”. Chẳng có hoa nào đi vắng, còn cây là còn hoa, chỉ có gương mặt hoa nào đó đã xa xôi. Cây long não đã bị hạ, nếu như thử “sến” một chút, có lẽ “ngày xưa ngày đó ngày xanh lên khung trời” đã chứng kiến nàng thơ của ông nhạc sĩ ngang qua mỗi sớm mỗi chiều, để rồi một ngày nó thức dậy ngẩn ngơ ngậm ngùi không thấy dáng nàng. Bao gương mặt đã đi qua và mất đi, dấu hài đã biến mất bụi nhoài, kẻ lẽo đẽo đi sau cũng cát bụi chân ai. Chỉ cây là đứng yên một chỗ, thâu nạp.

Nó chết vì rỗng ruột. Nhưng chắc chắn nó rỗng vì đã thâu nạp đủ một kiếp làm cây, sinh ra từ đất và về với đất. Luật Ngũ Hành không chịu tương sanh mộc - thổ. Nhưng không có đất, làm chi có cây. Đất không cây là đất chết. Đó là lẽ hữu lý trong vô lý trong bản chất của vũ trụ. Vì thế, nó là một sinh thể đã sống đủ.

Đọc báo thấy có người viết đã chứng kiến cây dã hương ngàn năm ở xã Tiên Lục (huyện Lạng Giang), trên thế giới chỉ có hai cây to và quý như thế. Cây ở xứ người đã chết, nên đây là cây to nhất trên thế giới với chiều cao 30m, chu vi gốc 17,06m, cần phải 8 người mới ôm khít vòng… Ông nhà báo này người Huế đi du ngoạn, nhìn cây ngờ ngợ giống cây long não quê mệ, bèn về hỏi, thì ra long não còn có tên dã hương, ở Huế còn gọi theo dân gian là cây muồng. Cây ở Tiên Lục quý hiếm, từng được ban sắc phong là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786).

Xứ thần kinh một thuở của ngon vật lạ trăm miền về tiến cống, nên chẳng lạ chẳng sót cây cỏ nào thuộc danh mộc. Nhưng chắc không ai yêu cây bằng người Huế, khi trong nhà có người mất, cây cũng được đeo tang. Lớp trẻ quan tâm thời sự, chỉ xoáy vô chuyện chính quyền trồng cây xanh tốn kém, nhưng bão vào là ngã sập, rồi họ ngược dòng đọc sách, khen hồi trước người ta trồng cây nào ra cây nấy, vạn thọ vô cương. Nên, chặt hạ cây có tên có tuổi ở Huế, là như định tội một con người, không dễ chi mô, không như nơi khác, cây hàng trăm năm tuổi cũng đốn sạch, khiến phố thành sa mạc bê tông, rồi hốt hoảng lên la nóng, tìm cách hạn chế này nọ.

Mấy năm trước, ông Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế phát động trồng mai vàng ở nhà dân, công sở, công viên, kỳ vọng biến Huế thành thủ phủ mai vàng, mà loại chính là hoàng mai. Tôi có anh bạn làm báo ở Huế, viết thành sách hẳn hoi, rằng khi làm nhà mới, việc anh toại nguyện nhất là đã trồng được cây hoàng mai, ngồi ngắm nó như bài thơ để ngâm cả cuộc đời. Tôi phì cười, mình về miền Tây Nam bộ, mai mọc thành rừng. Ngẫm lại không đúng. Anh có lý khi nói về điều đó. Trong sâu thẳm kẻ đọc sách, “nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, là chuyện đương nhiên. Kiếm được cây hoàng mai to lớn cho ngự giữa sân, tới Tết nhìn nó 5 cánh như bàn tay dát vàng rung rinh trong nắng xuân, há chẳng phải là được say túy lúy càn khôn trong cơn khải ngộ hoan lạc về lẽ vĩnh cửu của cái đẹp và can trường đó sao…

Vẫn lá mướt xanh, lặng trong nắng sớm không gió, chẳng biết cây long não này bao nhiêu tuổi. Thôi kệ, hẳn người ta đã đặt con đường này là đường Long Não. Nó có mất đi, hẳn dân Huế sẽ không chịu thay thế bằng cây khác. Lẽ hàm ơn chỉ bằng câu nói kiểu Huế “nó gắn bó lâu đời mà”. Một phát ngôn ân tình mà không ít quyết liệt. Cà phê đã nhạt thếch vì đá tan hết mà mình chưa uống, vận vào, nhìn nó, mình là khách mà đã vậy, huống chi chính hãng… dân mệ. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Không phải bây giờ lời kêu gọi sống chung với biến đổi khí hậu, dân gian gọi là thuận thiên mới vang lên. Nhưng nội hàm của thuận thiên, đến lúc phải thay đổi trong cái nhìn...

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất