, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 08/04/2024, 18:53

Các xe nước ngọt miễn phí đang xuôi về cứu khát miền Tây

DIỄM QUỲNH
Được tin về tình hình hạn mặn ở miền Tây, nhiều người dân ở TP.HCM, Long An, Đồng Nai rủ nhau chở nước ngọt miễn phí về cứu khát cho đồng bào đang chịu hạn.
Xe bồn chở nước ngọt cho bà con đang chịu hạn mặn ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Đêm Sài Gòn.

"Đi phát nước ngọt miễn phí mới biết thế nào là hạn mặn"

Từ đầu tháng 3, Gò Công Đông được xem là một huyện trọng điểm về hạn mặn và thiếu nước ngọt trầm trọng. Các hộ dân ở đây thường xuyên không có nước ngọt để sinh hoạt. Những nhà ở trung tâm thị xã thì may mắn hơn, chỉ bị cúp nước vào ban ngày, người dân vẫn có thể tranh thủ hứng nước vào ban đêm.

Hiện, chính quyền địa phương đã có chủ trương mở 60 vòi nước miễn phí khắp các tuyến đường trong vùng ngọt hóa Gò Công để người dân hứng nước về sử dụng. Nhưng, phương án này không thật hiệu quả. Bởi không phải ai cũng đủ thời gian xếp hàng cả tiếng đồng hồ chỉ để hứng vài chục lít nước về xài.

Từ đầu tháng 4, các chuyến xe chở nước ngọt từ Long An, TP.HCM, Đồng Nai… đã chở các xe nước từ thiện về tới Gò Công Đông để giúp đỡ người dân.

Người dân nhận hỗ trợ nước ngọt từ những chuyến xe nước từ thiện. 

Hiện, mỗi ngày, mỗi xã ở huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) đều đón một xe bồn lớn chở 20 – 30 mét khối và 2 - 3 xe trung chuyển nước để phân phát cho mọi người.

Thông qua bạn bè, anh Nguyễn Phi Trương Tín (TP.HCM) biết thông tin về tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt cho bà con Gò Công Đông. Anh Tín đứng ra tổ chức chương trình “Giọt nước yêu thương”, rồi rủ thêm 3 nhân viên trong công ty thực hiện. Theo kế hoạch, đoàn của anh Tín hỗ trợ 100 mét khối nước cho bà con ở huyện Gò Công Đông trong ngày 8/4/2024. Tất cả các chi phí từ mua nước đến xe vận chuyển đều là tiền cá nhân của anh Tín.

Với 20 triệu đồng, anh Tín mua nước ngọt từ một nhà máy nước ở quận 7 (TP.HCM), cộng với phí thuê xe 5 triệu đồng/xe để chở nước về tận Gò Công Đông. Trong ngày 8/4, đoàn của anh gồm 6 xe (4 xe 20 mét khối và 2 xe 10 mét khối) tập trung thành tại 5 địa điểm để phân phát nước trên địa bàn huyện.

Nhắc về trải nghiệm này, anh Tín xúc động: “Thực sự khi nghe qua tình trạng thiếu nước ngọt của bà con, tôi chưa hình dung ra hết. Khi xuống đến nơi, tôi thật không biết diễn tả làm sao. Có người dân tâm sự rằng cả gia đình chỉ dám tiết kiệm, xài 2 can nước mỗi ngày. Nước tắm cho trẻ con được giữ lại để tắm cho người lớn. Rồi nước tắm cho người lớn thì được giữ lại để dành cho những sinh hoạt khác. Tôi nghe mà lo lắng cho cuộc sống, sức khỏe, bệnh tật của bà con”.

Anh Tín cùng chuyến xe “Giọt nước yêu thương” đã đưa nước ngọt về cho bà con ở huyện Gò Công Đông. Ảnh: Phương Tín.

Xuống đến nơi mới biết thế nào là hạn mặn, nhóm của anh Tín nhận thấy còn nhiều địa phương thiếu nước nghiêm trọng nhưng vẫn chưa được hỗ trợ. Điển hình là huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Đây là một huyện biệt lập, thiếu nước trên diện rộng. Để mang nước đến đây phải dùng phà con khiến việc vận chuyển nước gặp rất nhiều khó khăn. Nhóm của anh Tín quyết định hỗ trợ thêm 100 mét khối nước cho bà con ở huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông vào ngày mai (9/4). 

“Sau một đợt, chúng tôi rút kinh nghiệm về thời gian phân phát nước. Đoàn tôi sẽ phát từ 3, 4 giờ chiều để cho những người công nhân cũng có thể đi lấy nước về lo sinh hoạt. Hôm nay, vì lịch phát nước chủ yếu vào buổi sáng nên gần như chỉ có người già và trẻ con đi lấy được”, anh Tín chia sẻ.

Hiện tại, anh Tín cũng lên lịch tặng 100 mét khối nước cho bà con Bến Tre vào ngày thứ 5 (11/4).

Nước ngọt từ những đứa con tha hương

Chị Phạm Thị Ngọc Trinh (còn được gọi với tên Út Trinh) cũng tự dùng tiền cá nhân để giúp đỡ bà con đang thiếu nước ngọt tại xã đảo Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Nơi đây chính là quê hương của chị. Khi nhìn thấy người dân quê mình không có nước ngọt để uống, sinh hoạt, tưới cây; chị Út Trinh không khỏi “thương lắm” quê mình…

Ngày 4 và 5/4/2024, chị Trinh thuê xà lan chở 400 mét khối nước ngọt về tặng cho bà con. Hành động của chị Trinh đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng những người hướng dẫn viên Sài Gòn của chị. Họ cùng nhau đóng góp số tiền hơn 50 triệu 700 nghìn đồng để tiếp tục thuê xà lan chở nước sinh hoạt về cho bà con tại xã đảo Tam Hiệp vào sáng 8/4. Theo kế hoạch, 2 ngày sau, họ sẽ tiếp tục chuyển 1000 thùng nước uống i-on dành tặng người dân nơi đây.

Xà lan chở nước sinh hoạt về cho bà con tại xã đảo Tam Hiệp (tỉnh Bến Tre). Ảnh: Ngọc Trinh.

Chị Helen Hằng - một người bạn trong cộng đồng hướng dẫn viên Sài Gòn của chị Trinh - chia sẻ: “Sau khi nhìn thấy những hình ảnh chị Út Trinh chia sẻ trên Facebook, chúng tôi cũng muốn được góp sức để giúp đỡ cho bà con miền Tây. Vì công việc, tôi không trực tiếp xuống dưới Bến Tre được, nên đã nhờ chị Út Trinh đứng ra là cầu nối làm việc giữa chúng tôi và Ủy ban nhân dân xã. Chúng tôi muốn làm việc thiện nguyện một cách trật tự, thông qua cơ quan chính quyền để giúp đỡ người dân một cách hiệu quả nhất”.

Chị Ngọc Trinh (bên trái) cùng với người dân đang lấy nước. 

Có mặt tại các trọng điểm hạn mặn những ngày qua, Youtuber Phong Bụi chứng kiến nhiều xe nước ngọt miễn phí từ TP.HCM, Long An, Đồng Nai đang lần lượt xuất hiện “cứu khát” cho bà con. Có người cẩn thận chở đến 2 loại nước, gồm nước ngọt sinh hoạt và nước đóng chai loại 20 lít để uống. Riêng nhóm thiện nguyện của Phong Bụi đã phát 60 khối nước, trong đó có 300 bình nước uống cho bà con huyện Gò Công Đông trong các ngày từ 4/4 đến 6/4.

Điểm phát nước ngọt miễn phí là những nơi hiếm hoi được thấy nụ cười của người dân vùng hạn. Ảnh: Phong Bụi

Hạn mặn gây cảnh queo quắt từ ruộng đồng cho đến kênh rạch, vườn tược, ao hồ. Chỉ riêng tại các điểm phát nước mới thấy vui mừng, khấp khởi của bà con miền Tây. Đó là niềm vui từ những giọt nước ngọt quý giá từ phương xa. Mà cũng là niềm vui từ sự tương trợ, từ lòng tốt dồi dào của những đồng bào chưa từng biết mặt đối với cư dân vùng hạn.

Theo chân những xe nước ngọt miễn phí, các mạnh thường quân đều nhận định rằng việc cấp nước cho những bà con vùng hạn đang cũng khẩn thiết như công việc cứu hộ, cứu trợ hỏa hoạn và lũ lụt. Người miền Tây cần hơn nữa những tấm lòng hảo tâm của tất cả mọi người, trong thời gian chờ đợi những giải pháp lâu dài, căn cơ hơn với vùng đất vốn được xem là vùng sông nước trù phú.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất