, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 23/07/2022, 16:59

Các điểm di tích trên đường 20

Hải Yến-Anh Đào
(baoquangbinh.vn)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hệ thống đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình có vị trí trọng yếu trong toàn bộ hệ thống đường Hồ Chí Minh của cả nước, bởi Quảng Bình là cửa ngõ, là địa bàn xung yếu và là nút chiến lược về giao thông vận tải chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam.

Bao nhiêu nhân tài, vật lực chi viện cho tiền tuyến đều phải vận chuyển qua vùng đất này. Bởi vậy, địa bàn tuyến lửa Quảng Bình đã trở thành trọng điểm quan trọng trong suốt 8 năm tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Địch đã trút hàng vạn tấn bom xuống mảnh đất “cán xoong”, hòng ngăn chặn mọi sự chi viện từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam.

Trong điều kiện địch đánh phá ác liệt như vậy, việc bảo đảm giao thông ở vùng tuyến lửa trở nên cực kỳ khó khăn. Nhận thức rõ điều này, ngay từ khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại trên toàn miền Bắc, cùng với việc sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường cũ, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trương mở thêm nhiều tuyến đường mới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là các tuyến đường ngang, đường tránh, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn nhằm đẩy nhanh mức độ vận chuyển, đáp ứng yêu cầu của cách mạng miền Nam.

Trong 4 tuyến đường ngang có điểm xuất phát và cửa khẩu vượt Trường Sơn trên đất Quảng Bình, đường 20 là tuyến đường xuất hiện khá sớm và có nhiều trọng điểm  bị đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt.

Đường 20 xuất phát từ km 0 Phong Nha, vượt đỉnh Trường Sơn nối với đường 128, 129. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc, đường 20 được coi là đầu mối trong hệ thống đường Hồ Chí Minh, là tuyến đường xuyên Việt nổi tiếng nhất đi vào lịch sử dân tộc.

Đường 20 được mở nhằm phá thế độc tuyến vận tải từ Bắc vào Nam, phân tán sự đánh phá, oanh tạc của địch, đồng thời tránh túi nước Xiêng Phan- nơi thường bị ngập lụt vào mùa mưa lũ. Từ khi thông tuyến, đường 20 đã góp phần to lớn trong việc phá thế độc tuyến chi viện đắc lực cho chiến trường. Và cũng chính vì lẽ đó, đường 20 bị kẻ địch phát hiện và đánh phá ác liệt, điên cuồng.

Tất cả các loại vũ khí tối tân nhất đều được địch sử dụng để đánh phá, đủ các loại bom đạn dội xuống đường 20, kể cả dùng B52 rải thảm. Có thời gian địch đánh 4-5 ngày đêm tạo thành những tọa độ lửa. Mức độ đánh phá vô cùng ác liệt và với cường độ ngày càng tăng: “Mùa khô 1965-1966, địch đánh đường 12 là 87 lần, đường 20 là 102 lần. Mùa khô 1970-1971, địch đánh đường 12 là 617 lần, đường 20 là 926 lần” 1.

Tuy nhiên, mưa bom bão đạn của địch vẫn không ngăn nổi ý chí, quyết tâm của những người con yêu nước. Với phương châm “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” và quyết tâm “Địch đánh, ta cứ đi”, lớp lớp đoàn quân, đoàn xe vẫn vượt qua đạn bom, lao ra phía trước, kịp thời chi viện cho các chiến trường. Địch càng bắn phá điên cuồng thì hàng vào miền Nam càng tăng.

“Từ năm 1965-1966 có 1 đường 12, nhập khẩu được 18.500 tấn. Từ 1966-1968 có thêm đường 20, nhập khẩu được 33.957 tấn” 2. Đặc biệt trong thời kỳ 1970-1971, địch đánh phá, ngăn chặn quyết liệt, đường 20 trở thành tuyến vận tải chính: “Mùa khô 1971, bỏ hướng đường 12, chỉ sử dụng hai cửa khẩu đường 20 và đường 18 cho 4017 xe nhập tuyến+ 320 tăng, pháo, xe hành quân vào chiến trường” 3.

Lúc đầu, tuyến đường được Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đặt tên là đường 20 bởi lý do, các lực lượng tham gia làm con đường này hầu hết đều ở vào độ tuổi 20 nhưng lòng tràn đầy nhiệt huyết, khát khao được cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc với quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn” đi đánh Mỹ. Vì vậy mà sau này con đường còn được gắn thêm hai từ “Quyết thắng” - đường 20 Quyết thắng. Trên tuyến đường này, có nhiều trọng điểm ác liệt như dốc Ba thang, Tổng kho NH, hang Thông tin... và đặc biệt là trọng điểm “hang Y tá”, “hang Tám cô” – ghi dấu về mức độ ác liệt cũng như sự hy sinh bi tráng của các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong trên tuyến đường này .

Hang Tám cô - tên gọi trước đây của điểm di tích Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên tuyến đường 20 tại km 16,5 ghi dấu sự kiện lịch sử có ý nghĩa cao đẹp, mãi mãi là biểu tượng cách mạng sáng ngời của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Ngày 14 tháng 11 năm 1972, một tổ thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường này thì bị máy bay Mỹ bắn làm sập một tảng đá lớn (khoảng 100 tấn), lấp kín luôn cửa hang.

Sau đợt ném bom của địch, đồng đội đã tập trung dốc hết sức, tìm đủ mọi cách nhưng vì khối đá quá lớn, dẫu biết các anh, các chị còn sống nhưng đành bất lực để đồng đội hy sinh. Cả 8 thanh niên xung phong cùng quê Thanh Hóa, cùng nhập ngũ một ngày và 5 đồng chí bộ đội pháo phòng không đã anh dũng hy sinh. Cái chết bi hùng của các anh, các chị làm xúc động lòng người, thôi thúc quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ của những người ở lại.

Năm 1995, tảng đá lấp hang được phá dỡ, hài cốt các anh, các chị đã được trân trọng đưa về quê hương. Nơi các anh, các chị hy sinh được xây dựng Đền tưởng niệm chung cho các liệt sĩ hy sinh trên tuyến đường 20.

Cách Đền tưởng niệm các TNXP tại km 16,5 chỉ chừng 1km là hang Y tá - nơi hy sinh của nữ y tá Nguyễn Thị Sặng, quê ở Phú Thọ, là thanh niên xung phong làm nhiệm vụ chuyển tải, chăm sóc thương binh trên đường Trường Sơn. Trường Sơn rừng thiêng nước độc, mưa nắng thất thường.

Mùa mưa, có khi hàng tháng trời không có chút ánh nắng. Mưa to một đêm là hôm sau lũ đã tràn về, mà lũ Trường Sơn thì hung dữ vô cùng. Chiến sĩ Trường Sơn có khi phải ăn gạo mốc, ăn nhạt hàng tuần do lũ làm tắc đường. Nạn muỗi rừng, sên vắt cũng là kẻ thù nguy hiểm của chiến sĩ, bộ đội Trường Sơn. Sốt rét, ghẻ lở, bệnh tật hoành hành làm cho không ít người phải vĩnh viễn nằm lại giữa những cánh rừng trùng điệp.

Nữ y tá Nguyễn Thị Sặng cũng đã hy sinh trong trường hợp như vậy. Hôm đó là một ngày vào mùa mưa, dù lên cơn sốt nhưng được giao nhiệm vụ chăm sóc và chuyển tải thương binh về tuyến sau, nữ y tá Nguyễn Thị Sặng đã cố chịu đựng để theo kịp đoàn chuyển tải, hoàn thành nhiệm vụ của mình. Khi đoàn chuyển tải dừng chân nghỉ tại km 18 đường 20, chị Sặng đã lên cơn sốt cao.

Hết thời gian nghỉ, đồng đội tiếp tục lên đường. Vì không muốn ảnh hưởng đến nhiệm vụ của cả đoàn, chị đã lặng lẽ nằm lại một mình và chị đã hy sinh ngay trên chiếc võng cá nhân bên hang đá tại km 18 đường 20. Mãi đến 3 ngày sau, các chiến sĩ làm đường mới phát hiện và an táng chị ngay bên hang đá ven đường và lập bia mộ cho liệt sĩ Nguyễn Thị Sặng. Sự hy sinh cao cả của chị khiến cho đồng đội vô cùng tiếc thương và cảm phục.

Sự hy sinh của những anh hùng “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm” trên khắp những nẻo đường của Tổ quốc là không gì có thể bù đắp được; nhưng dẫu sao, việc lập các điểm di tích trên đường Trường Sơn không chỉ là dịp để du khách - nhất là những người đã từng sống, chiến đấu nơi đây có dịp về thăm lại chiến trường xưa mà đó còn là tình cảm, sự tri ân của thế hệ trẻ đối với cha ông.

Giờ đây, các điểm di tích trên đường Trường Sơn nói chung và tuyến đường 20 Quyết thắng hầu như không ngày nào là không có nhân dân và du khách trên khắp mọi miền đất nước viếng thăm, thắp nén hương thơm tưởng nhớ đồng đội, người thân- những người đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước, đặc biệt là vào những ngày lễ 30-4, 27-7, 14-11... hằng năm. Những con đường, những cánh rừng nay không còn vắng lặng mà trở nên sống động, nhộn nhịp. Hẳn đâu đó giữa đại ngàn Trường Sơn, linh hồn các anh, các chị cũng đã được sưởi ấm.


1. Lịch sử Vận tải QĐND Việt Nam 1945-1975, NXB QĐND, tr 272
 2. Công tác vận tải quân sự chiến lược trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước trên đường Hồ Chí Minh; Tổng cục Hậu cần xuất bản 1984, tr 251
  3. Sdd, tr 185.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất