, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 26/11/2021, 09:18

Các làng nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng ở Việt Nam

BÁ ANH
Thổ cẩm không chỉ là sản phẩm may mặc thông thường mà còn là những tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng đời sống của cộng đồng người bản địa. Trên khắp Việt Nam, những làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các tộc người đã tạo thành những nét tươi đẹp trong bức tranh văn hóa muôn màu, muôn sắc.

Làng thổ cẩm hơn 4 thế kỷ của người Chăm

Làng Mỹ Nghiệp (huyện Ninh Phước) là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống tồn tại hơn 4 thế kỷ của cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận. Truyền thuyết kể rằng, vào thế kỷ XVII, người phụ nữ tên Ponagar đã đến vùng đất này, thấy điều kiện tự nhiên phù hợp, bà đã trồng bông, dệt vải và truyền nghề cho người dân trong làng.

Thổ cẩm Mỹ Nghiệp có màu đen là màu chủ đạo, dùng để làm nền vải và phối hợp với các màu khác như đỏ, xanh, vàng trở thành những họa tiết sinh động và bắt mắt. Màu thổ cẩm Mỹ Nghiệp được lấy từ thiên nhiên là chính.

Ngày nay, đến với Mỹ Nghiệp, khách du lịch không chỉ được chiêm ngưỡng những tấm thổ cẩm đa dạng mà còn được trải nghiệm các câu chuyện văn hóa của người Chăm. Những câu chuyện về nguồn gốc nghề dệt, kỹ thuật dệt vải, ý nghĩa của từng họa tiết hoa văn… đều được kể một cách sinh động bởi chính người dân địa phương.

Sự trở lại của thổ cẩm Zara (Quảng Nam)

Dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống của người Cơ Tu tại làng Zara (xã Tà Bhing huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam). Hiện nay, nhằm phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm, HTX làng dệt thổ cẩm Zara đã được thành lập. Giờ đây các thành viên HTX tập trung dệt, thêu, may tại cơ sở của HTX và đấy cũng là nơi để giới thiệu sản phẩm đến với khách du lịch. Sản phẩm thổ cẩm của Zara được thiết kế đa dạng về màu sắc, kiểu dáng. Một số nghệ nhân lâu năm đã nghiên cứu và phục dựng được hơn 40 loại sản phẩm dệt truyền thống của đồng bào Cơ Tu.

Người Bana và làng dệt thổ cẩm Hà Ri (Bình Định)

Làng Hà Ri (xã Vịnh Hiệp huyện Vĩnh Thạnh) là nơi còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng của người Bana, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Người Hà Ri dệt thổ cẩm cẩn thận và tỉ mỉ ở từng công đoạn. Bắt đầu từ tháng 3, tháng 4, bà con đã lên rẫy trồng bông. Đến tháng 8, tháng 9 thì tiến hành thu hoạch, mang phơi và kéo thành sợi. Đối với cây gai, người làng cạo lấy lớp vỏ, đập dẹp, đem phơi, xé nhỏ, ngâm với nước vo gạo để thành sợi dệt. Thuốc nhuộm chủ yếu lấy từ tự nhiên như các loại củ, vỏ cây... Sợi dệt được ngâm trực tiếp với thuốc nhuộm để tạo màu.

Nghề dệt thổ cẩm nơi vùng cao Bản Bút (Thanh Hóa)

Cộng đồng tộc người Thái ở Bản Bút (xã Nam Xuân huyện Quan Hóa tỉnh Thanh Hóa) có nghề dệt thủ công truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trước đây, sản phẩm thổ cẩm của Bản Bút chủ yếu phục vụ cho đời sống sinh hoạt và tập tục của đồng bào người Thái như làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng, nhưng cũng có khi họ mang vải thổ cẩm đi đổi lấy hàng hóa khác. Sau này, sản phẩm thổ cẩm được mang bán khắp các vùng. Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái ở Bản Bút có thêm nhiều điều kiện để phát triển, gắn với các hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống và hỗ trợ lao động, nâng thu nhập cho người bản địa.

Làng dệt thổ cẩm B’’nerC giữa Tây Nguyên

Làng dệt thổ cẩm B’nerC của người K’Ho thuộc khu du lịch LangBiang là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Lâm Đồng. Sản phẩm thổ cẩm của B’nerC đa dạng với túi xách, khăn choàng, lồng đèn, móc khóa, rèm cửa, khăn trải bàn… là quà lưu niệm ưa thích của khách du lịch khi đến đây. Mô hình kết hợp bảo tồn nghề truyền thống và phát triển du lịch là làn gió mới cho B’nerC.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất