, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 12/08/2020, 10:45

Các làng nghề sơn mài nổi danh

NHẬT MINH

Sơn mài là nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn rất lớn từ người làm nghề khi trải qua đến hơn 20 bước để có một tác phẩm hoàn chỉnh. Do vậy, giá thành của các tác phẩm sơn mài thường khá cao. Ngày nay, vì thị hiếu của người dùng thay đổi nên các làng nghề sơn mài truyền thống cũng mai một dần, có những làng đã biến mất hẳn. Tuy nhiên, bên cạnh làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (tỉnh Bình Dương), vẫn còn các làng nghề vượt qua khó khăn để bám trụ với nghề, duy trì một loại hình nghệ thuật vô cùng đặc sắc và sang trọng của dân tộc ta.

 

1. Làng nghề sơn mài Hạ Thái - Hà Nội

Làng nghề sơn mài Hạ Thái nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 17km, thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội. Những người cao niên nhất ở làng Hạ Thái cũng không biết chính xác làng nghề bắt đầu hình thành từ khi nào, chỉ biết rằng những bức hoành phi, câu đối trong đình do người làng làm có ghi niên đại từ thế kỷ XVIII. Đầu thế kỷ XX, các nghệ nhân và thợ giỏi trong làng đã sáng tạo, nghiên cứu và cải tiến từ nghề sơn quang dầu (đồ nét) thành nghề sơn mài.

Sản phẩm sơn mài Hạ Thái chủ yếu làm bằng phương pháp thủ công nên đòi hỏi người thợ phải có bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú. Nhiều nghệ nhân làng Hạ Thái đã tạo ra được những sản phẩm nổi tiếng, như: tranh phong cảnh, làng quê, mái đình, bến nước, vịnh Hạ Long, chùa Một Cột… được khách hàng đánh giá cao, đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho đời sống của người dân nơi đây.

Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, người Hạ Thái còn tạo ra hàng nghìn mẫu sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước như bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh khảm... Chất liệu chính của sơn mài Hạ Thái là gỗ, tre, nứa, song mây, gần đây có thêm các chất liệu mới như composite, gốm sứ… càng tạo nên sự độc đáo cho sản phẩm. Ngoài việc kế thừa kinh nghiệm truyền thống ông cha để lại, càng ngày những nghệ nhân trong làng càng nghiên cứu cho ra nhiều màu mới với nhiều sắc độ khác nhau.

Làng sơn mài Hạ Thái có nghệ nhân Vũ Huy Mến đã đưa những chất liệu mới vào sơn mài như vỏ trứng, vỏ trai, tạo màu vàng, màu son… Nghệ nhân Đinh Văn Thành là người đầu tiên đưa những bức tranh sơn mài đi giới thiệu tại các hội chợ ở Paris (Pháp) vào những năm đầu thế kỷ XX.

Năm 2003, làng nghề được tổ chức JICA của Nhật Bản chọn làm điểm triển khai dự án xây dựng chiến lược phát triển làng nghề bền vững đến năm 2010, tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm, dành 6,3ha đất để xây dựng Cụm công nghiệp phát triển nghề sơn mài và thành lập Hội Sơn mài truyền thống làng Hạ Thái.

Ngày nay, sản phẩm sơn mài Hạ Thái không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn cả nước ngoài. Hạ Thái đã trở thành địa chỉ có uy tín với các bạn hàng quốc tế. Hàng sơn mài của Hạ Thái đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay làng nghề đang gặp nhiều khó khăn, sức tiêu thụ sản phẩm suy giảm, nhiều cơ sở và hộ gia đình, nghệ nhân phải chuyển hướng mưu sinh. Các doanh nghiệp phải loay hoay với bài toán thiếu nhân công lành nghề và tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong làng không còn nhiều người duy trì nghề sơn mài truyền thống như giai đoạn trước. Lãnh đạo địa phương, hiệp hội làng nghề và người dân đang tích cực tìm cách khắc phục khó khăn, duy trì và phát huy nghề sơn mài truyền thống.

Làng nghề Hạ Thái đang đẩy mạnh hoạt động du lịch, thu hút khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về các nét đẹp truyền thống của dân tộc.

 

Các sản phẩm của làng nghề Hạ Thái.
Thợ làng nghề sơn mài Hạ Thái - Hà Nội

 2. Làng nghề sơn mài Cát Đằng - Nam Định

Làng nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định có lịch sử trên 600 năm với danh tiếng nhất nhì trong các làng nghề sơn ở vùng Bắc bộ. Qua các giai đoạn tồn tại và phát triển, đến nay những nghệ nhân ở làng nghề sơn mài Cát Đằng vẫn tiếp tục duy trì nghề truyền thống là sản xuất các sản phẩm sơn mài trên gỗ, chủ yếu là các loại ngai, ỷ, kiệu, tượng, tranh... phục vụ sinh hoạt tôn giáo; đồng thời phát triển nhiều mẫu mã sản phẩm tiêu dùng, sinh hoạt phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tương truyền, các đồ sơn mài lâu đời, vẫn dùng để trang trí nội, ngoại thất trong các lăng tẩm, các cung đình xưa ở Huế, Đà Nẵng, Hà Nội… chủ yếu là do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng Cát Đằng làm ra. Những người thợ Cát Đằng cũng tích cực đóng góp công sức trong việc xây dựng, trang hoàng nhiều di tích lịch sử văn hóa của đất nước như Cố đô Huế, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chùa Một Cột, Chùa Thiên Mụ, Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, Đền Trấn Vũ…

Sản phẩm của làng nghề Cát Đằng.
Sản phẩm của làng nghề Cát Đằng.

Từ nghề sơn mài truyền thống, hiện nay ở xã Yên Tiến đã hình thành và phát triển song song ba chủng loại sản phẩm là: sơn mài truyền thống (sản phẩm chủ yếu là tranh, ảnh, đồ lưu niệm); sơn dầu (các loại đồ thờ) và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa chắp. Khác với sơn mài, các sản phẩm sơn dầu không phải qua nhiều công đoạn phức tạp, tỉ mỉ và đặc biệt là không phải mài đi mài lại nhiều lần. Còn sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa chắp thì thường sử dụng các loại sơn công nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu chính nữa là sơn cũng đa dạng như: sơn hạt điều, sơn Nhật, sơn PU... Nhờ sự hỗ trợ của các loại máy móc nên rất nhiều công đoạn thủ công trước đây đã được thực hiện bằng máy giúp làng nghề có thể sản xuất ra khối lượng hàng hóa lớn, giá thành hạ mà chất lượng vẫn đảm bảo. Hiện nay, sản phẩm sơn mài Cát Đằng rất đa dạng, chủ yếu là đồ gia dụng gia đình, đồ trang trí nội thất: bình, lọ, tranh, phù điêu... Sản phẩm có nguồn gốc từ Cát Đằng không những được tiêu thụ mạnh trong nước mà còn là mặt hàng xuất khẩu, được ưa chuộng tại nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga và các nước ASEAN.

Các nghệ nhân Cát Đằng cũng đã sáng tạo ra cách làm sơn mài trên nứa, một sự pha trộn giữa “cổ” và “kim”. Đây là sự kết hợp giữa kinh nghiệm lâu đời và chất liệu mới để tạo ra sản phẩm độc đáo, có tính thẩm mỹ cao. Sản phẩm sơn mài trên nứa đã sơ khai từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sản phẩm ban đầu làm ra đơn giản, xuất khẩu kèm với mặt hàng sơn mài sang Liên Xô và một số nước Đông Âu trước đây. Khi thị trường Liên Xô không còn, nghề cũng bị mai một dần. Tuy nhiên, nhiều nghệ nhân tâm huyết trong làng đã không vì thế mà bỏ nghề, ngược lại càng kiên trì nghiên cứu thay đổi mẫu mã, chọn nguyên, phụ liệu giá rẻ, nhưng bền, đẹp và không độc hại để sản xuất, rồi đi “gõ cửa” các nơi để chào hàng. Sau nhiều lần đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, phù hợp với thị trường, khoảng 5 năm trở lại đây, khách hàng mới thực sự thích thú với những mặt hàng mới này.

Dù là làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm, Cát Đằng cũng không tránh được thực trạng mai một như các làng nghề truyền thống khác do thị hiếu người dùng thay đổi và sự thụ động trong khâu tìm đầu ra cho sản phẩm khi phải phụ thuộc vào các khâu trung gian. Thu nhập của người dân làng nghề bấp bênh, hình ảnh của làng nghề cũng chưa được chú trọng quảng bá tốt. Có thể nói, thương hiệu hiện vẫn đang là một trong những vấn đề nan giải ở làng nghề sơn mài Cát Đằng.

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất