, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 04/10/2023, 14:20

Các quốc gia cam kết quyên góp 12 tỷ USD để bảo vệ rạn san hô

LÊ KIÊN
(theo Reuters)
Ngày 3/10 vừa qua, một liên minh các quốc gia cho biết sẽ huy động 12 tỷ USD để bảo vệ các rạn san hô khỏi những mối đe dọa như ô nhiễm và nạn khai thác quá mức. Mặc dù đây là một kế hoạch tốt, tuy nhiên các chuyên gia nhấn mạnh rằng, khoản tài trợ này chỉ như một giọt nước trong đại dương bao la, trừ khi các rủi ro khí hậu rộng lớn hơn được giải quyết.
San hô bị tẩy trắng nằm chìm dưới nước tại cảng Miami, phía trên là khu cắm trại của người vô gia cư ở Miami, Florida, Hoa Kỳ, ngày 14/7/2023. (Ảnh tư liệu: Reuters/Maria Alejandra Cardona)

Sáng kiến Rạn san hô Quốc tế (ICRI) cho biết, họ sẽ đảm bảo nguồn đầu tư “công – tư” để giúp bảo tồn và khôi phục hệ sinh thái san hô - nơi nuôi dưỡng 1/4 các loài sinh vật biển và hơn một tỷ người trên thế giới.

Trong một báo cáo, ICRI nhấn mạnh: "Sự tồn tại của các hệ sinh thái san hô đang bị đe dọa bởi khủng hoảng khí hậu và vô số các yếu tố khác do con người tạo ra. Cánh cửa bảo vệ các hệ sinh thái này đang đóng lại một cách nhanh chóng".

Các rạn san hô ngày càng phải chịu nhiều áp lực do ô nhiễm biển gia tăng, sự phát triển của vùng ven biển mang tính hủy diệt và các loại hình khai thác thủy hải sản. Ngoài ra, nhiệt độ nước biển tăng cao khiến san hô phóng thích ra các tảo đa sắc sống cộng sinh bên trong chúng. Hiện tượng này được gọi là "tẩy trắng san hô".

Tẩy trắng san hô là hiện tượng san hô bị trắng do mất đi các tảo cộng sinh hoặc suy giảm chất diệp lục quang hợp của chúng. Hiện tượng này xảy ra khi san hô bị tác động bởi các yếu tố như thay đổi nhiệt độ, ánh sáng, hoặc dinh dưỡng. (Ảnh minh họa: ABC News).

Bà Marian Wong, giảng viên cao cấp Khoa học Trái đất, Khí quyển và Đời sống tại Trường Đại học Wollongong của Úc cho rằng, mặc dù khoản tài trợ bổ sung cho việc bảo vệ và phục hồi san hô là một tin tốt, tuy nhiên nhiệt độ tăng sẽ mang lại rủi ro lớn hơn.

"Các mối đe dọa là rất nghiêm trọng, đặc biệt là khi chúng ta đang phải đối diện với El Nino. Chúng tôi tin rằng hiện tượng tẩy trắng san hô trên quy mô lớn sẽ xảy ra một lần nữa, có thể là từ tháng 2 đến tháng 3" - bà Marian Wong cho biết. 

Theo tuyên bố của ICRI, cơ quan này đặt mục tiêu sẽ "đảm bảo tương lai" của 125.000km2 rạn san hô nhiệt đới nước nông và sẽ tăng gấp đôi diện tích được bảo vệ vào cuối thập kỷ này. ICRI cũng sẽ tăng tốc phục hồi các rạn san hô bị hư hại bằng các giải pháp mới sáng tạo.

Ông David Booth, nhà sinh thái học biển tại Đại học Công nghệ Sydney cảnh báo, phục hồi không phải là thuốc chữa bách bệnh, phương pháp đó sẽ cực kỳ tốn kém để thực hiện trên quy mô có ý nghĩa.

 Hình ảnh cá bơi lượn phía trên rạn san hô ở Nusa Dua, Bali, Indonesia, ngày 28/5/2021. (Ảnh tư liệu minh họa: Reuters/Nyimas Laula).

ICRI được thành lập vào năm 1994 bởi các quốc gia Úc, Pháp, Nhật Bản, Jamaica, Philippines, Thụy Điển, Anh và Hoa Kỳ. Các thành viên của ICRI hiện bao gồm 45 quốc gia, đại diện cho 3/4 các rạn san hô trên thế giới.

Terry Hughes, một chuyên gia về san hô tại Đại học James Cook của Úc cho biết: "Các quốc gia ICRI nên tập trung thẳng vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, Úc và Ả Rập Saudi lại là những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ các giải pháp phục hồi san hô, điều này sẽ kéo giãn thêm thời gian cho các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch tiếp tục gây ô nhiễm bầu khí quyển".

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất