
Giới thiệu một báo cáo quan trọng của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu đối với các tác động và quỹ đạo của sự nóng lên toàn cầu, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đưa ra một đánh giá thẳng thắn về thách thức ngăn chặn thảm họa khí hậu.
Theo ông Guterres, thế giới vẫn còn thời gian để hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình lên 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tuy nhiên điều này đòi hỏi cần phải có “một bước nhảy vọt trong hành động khí hậu" của tất cả các quốc gia trên mọi lĩnh vực.
Các bên cần phải ngay lập tức bắt tay vào việc đi nhanh đến đích trung hòa carbon càng sớm càng tốt. Ông Guterres thừa nhận rằng, các quốc gia có mức độ trách nhiệm và khả năng thay đổi theo hướng đi khác nhau. Các nước giàu nên cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 càng nhanh càng tốt vào năm 2040, đây là giới hạn mà tất cả các quốc gia giàu có nên hướng tới để tôn trọng và bảo vệ môi trường.
Hiện tại, hầu hết các nước giàu đều đặt mục tiêu vào năm 2050, tuy nhiên vẫn có một số quốc gia tham vọng sẽ đạt được mục tiêu sớm hơn kế hoạch như Phần Lan (2035), hay Đức và Thụy Điển (2045).
Bên cạnh đó, một số quốc gia lớn nằm trong danh mục các quốc gia giàu có lại đặt ra mục tiêu sẽ đạt ngưỡng phát thải ròng bằng 0 tại một thời điểm xa hơn như Trung Quốc (2060) và Ấn Độ (2070).

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres - người sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu vào tháng 9 năm nay - một lần nữa nhấn mạnh vai trò của Nhóm G20, các nền kinh tế lớn nhất thế giới và châu Âu cùng chịu trách nhiệm đối với 80% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
“Đây là thời điểm để tất cả các thành viên G20 cùng nhau nỗ lực chung, tập hợp các nguồn lực và năng lực khoa học cũng như các công nghệ đã được chứng minh và giá cả phải chăng của họ thông qua các khu vực công và tư nhân để biến tính trung lập carbon thành hiện thực vào năm 2050”, ông Guterres nhấn mạnh.