, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 06/10/2021, 19:00

Cải cách lương truyền

KIM LOAN
(SGGP)
Giữa những fanpage ca nhạc liên tục cập nhật tên ca sĩ, bài hát mới, trào lưu nhạc điện tử… nhóm bạn trẻ vẫn dày công biên soạn và trích tìm lại những video cải lương, đoạn trích kinh điển của loại hình sân khấu hơn trăm tuổi đời này, để giới thiệu đến công chúng. Lượt thích và chia sẻ có phần khiêm tốn so với những trang âm nhạc đương thời, nhưng cải lương vẫn đi cùng nhịp sống hiện đại là một tín hiệu mừng.
Poster bài viết giới thiệu về cải lương do nhóm “Cải cách lương truyền” biên soạn

Còn đây ngọn lửa cải lương

Lời dẫn: “Ra đời hơn 40 năm trước, vở diễn đã chinh phục khán giả một cách ngoạn mục, suất diễn nào cũng chật kín rạp. Đến năm 1978, vở được Đài Truyền hình TPHCM thu hình và phát sóng, lan rộng khắp các tỉnh thành, tạo nên một “cơn sốt” vô cùng đặc biệt trong giai đoạn bấy giờ” cùng đoạn video cũ chỉ có hai màu trắng đen, trích đoạn vở cải lương Tiếng trống Mê Linh, thu hút nhiều bạn trẻ để lại bình luận.

“Tôi đã từng nghe ba mẹ kể về vở cải lương nổi tiếng này, nhưng thực tế xu hướng bây giờ, bạn bè quanh tôi cũng ít ai nghe cải lương. Bữa nay, tình cờ nghe thử cũng thú vị quá, người ta nói cải lương sến, chứ nghe không hề sến mà rất sang, nghệ sĩ thành danh bằng tài năng diễn xuất lẫn giọng hát rất cảm xúc và nội lực”, Phan Huệ Mẫn (26 tuổi, ngụ quận 7) chia sẻ. Đã xem đến lần thứ ba, Đặng Thị Thùy Linh (23 tuổi, ngụ quận 1) bày tỏ: “Đúng là nghệ sĩ xưa ca rất hay, nhịp nào ra nhịp đó, tiếng song lang gõ là dứt nhịp, lại kết hợp nét mặt cử chỉ điệu bộ không quá cường điệu mà có tiết chế vừa phải, đến nỗi người sau nhìn vào cứ ngỡ đó là khuôn vàng thước ngọc rồi. Người xem hát tới chỗ đó mà thấy nghệ sĩ không ra bộ giống vậy, cảm giác thiếu thốn gì đó, như thể cảm xúc không đong đầy vậy”.

Bắt đầu từ mạng xã hội để thu hút sự quan tâm của giới trẻ, fanpage “Cải cách lương truyền” dẫn lại những đoạn trích cũ đã trở thành tuồng tích kinh điển của sân khấu cải lương một thời; cùng bài viết giới thiệu về lớp nghệ sĩ gạo cội, những giai đoạn hoàng kim của cải lương… Xen lẫn những câu chuyện một thời, nhóm bạn trẻ cũng đi sâu vào các bài viết phân tích chuyện đưa cải lương vào những sản phẩm văn hóa đương đại như MV ca nhạc, phim điện ảnh… Phân tích về những chất giọng trong cải lương, để thấy cái hay, cái đẹp của từng câu ca điệu hát và sự tài năng của người nghệ sĩ.

Tiếng đờn nơi đất Bắc

“Cải cách lương truyền” ra đời vào tháng 9-2021, dự án nằm trong môn học của nhóm bạn trẻ thuộc Học viện Báo chí và tuyên truyền (Hà Nội). Nhật Phương (Trưởng dự án) chia sẻ: “Mặc dù cải lương xuất phát từ miền Nam, nhưng bộ môn này đã có sự phát triển lan rộng ra cả miền Bắc. Minh chứng rõ rệt là cho đến nay ở miền Bắc vẫn đang có những đoàn cải lương hoạt động, vẫn có những nghệ sĩ đang miệt mài trau dồi, phát triển và cống hiến cho nghề. Khán giả miền Bắc nhiều thế hệ cũng đã và đang dành rất nhiều tình cảm cho cải lương”.  

Điều đặc biệt hơn, một thành viên trong nhóm có ba mẹ đều là nghệ sĩ cải lương, bạn trẻ này tiếp thêm tình yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống này cho cả nhóm. “Bạn ấy có cơ hội để tiếp xúc sớm với bộ môn này và hiểu được những nỗ lực và vẻ đẹp của cải lương, từ đó đề xuất ra việc chọn cải lương làm đối tượng quảng bá. Cả nhóm cũng cùng suy nghĩ với nhau, cải lương lại là một bộ môn nghệ thuật, đặc biệt là một nguồn tư liệu truyền thống quý báu”, Nhật Phương chia sẻ thêm.

Người trẻ với những dự án sân khấu truyền thống không phải là điều dễ dàng, tư liệu về cải lương không thiếu, nhưng chưa có một công trình mang tính tổng hợp và thị hiếu của khán giả đương thời cũng đã thay đổi nhiều. “Cải cách lương truyền” chú trọng vào hoạt động trên mạng xã hội, bởi đây là cách tiếp cận với giới trẻ hiệu quả. Những bài viết tổng hợp cung cấp thông tin thú vị về cải lương, đến phân tích về giọng hát để khơi gợi sự hứng thú, yêu thích cải lương và ẩn sau đó là lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sự trân trọng những giá trị truyền thống trong mỗi con người.

“Cả nhóm đều là người trẻ, nên chúng tôi hiểu rõ trong trái tim của các bạn luôn tồn tại niềm tự hào, muốn những giá trị truyền thống của nước nhà được tôn vinh hơn nữa. Có thể không phải ai cũng biến khát khao ấy thành hành động, nhưng khi có người khác thay họ làm điều đó, đưa nghệ thuật truyền thống ra ánh hào quang để tôn vinh thì họ sẽ nhiệt tình ủng hộ. Thị hiếu của khán giả đương thời có thể có chút thay đổi, nhưng bản năng hướng tới cái đẹp, hướng tới giá trị truyền thống của nước nhà thì không đổi. Họ vẫn sẵn lòng thưởng thức và trân trọng những bộ môn nghệ thuật truyền thống như cải lương. Cái họ cần là một cách tiếp cận mới, cách thể hiện mới mẻ hơn, sáng tạo hơn mà vẫn giữ được cái chất riêng của bộ môn này”, Nhật Phương bày tỏ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất