, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 12/05/2023, 19:00

Cải lương nhìn từ sự ra đi của hai tài danh Diệp Lang - Vũ Linh

KIM LONG
Những ngày tháng Ba vừa qua, sân khấu cải lương chịu mất mát lớn với sự ra đi của hai tài danh bậc thầy là NSND Diệp Lang và NSUT Vũ Linh. Và trong nỗi niềm tiếc thương của công chúng, càng nhận ra có một mạch ngầm văn hóa vẫn lưu chuyển bền bỉ, thâm trầm như chưa bao giờ vơi cạn trong lòng người phương Nam, dù xa hay gần; và cả người Việt mọi miền. Có những sự chết đã làm sống dậy những điều tốt đẹp, từ đó…

Bà Thu Phong, vợ của NSND Diệp Lang nói trong lễ tang chồng mình: “Gia đình chúng tôi thật sự bị… choáng, bởi không ngờ tình cảm của anh chị em nghệ sĩ, của khán giả dành cho nhà tôi quá lớn. Cũng hơn 10 năm anh rời Việt Nam, cũng có nghĩa là đã lâu anh không còn đứng trên sân khấu nhưng mọi người vẫn luôn yêu quý và thương nhớ anh. Đó là tài sản lớn nhất, là hạnh phúc của một đời nghệ sĩ mà nhà tôi có được. Xin được tri ân tất cả”.

Và để cảm tạ bạn nghề các thế hệ cùng khán giả, gia đình NSND Diệp Lang đã chấp thuận để nhóm nghệ sĩ do NS Châu Thanh, Ngọc Huyền tổ chức lễ tưởng niệm ông tại chùa Tường Nguyên (Q.8). Cùng với đó, Hội Sân khấu TP.HCM cũng tiến hành một buổi lễ tưởng niệm NSND Diệp Lang.

NSND Diệp Lang.

Cuối cùng, “Hội đồng Thăng”, “Hội đồng Dư” cũng đã được trở về quê nhà, “ca và diễn” giữa lòng đồng nghiệp và khán giả bao năm qua vẫn luôn yêu kính, ngưỡng mộ tài danh và đức độ làm nghề, làm người của ông.

Nếu sự ra đi của “anh Hai Diệp Lang” là một thể tất của tuổi tác, ông không phải chịu đau đớn, con trai ông - đạo diễn, diễn viên Diệp Tiên nói, khi ông nằm trong vòng tay của người thân và nói lời sau cùng: “Ba muốn đi”; thì “cậu Năm Vũ Linh” lại chịu những ngày tháng cuối cùng trên giường bệnh trong sự dày vò, tàn phá của tế bào ung thư. Niềm hạnh phúc sau chót là người nhà đã đưa ông về căn nhà quen thuộc, được nằm trên chiếc giường của mình, giữa những người thân yêu nhất, và còn kịp nghe tiếng của “người tình sân khấu” - NS Tài Linh - gọi về: “Anh đi bình an, em xin lỗi vì không về thăm anh được”.

Có thể nói, sau cái chết lẫm liệt của NSUT Thanh Nga và một lễ tang “khủng” về lượng người theo dõi, đưa tang thì đến tang lễ của NSUT Vũ Linh. Hơn 3 ngày đêm, cơ quan chức năng buộc phải cử người túc trực xuyên đêm, các dịch vụ bảo vệ, phân luồng nhằm giữ trật tự cho một đoạn đường Phan Đăng Lưu và gần như cả con đường Đoàn Thị Điểm. Lâu lắm mới bắt gặp lại hình ảnh những chị em, bà má từ miệt miền Tây bắt xe đò lên Sài Gòn, họ nói: “Dù không được vô nhưng lên tới đây, coi như là đã thắp một nén nhang lòng tiễn đưa thần tượng”. Và khóc.

Còn nữa, một hình ảnh không đẹp đẽ mấy, 45 năm sau cái chết của NS Thanh Nga, thời của nền tảng số, mạng xã hội đã bùng phát “nấm” Tiktoker, Youtuber nên họ bất chấp kiếm view bằng cả tang lễ của nghệ sĩ, nó càng đẩy thông tin nóng sốt trên thế giới ảo.

NSUT Vũ Linh.

Với tài danh, họ là nghệ sĩ của nhân dân

Không khó để lý giải vì sao sự ra đi của hai tài danh Diệp Lang - Vũ Linh lại tạo nên một sự tiếc thương lớn đến như vậy. Đơn giản và duy nhứt chính là vì khán giả sẽ khó, thậm chí không thể tìm lại được một phiên bản tốt hơn, hay một phiên bản thứ hai để kế cận, tiếp nối.

Đó là một NSND Diệp Lang đã đạt đến thượng thừa về tài năng ca trong diễn - diễn trong ca. Ông không phải là người sở hữu hơi - giọng tốt nhưng bù lại, nhịp trong máu đã khiến ông sắp chữ và xử lý tiết tấu - nhịp điệu một cách thần sầu. Nhịp - với người nghệ sĩ ca kịch, không hẳn là do luyện tập, nó là thiên bẩm. Diệp Lang là số hiếm, ông ca theo dây, trên dây và thầy đờn phải chắc tay mới không bị rớt bởi lối bỏ nhịp nội, nhịp ngoại ở ông. Ở những bài thuộc điệu thức Oán, ca Bắc, ông là bậc thầy.

Cái tài tình, mà cũng là phẩm giá của người nghệ sĩ - ở Diệp Lang - chính là ông luôn tự mình “kê” mình để lấp những khiếm khuyết còn lại ở bạn diễn; tức ông tự lùi lại, để tài năng của bạn diễn phát sáng, cái khoảng khuất lặng ấy, lại chính là điểm kết dính, thăng hoa để mỗi nhân vật tìm đến khán giả.

Cho nên, ông ca ít, diễn kiệm nhưng từng dấu từng chữ, mỗi nét diễn xuất, ông cứ chạm trổ trong lòng công chúng. Sân khấu kịch hát vốn mang đặc thù mảng miếng, lớp lang. Chỉ hai con người diễn viên, dăm ba câu thoại, không bài ca, vậy mà lớp cây gậy trong Đời cô Lựu, ông và NSND Bạch Tuyết đã làm nên tính mẫu mực của một vở diễn kinh điển.

Có thể nói, đó là sự đại diện cho một sân khấu cải lương “Thật và Đẹp” của nghệ sĩ tiền phong Nguyễn Thành Châu, hòa trộn tinh túy của tính ước lệ của sân khấu phương Đông và tính hiện thực - tâm lý của sân khấu kịch cổ điển Pháp - phương Tây. Tài năng là một lẽ, ở đây, người nghệ sĩ ý thức rất rõ họ chuyên chở một giá trị văn hóa, chọn lọc và sáng tạo thành một hằng số nghệ thuật của riêng mình, dân tộc mình.

Đối với NSUT Vũ Linh, ông lại là một hiện tượng hiếm có, là ngôi sao sáng nhứt, là thủ lĩnh của thế hệ nghệ sĩ trưởng thành sau năm 1975. Không thể đem tiêu chí “Thật và Đẹp” để áp vào Vũ Linh. Ông nằm ngoài mọi quy chuẩn. Nói đúng hơn, ông tạo ra quy chuẩn của riêng ông, mềm mượt, nhẹ nhàng, quyến rũ, mê dụ mọi tầng lớp khán giả.

Vũ Linh sinh ra là để dành cho sân khấu cải lương - Hồ Quảng. Ông có vóc dáng đẹp và uy dũng trong những bộ cổ trang. Ông nắm chắc về trình thức, lại sở hữu vũ đạo bậc thầy. Chất giọng ông dày, hơi ca cứ đi từ bụng, phổi nên chắc, vang, lại thông minh ở những độ luyến láy. Ở Vũ Linh, chất sân khấu ca kịch, độ ma mị rất đậm nên ông hồn nhiên mê đắm khán giả. Điều này không dễ lý giải nhưng nếu nhìn vào một “phiên bản” khác cũng của phương Đông, tài tử Trương Quốc Vinh trong phim Bá Vương Biệt Cơ, sẽ cảm nhận được phần nào.

Họ mang theo vẻ đẹp phi giới tính, họ nồng nàn đó nhưng cũng yếu đuối đó, họ khát khao mãnh liệt vô cùng nhưng cũng bất cần và “bỏ mặc” cho sự cuồng quay, đổ vỡ. Họ chênh vênh giữa hai bờ ảo thực; và nghệ thuật luôn là cứu cánh của đời họ.

Nghệ sĩ Vũ Linh là một tượng đài; và ông là điểm tựa cho mọi cô đào khi đóng chung với ông nương cậy, tỏa sáng. Ông dìu dắt họ, ông chắp cánh cho họ, ông thăng hoa cùng họ. Nội lực ca diễn ấy, trong cái thể phách cứ mài mòn theo năm tháng, bệnh tật đến một ngày vẫn mải miết, tự nguyện làm “người đưa đò”. Chính điều đó ông lại càng tạo ra một khoảng trống lớn, sau ông.

Tại lễ tang được tổ chức ở Mỹ, con gái của NSND Diệp Lang với người vợ cũ là NS Phượng Liên đã đến viếng và bộc bạch: “Cảm ơn ba đã cho con được làm con gái của ba. Con cũng cảm ơn cô (tức bà Thu Phong, vợ của NSND Diệp Lang) đã ở cạnh ba, mang lại cho ba con hạnh phúc…”. Đáp lời, bà Thu Phong dặn dò, mấy chị em đùm bọc, yêu thương nhau để ba con yên lòng nơi chín suối.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất