, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 14/08/2022, 19:30

Cải thiện môi trường biển bằng cách nuôi vẹm

KHÁNH NGUYỄN
(theo Guardian)
Một nghiên cứu mới gần đây tại Anh cho thấy nuôi vẹm sẽ tạo ra môi trường lành mạnh cho các loài cá cũng như động vật thân mềm trong khu vực, cải thiện chất lượng nước và tạo ra nguồn thức ăn thay thế thịt, cá.
Vẹm là loài cung cấp nhiều protein động vật, lại dễ nuôi và cải thiện chất lượng nước. Ảnh Guardian.

Theo Tiến sĩ Judith Brown và Andrew Airnes, nghề nuôi vẹm đang được xem là phương thức sản xuất thực phẩm mới giàu tiềm năng, vừa cung cấp thức ăn cho dân số ngày càng tăng vừa phục hồi đa dạng sinh học bản địa tại Vương quốc Anh, vốn đã bị tổn hại nhiều do ô nhiễm và các hoạt động đánh bắt quá mức.

Hình thức mà Tiến sĩ Brown và Airnes đang triển khai là nuôi vẹm trên dây thừng, tạo ra sinh cảnh biển đẹp, hệ sinh thái ổn định, tăng sinh khối lên 3,6 lần và đa dạng sinh học lên 1,6 lần. Họ hy vọng có thể nuôi được hơn 100 tấn protein động vật bằng hình thức này tại vùng biển nước Anh.

Trước mắt, họ thử nghiệm nuôi vẹm trên bốn dây thừng, mỗi sợi dài 220m. Vẹm sẽ bám vào bất cứ thứ gì chúng có thể tìm thấy trong nước, nên các sợi dây này sẽ bám đầy vẹm, dễ thu hoạch. Ngư dân chỉ cần thả vẹm con và đảm bảo dây chìm trong nước vừa đủ, phần còn lại vẹm sẽ tự phát triển mà không cần cho ăn như nhiều loại hải sản và các phương pháp nuôi khác.

John Holmyard tại trang trại Offshore Shellfish, trang trại nuôi vẹm bằng dây thừng đầu tiên của Vương quốc Anh nằm ở ngoài khơi bờ biển Devon, cho biết những con vẹm bám trên dây đang cung cấp môi trường sống cho mọi thứ khác. Có vô số sinh vật sống xung quanh và trên con vẹm, từ giun nhỏ, động vật thân mềm đến các loại cá.

Vẹm cung cấp môi trường sống cho nhiều loài sinh vật khác như giun, động vật thân mềm, cá và các loại tảo. Ảnh Guardian.

Tiến sĩ Emma Sheehan, Phó Giáo sư Sinh thái biển tại đại học Plymouth, đã làm việc với Holmyard từ năm 2013 để nghiên cứu các tác động sinh thái của trang trại. “Chúng tôi thực sự quan tâm đến tác động của trang trại nuôi vẹm lên toàn bộ hệ sinh thái biển theo thời gian. Lần đầu đến vùng biển này, chúng tôi tìm thấy nhiều loài nhưng đa dạng sinh học rất thấp. Trang trại đang cung cấp nơi cư trú cho đủ các loài như cua nâu, sò điệp và các loài sinh vật nhỏ khác”, Tiến sĩ Sheehan cho hay.

Hai nghiên cứu sinh Danielle Bridger và Llucia Mascorda Cabre đang thu thập dữ liệu từ trang trại và so sánh với các khu vực biển gần đó ở Vịnh Lyme. Bridger cho biết: “Sau 8 năm, sự đa dạng và phong phú tổng thể của các loài đã tăng lên hơn 33% trong trang trại so với các khu vực đối chứng”. Không chỉ cung cấp thức ăn, nơi ở cho các sinh vật biển khác, vẹm còn đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng nước tổng thể. Ước tính mỗi con vẹm có thể lọc 25 lít nước mỗi ngày.

“Chúng ăn các chất dinh dưỡng và giảm sự phát triển quá mức của thực vật và tảo, giữ cho nước và mọi thứ khác sạch sẽ”, Tiến sĩ Airnes khẳng định. Đó là lý do Tiến sĩ Sheehan tin rằng các trang trại nuôi vẹm có thể là phương thức phục hồi môi trường sống và làm sạch tự nhiên vốn đã tồn tại trước khi có đánh bắt công nghiệp.

Phương thức nuôi vẹm trên các dây thừng đang được thử nghiệm tại các vùng biển của Vương quốc Anh, nơi đang dần ô nhiễm và có đa dạng sinh học thấp. Ảnh Guardian.

Ngoài ra, nuôi vẹm cũng không đòi hỏi thức ăn hoặc thuốc kháng sinh và thải ra rất ít khí nhà kính so với việc nuôi động vật lấy thịt và cá. Tờ Guardian thống kê nuôi vẹm thải ra 0,6 CO2e/kg so với nuôi bò thải ra từ 19 đến 36,7 CO2e/kg.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Sheehan, cần thận trọng khi khuyến khích tăng số lượng các trang trại nuôi vẹm. Phải có kế hoạch đảm bảo quy mô và không phải vùng biển nào cũng lập trang trại nuôi vẹm. Cần nghiên cứu các khu vực phù hợp để chúng ta vừa có thực phẩm ngon sạch vừa hưởng lợi từ khả năng cân bằng sinh thái biển tự nhiên của loài này.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất