, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 16/03/2019, 11:55

Cái tình trong món quà quê

"Mang bánh bò lên nha Ánh!"

Mỗi lần nói với bạn rằng tôi về quê, bạn luôn nhắc câu đó. Nhiều khi tôi tự nghĩ, chẳng biết bánh bò quê tôi có gì mà sao ai cũng gửi?

Thời học đại học, mỗi đứa một quê nên cứ khi có dịp về nhà, ngày trở lại Sài Gòn, đứa sinh viên nào cũng mang theo “điều đặc biệt” của quê mình. Không đơn thuần là một thứ hay ho mà còn có cái tình tưởng chừng như gói gọn trong mấy cái bánh, cái kẹo bé xíu được gọi là “đặc sản quê hương”. Những lúc như thế, tôi chẳng biết gửi gì cho các bạn.

Tôi lớn lên ở Tân Châu, An Giang. Đồ ăn thức uống thì vô số nhưng nhìn lại chẳng món nào có thể mang đi xa rồi giới thiệu với bạn bè. Sau này tôi phát hiện, có những điều thân thuộc đến mức mình không nghĩ nó là đặc sản như cái cách người ta nghĩ về những điều xa vời mà tạm quên mấy thứ gần gũi. “Bánh bò Tân Châu” là một dạng như vậy.

Cái danh “bánh bò Tân Châu” nổi lên từ hồi nào, từ bao giờ và bằng cách nào tôi chưa bao giờ hình dung và nghĩ đến. Đến khi bạn bè, người xung quanh cứ hỏi tôi về “cái bánh bò ở quê em đó!”, tôi lại giật mình: “Ôi, sao mình quên mất nó vậy nè!”

Bánh bò Tân Châu
Bánh bò Tân Châu

Ở Tân Châu, người ta ăn nhiều loại bánh bò, bánh bò bông, bánh bò trắng (loại mà ở Sài Gòn hay ăn với bánh tiêu), bánh bò thốt nốt, bánh bò rễ tre,... và cũng nhiều loại tôi không biết gọi tên làm sao. Còn “bánh bò Tân Châu” mà mấy bạn hay nhắc là bánh bò rễ tre làm bằng đường thốt nốt, có nước cốt dừa ở trên. Người chỗ khác gọi là “bánh bò Tân Châu” còn người Tân Châu gọi đó là “bánh bò Út Dứt”, vì Út Dứt là tên cái xưởng làm loại bánh bò đặc sản duy nhất ở quê tôi.

Có lần sau Tết, tôi mang bánh bò cho các bạn vào buổi học trở lại đầu tiên. Lúc mở ổ bánh ra, bạn tôi đã nói nó to như “cái bánh sinh nhật”, nghe mắc cười ghê. Vậy chứ có hồi tôi cùng đám bạn ở quê đã hùn nhau mỗi đứa 10 ngàn để mua một cái bánh bò ăn chơi vào ngày sinh nhật một đứa nào đó. Cái bánh to đùng dậy mùi đường thốt nốt và nước cốt dừa, vừa mềm vừa thơm, vừa nhớ. Không làm sao mà tả được hết cái cảm giác “thèm bánh bò” mỗi lần ăn mẩu đầu tiên.

Về sau, tôi cứ hay gói mấy cái bánh bò lên Sài Gòn sau mỗi lần về quê. Có dạo, tôi đọc ở đâu đó, việc mang một cái cây từ nơi xa thật xa để tặng một ai đó không nhất thiết phải là cây gì mà quan trọng hơn hết là việc “bạn đã mang một cái cây toàn vẹn đến đây”.

Mỗi lần quyết tâm mang bánh bò lên cho các bạn tôi lại nghĩ đến đoạn đó. Vì không đơn giản chút nào. Khi nói với mẹ là đặt bánh bò cho con mang đi nha, mẹ tôi sẽ chạy đi liền để không thôi là cô bán bánh không nhận nữa. Chẳng bao giờ muốn ăn bánh bò Út Dứt mà bạn có thể chạy ra quán là mua được liền, lúc nào cũng phải báo trước, rồi sáng sớm ngày mai cũng phải tranh thủ chạy lên lấy về cho được bánh nóng. Vậy đó, cái ổ bánh sẽ vượt đoạn đường gần 300km và thêm vài vòng thành phố để đến với bạn của tôi.

Tôi không biết cái tên “Út Dứt” có từ bao giờ, cô thứ Út tên Dứt đó có còn làm bánh bò cho tôi không hay giờ đây đã là con, là cháu của cô. Tôi cũng chẳng hay từ bao giờ “bánh bò Út Dứt” trở thành “bánh bò Tân Châu” rồi đi khắp nơi ở Sài Gòn. Sau này, chắc vì sự nổi danh mà ở Sài Gòn cũng dễ tìm bánh bò Tân Châu, nhiều chỗ bán còn có dịch vụ giao tận nơi. Nhưng tôi vẫn cứ thích mang bánh từ quê lên để gửi người này người kia.

Mấy câu chuyện vụn vặt của đám sinh viên làm tôi thấy rằng thức quê quan trọng ở cái tình “để dành”. Cái cách chúng ta gửi nhau cái này, cái nọ rồi cùng nhau sẻ chia, thương mến biết bao nhiêu.

Nguyệt Ánh

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất