, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 30/07/2022, 13:30

Cảm ơn mẹ đã sinh ra con

THU HIỀN
Bà nội tôi thường kể lại rằng, khi tôi chào đời mới được mười ngày thì mẹ tôi qua đời. Hôm đó trời đổ mưa rất to, mặc dù đang mùa hạ.

Tôi lớn lên nhờ công lao chăm sóc của dì Tám. Hồi đó dì Tám là người giúp việc của gia đình tôi. Dì Tám là một người phụ nữ trẻ với một cái bớt to tướng màu xanh nằm ngay ở gương mặt. Dì thường bế tôi, nhìn tôi, cười dịu dàng, khe khẽ hát ru, giọng trong vắt, êm đềm như dòng sông:

Ầu ơ... ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo... gập ghình khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học.

Mẹ đi trường đời....

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Bà nội bảo rằng, lúc nhỏ tôi là một thằng bé rất đẹp nhưng không có nét nào giống mẹ mà tôi lại giống bố. Khi tôi bắt đầu bi bô tập nói. Khi cái miệng xinh xắn của tôi bập bẹ tiếng “bố bố" đầu tiên, bố tôi đã cảm động đến rơi nước mắt. Bà nội bảo, đó là công sức của dì Tám suốt một thời gian dài. Ngày nào dì Tám cũng kiên trì dạy tôi tập nói. Tôi rất quấn dì Tám, điều tôi thích nhất là được ngồi trong lòng nghe dì hát và cười khanh khách. Không khí trong nhà tôi ngày đó rất vui vẻ. Bà nội còn kể rằng, có lần dì Tám bị bố tôi đánh tới mức phải vào bệnh viện vì tội bao che cho việc tôi trốn dì đi tắm mưa đến mức lên cơn sốt. Tôi thường đòi dì kể chuyện cho nghe, có những câu chuyện không biết dì kể bao nhiêu lần nhưng tôi vẫn thích nghe. Có câu chuyện tôi bắt dì kể cả hàng vạn lần nhưng chả khi nào dì mắng tôi cả. 

Tôi lớn dần lên, cũng an yên và hạnh phúc bên dì Tám, bố và bà nội, được cả nhà thương yêu, được mọi người quý mến. Tôi sống và chơi theo ý mình, tuy thiếu thốn, khó khăn khi không có mẹ, nhưng cả nhà chưa để tôi thiệt thòi so với chúng bạn. Ngày mẹ rời xa tôi về với đất khi tôi còn nhỏ xíu, cứ mỗi chiều tan học, nhìn mấy bạn có mẹ đưa đón, tôi rất muốn gọi ai đó là mẹ. Cứ mỗi bận thấy bạn nào đó được mẹ đưa đi chơi khắp nơi, tôi luôn nghĩ về mẹ trên mọi hành trình hạnh phúc. Nhất là những buổi chiều mưa nép vào hàng rào nhìn qua cửa sổ nhà hàng xóm, thấy những đứa trẻ quây quần bên mâm cơm, là những lần quặn lòng mình nhớ mẹ. Những ngày mưa co ro trong cái chăn ấm, tự ôm lấy mình, tự tìm hơi ấm của mẹ để an ủi, để lớn lên như những đứa trẻ bình thường.

Khi tôi đã lớn hơn, có thể tự quan sát xung quanh, thì tôi đã có một thắc mắc là không hề thấy nhà ngoại ghé thăm, kể cả ngày đám giỗ mẹ. Tôi không có ông bà ngoại, cậu, dì như những đứa bạn cùng lứa. Bà nội bảo cả nhà ngoại đang định cư ở nước ngoài, vậy nhưng khi viếng thăm mộ mẹ, thấy hoa và đồ cúng, bà nội thầm thì:

Không ghé nhà thắp hương, chỉ ghé mộ…

Cuối cùng tôi cũng đã đi qua những ngày khốn cùng nhất, tôi có mẹ, tuy không được đàng hoàng là mẹ ruột, nhưng mẹ kế sống rất tử tế. Bố kết hôn với dì Tám. Bố tôi làm vậy là theo nguyện vọng của bà nội tôi, bà cảm thấy sức khỏe của mình mỗi ngày một yếu nên muốn nhận dì Tám là con dâu trước khi qua đời. Hôn lễ hết sức đơn giản, hai người dẫn nhau đi làm giấy đăng ký kết hôn, coi như thành vợ chồng. Không nhẫn cưới, không váy cưới, thậm chí không có cả tiệc cưới cho dù chỉ cần vài bàn mời nhà gái cũng không có. Dì Tám bảo tiết kiệm tiền để nuôi tôi ăn học. Nhưng bố lại bắt dì làm một mâm cỗ cúng và hai người cùng lạy trước bàn thờ mẹ tôi. Hôm đó trời cũng mưa rất to giữa mùa nắng hạ. 

Bây giờ dì Tám không còn thân phận là người giúp việc mà đã là vợ của bố tôi, là con dâu của bà nội tôi. Nhưng tất cả dường như không có gì thay đổi. Bố vẫn đi làm kiếm tiền. Dì Tám ở nhà làm việc nhà, chăm sóc bà nội và tôi. Bà nội mỗi ngày một già, còn tôi thì mỗi ngày một lớn.

Tôi chưa bao giờ thấy bố đưa dì Tám đi đâu cả. Hình như bên ngoài không ai biết dì Tám là vợ của bố tôi. Lúc đầu tôi cảm thấy thương, tội nghiệp cho dì nhưng về sau tôi nhận thấy cái bớt màu xanh bẩm sinh to tướng trên khuôn mặt của dì rất xấu xí, dì dường như chẳng có một chút tự tin, cả đời chỉ quen nghe lời, phục vụ người khác. Cho nên trong nhà chỉ thêm một tờ giấy đăng ký kết hôn, hai người vẫn ở hai phòng, người giúp việc vẫn tận tụy với đúng nhiệm vụ của mình.

Thấm thoắt tôi đậu vào trường trung học phổ thông chuyên có tiếng ở thành phố. Tôi mời một số bạn bè đến nhà tôi ăn mừng.

Một người bạn hỏi: 

- Mẹ cậu bị làm sao trên khuôn mặt thế ?.

Đột nhiên tôi đưa mắt nhìn dì. Tôi vì tính sĩ diện đã trả lời lại rằng:

- Không phải, người giúp việc đấy.

Tôi nhìn thấy dì Tám ngẩn người trong giây lát rồi lẳng lặng đi xuống bếp. Khi dì bê đồ ăn từ trong bếp đi ra thì cặp mắt đã đỏ hoe, phục vụ chúng tôi ăn uống, không dám nói gì, lại lẳng lặng lui về bếp dọn dẹp. Hôm đó dì giấu bố tặng tôi một cái điện thoại thông minh rất đắt tiền mà tôi hằng mơ ước. Để rồi một ngày đẹp trời bố tôi phát hiện việc tôi mải chơi game quên cả việc học, thế là cả tôi và dì lại lãnh đủ đòn roi của bố. Giận bố tôi bỏ nhà đi, dì lại đi tìm tôi giữa bầu trời nắng gắt của những ngày mùa hạ. 

Hôm bà nội tôi qua đời, bà đã cầm tay tôi rồi nói:

- Cháu của bà, con phải xem dì Tám như mẹ ruột của con, con phải hiếu thảo với dì và phải gọi dì bằng mẹ nghe con.

Bà nội nhìn bố tôi rồi nói:

- Con trai, mẹ xin lỗi vì đã gián tiếp gây ra cái chết của vợ con. Bao nhiêu năm qua mẹ chưa ngày nào được thanh thản…

Nói xong, bà nội nhắm mắt xuôi tay. Tôi không biết cái chuyện xin lỗi mà bà nội nói với bố là gì. Tôi chỉ thấy sau đám tang bà nội, bố đã say một trận ra trò. Trong cơn say mềm, bố cứ lảm nhảm một mình giữa cơn mưa mùa hạ. Sau khi xây mộ cho bà nội xong, bố gọi tôi lại rồi chậm rãi kể: Thực ra bi kịch đã nảy sinh ngay từ lúc đầu. Vợ của bố bị bệnh vô sinh, bà nội con lại cần cháu nối dõi, thấy cô giúp việc khỏe khoắn, nhanh nhẹn, nhân lúc vợ bố đi công tác nước ngoài, bà nội bí mật sắp đặt kế hoạch mượn người đẻ mướn. Khi vợ bố trở về trước thời hạn, vô tình bắt gặp con của bố và người đàn bà khác vừa chào đời. Trong lúc đau buồn tuyệt vọng, vợ bố đã bị tai nạn giao thông mà mất. Dì Tám là mẹ đẻ của con, dì đã chờ tiếng gọi mẹ của con suốt mười lăm năm nay rồi.

Tôi hét lên : Không ! không ! không ! Rồi đẩy cửa lao ra ngoài, sau lưng tôi là tiếng kêu khóc của dì Tám. Tôi chạy thục mạng giống như chưa bao giờ được chạy giữa cơn mưa mùa hạ. Tôi băng qua đường, một chiếc xe ô tô lao đến trong màn mưa, tôi chỉ nghe thấy tiếng gió rít và tiếng phanh chói tai. Dì Tám tưởng tôi muốn tự tử, đã lao ra cứu tôi, tôi tránh được còn dì nằm trong vũng máu giữa cơn mưa u ám.

Bác sỹ nói với tình trạng vết thương như vậy, dì có thể đã chết tại chỗ, nhưng dường như dì đang cố chống chọi bằng một nghị lực phi thường, dì đang ở trạng thái hôn mê kéo dài. Muốn cho dì Tám tỉnh lại thì cần phải trông đợi vào kỳ tích. Ngày nào tôi cũng đến bệnh viện, khóc thật nhiều, xoa bóp chân tay và nói chuyện với dì:

- Con xử sự nông nổi và thật đáng khinh. Con đã hoàn toàn quên rằng chính mẹ mới là người đã nuôi con khôn lớn không quản khó nhọc. Mẹ cũng có nỗi khổ của riêng mình nhưng chẳng đòi hỏi sự công bằng.

Hai giọt nước mắt chảy ra từ khóe mắt nhắm nghiền của mẹ, bác sỹ bảo như vậy là vẫn còn hy vọng. Vậy là hàng ngày tôi đều ở bên mẹ và ngâm nga khúc hát ru mà ngày xưa mẹ thường hát ru tôi ngủ :

Ầu ơ...ví dầu cầu ván đóng đinh / Cầu tre lắt lẻo... gập ghình khó đi / Khó đi mẹ dắt con đi / Con đi trường học / Mẹ đi trường đời...

Rồi tôi kể cho mẹ nghe chuyện trường lớp, bạn bè, chuyện khi tôi còn nhỏ và cả chuyện tôi đã không phải với mẹ suốt mười lăm năm qua…

Một năm sau, vào một ngày mưa giữa mùa hạ, mệt quá tôi đã ngủ thiếp đi bên cạnh mẹ. Trong cơn mơ màng tôi nghe thấy giọng nói của mẹ :

- Con trai của mẹ, mẹ rất hạnh phúc con yêu à!

Tôi choàng tỉnh dậy và nhìn thấy gương mặt sáng ngời với cái bớp to tướng màu xanh của mẹ đang nhìn tôi mỉm cười và không khí đầm ấm đã trở lại trong căn nhà nhỏ của gia đình tôi, cảm ơn mẹ đã sinh ra con…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất