, //, :: GTM+7

Cam Văn Chấn - cây trồng chủ lực ở miền núi

Huyện Văn Chấn là một trong những địa phương có diện tích đồi rừng nhiều nhất tỉnh Yên Bái. Vào đầu những năm 80, huyện văn chấn đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, loại bỏ dần diện tích cây trồng kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn quả.

Những vườn cam trĩu quả ở Văn Chấn
Những vườn cam trĩu quả ở Văn Chấn

Thực tế canh tác cho thấy, cây cam phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, đạt được hiệu quả kinh tế cao. Năm 2016, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Yên Bái, huyện Văn Chấn đã chọn cây cam để phát triển. Diện tích cam trồng mới không ngừng tăng lên và mỗi năm có tới hàng ngàn tấn cam được bán ra thị trường.

Chưa lúc nào cây cam ở huyện Văn Chấn lại được quan tâm như lúc này. Bởi cam là cây chủ lực không chỉ để xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu. Ở tổ dân phố 8, thị trấn Nông trường Trần Phú, nơi được coi là cái nôi của phong trào trồng cam, số hộ khá, giàu của tổ chiếm khoảng 70%, nhiều hộ có thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm từ cây cam.

Chính vì vậy, khi nghe tin ở thị trấn Nông trường Trần Phú - thủ phủ của cam Văn Chấn với hơn 565ha, tổng sản lượng ước đạt 4.000 tấn/năm, bị sâu bệnh thì ngay lập tức lãnh đạo Huyện ủy Văn Chấn đã đi kiểm tra thực tế nắm bắt tình hình, tập trung tìm giải pháp khắc phục.

Ông Đỗ Anh Thiện, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú cho biết cam được coi là cây trồng chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Cam Văn Chấn đa dạng về chủng loại, nhưng chủ yếu là cam sành, cam Vinh, cam V2, cam đường canh, cam chanh và quýt sen. Cam Văn Chấn có vỏ mỏng và đẹp, tỷ lệ xơ thấp, nhiều nước, ít hạt, mùi vị thơm ngọt.

Tuy nhiên, diện tích trồng cam chủ yếu trên đất của hộ gia đình khai phá và đất nông lâm trường trả lại. Do đó, người dân trồng nhiều giống cam trên một diện tích dẫn đến dễ bị sâu bệnh. Qua kiểm tra đánh giá, có 280ha có biểu hiện bị bệnh vàng lá, thối rễ và một số diện tích cây bị chết. Huyện Văn Chấn đã chỉ đạo diệt sâu bệnh theo qui trình VietGAP.

Chăm sóc vườn cam
Chăm sóc vườn cam

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Văn Chấn Nguyễn Văn Toản, để nâng cao giá trị, thương hiệu và sức cạnh tranh của sản phẩm cam trên thị trường, năm 2016, huyện Văn Chấn phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) xây dựng Quy hoạch phát triển vùng cam Văn Chấn giai đoạn 2016 - 2020. Theo quy hoạch này, huyện phấn đấu đến năm 2020 sẽ trồng mới 1.400ha, trồng tái canh 500ha, thâm canh 500ha, ứng dụng công nghệ tưới hiện đại 100ha, 2.000ha vườn sản xuất hàng hóa theo chuẩn VietGAP.

Qua đó đảm bảo chất lượng cam an toàn, quá trình sản xuất đòi hỏi hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã trao Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể “Cam Văn Chấn” cho huyện Văn Chấn.

Hiện nay, toàn huyện Văn Chấn có hơn 1.300ha cam, quýt, tập trung chủ yếu ở một số xã, thị trấn vùng ngoài như: Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La và thị trấn Nông trường Trần Phú. Với năng suất trung bình 12 - 15 tấn/ha, mỗi năm sản lượng cây ăn quả có múi của huyện đạt trên 8.000 tấn, giá trị sản xuất đạt 200 - 250 triệu đồng/ha, đảm bảo giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động địa phương, thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Giá trị cao và thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, cam được coi là một trong những cây trồng chủ lực trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Yên Bái.

Nguyễn Nhật Thanh

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất