_high.jpg)
Thực trạng khai thác cát toàn cầu
Cát là vật liệu ứng dụng trong rất nhiều ngành, từ xây dựng, sản xuất thủy tinh, cải tạo đất, nước cho đến sản xuất chip bán dẫn.
Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), con người khai thác 40- 50 tỷ tấn cát và sỏi mỗi năm, đủ để xây một bức tường cao 27m, rộng 27m xung quanh hành tinh này. So với 20 năm trước, lượng cát được sử dụng đã tăng 200%. Cát có thể tái tạo tự nhiên, nhưng với tốc độ sử dụng như trên thì cung không thể đủ cầu.
Mạng thông tin tổng hợp toàn cầu ước tính sản lượng khai thác cát tăng 4,9% trong năm ngoái (từ 42,2 tỷ tấn năm 2020 lên 44,3 tỷ tấn năm 2021). Tuy nhiên, sự thiếu quản lý đã tạo ra một lỗ đen lớn về thông tin thu mua và sử dụng cát. Liên Hợp Quốc cũng cho biết, những con số họ thống kê được chỉ là tổng hợp trên các số liệu công khai và có sẵn.
_high.jpg)
Củng cố thêm cho điều này, nhà vận động xã hội người Tây Ban Nha, Alex Gonzalez Davidson cho biết, mỗi năm ngành cát giao dịch khoảng 70 tỷ USD và trong đó có ít nhất 15 tỷ USD là đến từ các mỏ khai thác trái phép.
Khảo sát của tổ chức Freedonia cho hay, chỉ tính riêng năm 2016, tổng sản lượng cát khai thác cho nhu cầu xây dựng của thế giới là 13,7 tỷ tấn, 70% trong số này tiêu thụ ở châu Á, riêng Trung Quốc tiêu thụ gần 5 tỷ tấn.
Singapore và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) là những quốc gia nhập khẩu nhiều cát nhất trên thế giới. Trong vòng 4 thập niên, diện tích của Singapore đã tăng thêm 130km2 là nhờ dùng cát để lấn biển. Trong khi đó, UAE tiêu thụ tới 185 triệu m3 cát để xây dựng các đảo nhân tạo phục vụ du lịch.
Pascal Peduzzi, Giám đốc Cơ sở dữ liệu thông tin tài nguyên toàn cầu của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết: “Nếu toàn bộ sự phát triển của chúng ta phụ thuộc vào cát, thì nó nên được công nhận là vật liệu chiến lược. Chúng ta từng cho rằng cát ở khắp mọi nơi. Và chúng ta cũng chưa bao giờ nghĩ rằng thế giới sẽ cạn kiệt cát, nhưng ở một số nơi, điều này đã xảy ra”.
Những hệ lụy từ việc khai thác cát quá mức
Khai thác cát ở những nơi mà cát đóng vai trò tích cực như sông hồ, các hệ sinh thái ven biển và biển có thể dẫn đến xói mòn, nhiễm mặn các tầng chứa nước, mất khả năng bảo vệ chống lại nước dâng do bão và tác động đến đa dạng sinh học, gây ra mối đe dọa đối với sinh kế, nguồn cung nước, sản xuất lương thực, thủy sản hoặc ảnh hưởng ngành du lịch.
Bởi vì xuất khẩu cát sang Singapore quá mức mà 24 đảo cát của Indonesia đã biến mất và họ buộc phải cấm xuất khấu cát sang Singapore. Campuchia và Malaysia đã cấm xuất khẩu cát biển. Còn UAE phải nhập cát từ Úc vì nguồn cung cấp của họ đã cạn kiệt.
_high.jpg)
Giá giao dịch cát đã tăng gần 6 lần trong suốt 25 năm qua. Từ tháng 6/2022, 2 công ty sản xuất đĩa bán dẫn (có nguyên liệu từ cát) là ShinEtsu và SUMCO đã thông báo tăng giá bán với lý do giá cát liên tục tăng mạnh.
Tại Maroc, một nửa số cát mà nước này đang sử dụng vốn từ việc khai thác trái phép ở bờ biển. Hệ quả tất yếu là hiện tượng xói mòn xảy ra thường xuyên, trực tiếp ảnh hưởng đến ngành du lịch của Maroc. Các rạn san hô ở Kenya gần như giảm nhanh số lượng vì khai thác cát.
Không còn cát trên các bãi biển nên không còn gì ngăn chặn lũ. Cơn sóng thần xảy ra tại Sri Lanka vào năm 2004 đã phá hủy mọi thứ chính là phản hồi cho việc khai thác cát quá mức ở đảo quốc này. (còn tiếp)