, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 23/01/2023, 06:00

Căn nhà có Tết ở Aberdeen

THONG DONG
Tết năm nay sẽ chuẩn chỉnh hơn, vì chị mới sửa nhà theo kiểu Việt Nam…

Vừa nói, Hoàng Lan vừa di chuyển camera cho tôi xem qua từng góc nhà. Tường nhà vàng đậm. Những khung cửa nâu nhìn trời thoáng đãng. Một cây chuối được trồng ở góc phòng khách, một mảng phòng được trang trí bằng những cánh cửa lá sách, gợi về một mái nhà Việt kiểu cũ. Có điều, mái nhà này chỉ có một nhân tố thuần Việt, chính là nữ gia chủ Hoàng Lan. Căn nhà ở phía bắc Scotland, vị gia chủ còn lại là anh chồng người Pháp.

Những dáng nét rất Việt đó, là bước đầu tiên Hoàng Lan chuẩn bị để đón bạn bè đến ăn Tết Quý Mão 2023.

Sự “tái phạm” dễ thương

Sáu năm chuyển đến Scotland, Hoàng Lan đã 5 lần tổ chức Tết Việt ngay tại nhà mình để mời đón những người bạn năm châu. Tết Việt tại nhà Hoàng Lan luôn có hai phần. Phần một bắt đầu tầm một tuần trước Tết với màn quây quần gói và nấu bánh chưng dành riêng cho những gia đình gốc Việt hoặc Đông - Đông Nam Á. Phần hai là “ngày ăn Tết” rơi vào một trong ba ngày Tết âm lịch. Tại đó, Hoàng Lan mời bạn bè đến nhà để trải nghiệm một cái Tết mà mọi đứa trẻ đang thưởng thức tại Việt Nam: lì xì, ăn uống, mặc áo dài, hát hò, chơi bầu cua tôm cá… Phần này ưu tiên bạn bè năm châu, để giới thiệu Tết Việt đến những người khác biệt văn hóa.

Khách mời ở mỗi phần thường gồm chừng 4 - 5 gia đình, vừa đủ cho sự gần gũi, ấm cúng mà chị vẫn cảm giác được ở những cái Tết xưa. Và nhóm khách thì phải có mới có cũ như một sự giao hòa giữa năm cũ và năm mới. Dù là mới hay cũ ai ai cũng hào hứng với Tết quê mình. Gia chủ có quan điểm rõ ràng thế. Nhưng Tết 2023 đã là năm thứ 6, có nhiều khách vẫn chưa được mời và nằm trong “danh sách chờ” cho những năm kế tiếp. 

Đầu tháng 10/2022, tôi thấy Hoàng Lan nhắn hỏi bạn bè biết chỗ nào có áo dài Việt thật đặc trưng không. Biết Lan đã 6 năm, “chứng kiến online” 5 cái Tết Việt chị bày ra ở Scotland, tôi đọc tin nhắn mà giật mình… thấy Tết. Vội gọi cho Lan, tôi nghe chị hào hứng: “Chị mua áo dài để chuẩn bị cho sự kiện của năm”. 

Mong muốn mọi khách mời đều mặc trang phục truyền thống của Việt Nam, chị chuẩn bị áo dài cho tất cả khách mời. Năm nay, chị tìm áo dài gấm để bổ sung vào kho tàng áo dài lụa, áo dài vải sợi thêu tay ở nhà mình. Mỗi năm, những chiếc áo dài trong những ngày hội Tết ở căn nhà xứ Aberdeen ấy lại thêm màu sắc. Khách chơi Tết ở thành phố Aberdeen luôn “tình cờ” trải nghiệm nhiều phiên bản của trang phục Việt truyền thống, để thấy “aodai” là một di sản có thể biến hóa vào đời thường sinh động, đẹp đẽ đến dường nào…

Sự kiện của mọi người

Pierre, chồng của Hoàng Lan là một kỹ sư địa chất người Pháp. Anh biết đến Tết Nguyên Đán trong lần đầu tiên về ra mắt gia đình Hoàng Lan ở Việt Nam. Nhưng với anh, hấp dẫn nhất vẫn là một cái Tết bắt đầu từ những tháng cuối năm, khi anh cùng vợ lên kế hoạch, trang hoàng nhà cửa, rồi chứng kiến cô bận bịu chuẩn bị “hàng chục nguyên liệu” cho Tết.

Cả Pierre và hai con đều “cuồng” bánh chưng. Nói đến chiếc bánh rặt Việt này, Pierre nhắc ngay đến cái đêm anh cùng vợ con ngồi ở sân sau, dựng mấy cục gạch làm bếp rồi nhóm củi nấu bánh chưng giữa gió bão. Cuối năm 2021, Scotland có bão. Ngọn lửa đang cháy khỏe bỗng nghiêng ngả chực tắt, và cứ chực tắt suốt mấy tiếng đồng hồ khi cơn bão nhỏ quét qua. Cả nhà quần quật che chắn, và được một phen trải nghiệm nấu bếp củi giữa trời kiểu mùa mưa xứ Huế. Đêm đó, Pierre và các con được nghe Hoàng Lan kể về những mùa mưa ở Huế. Trời lạnh và ẩm ướt, củi thì ướt mem mà cơm vẫn phải nấu…

Theo Pierre, rất nhiều ký ức và tập quán của người Việt anh chỉ được biết khi cùng Hoàng Lan bày biện những cuộc “ăn Tết”. Trong vô số những niềm vui của Tết, anh có cảm tình đặc biệt với món bánh chưng, nhất là khi đã trải nghiệm những kỳ công để làm ra nó.

Ngày gói bánh chưng luôn kèm theo những bữa ăn thuần Việt. Đến ngày, 5 gia đình gốc Việt gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ con xúm xít bên những chiếc nia xếp sẵn nguyên liệu. Mỗi người Việt là một kinh nghiệm, phải rộn ràng tranh luận để thống nhất cách làm, rồi hướng dẫn các “khách mời” còn lại.

Thường, từ lúc bắt đầu cho đến lúc hoàn thành 30 - 40 chiếc bánh chưng là tầm… 10 tiếng. Gói xong, Hoàng Lan sẽ đảm nhiệm luôn việc nấu bánh và sau đó phân phát lại cho mỗi gia đình.

Theo góc nhìn của “ban tổ chức”, trẻ con là những khách mời háo hức và thích nghi nhanh nhất với Tết Việt. Vừa mở đầu với màn lì xì, bọn trẻ đã… sướng điên đảo. Năm nào Hoàng Lan cũng cho in bài “Tết Tết Tết Tết đến rồi” để phát cho bọn trẻ. Những đứa trẻ gốc Việt thì học thuộc ca từ, những em bé khác thì tập nhớ giai điệu. Giai điệu Tết quen thuộc này liền trở thành một màn “vỡ lòng tiếng Việt” vừa vui nhộn vừa hài hước, và căn nhà ở Aberdeen ngập tràn không khí Tết. Có cậu bé người Canada sau khi nhận lì xì đã gợi ý cho Mây và Kim (hai cô con gái của Hoàng Lan) rằng: “Năm nào các cậu cũng được ăn Tết, vậy các cậu có thể để dành tiền lì xì để mua nhà đó!”. Cả nhà cười ồ. Còn Mây và Kim thì đã nghiêm túc… lên kế hoạch mua nhà với tiền lì xì từ năm đó.

Ngày “ăn Tết” luôn diễn ra vào cuối tuần, và thường rơi vào mùng 2, mùng 3 Tết âm lịch. Tiệc “ăn Tết” trải dài từ sáng đến đêm, với màn lì xì, chúc tụng, ăn bánh mứt, ăn cỗ Tết, chơi bầu cua tôm cá và chuyện trò, hát hò. Hoàng Lan bắt đầu giới thiệu về phong tục “ăn Tết” của người Việt. Trong lý giải của Hoàng Lan, tùy nền văn hóa, Tết hoặc Giáng sinh là dịp sum họp gia đình quan trọng nhất năm, nhưng cái Tết của người Việt đặc biệt gắn nhiều với văn hóa ẩm thực. Những món ăn truyền thống trở thành phần quan trọng bậc nhất để mọi người mời nhau, và cũng khiến người ta quay quắt nhớ nếu phải rời xa cái Tết quê nhà… 

Phần giới thiệu ấy được “minh họa” lập tức bằng một bữa cơm Tết chuẩn Việt, được bày biện công phu với bánh chưng, đồ chua, canh măng, thịt đông, nem chả… Những người bạn Đài Loan, Hàn Quốc thường đem theo món ăn Tết truyền thống của nước họ để góp vào mâm Tết Nguyên Đán tại Aberdeen… 

Cuối năm 2022, tôi kết nối lần nữa với Hoàng Lan qua một cuộc gọi video để trao đổi công việc. Mùa này, hễ gọi cho Lan, tôi lại thấy Tết. Hình ảnh một người phụ nữ trẻ xa xứ nhưng cứ cuối năm lại “mưu toan” một cái Tết đúng điệu để tiếp đón bạn bè hay truyền cảm hứng cho tôi. Tôi từng nói “chưa thấy ai mê Tết như chị”. Nhưng khi điểm lại từng việc chị làm, từ việc chọn lọc và chuẩn bị áo dài, cho đến việc làm cỗ Tết, hay tổ chức những trò chơi dân gian - tôi nhận ra người đàn bà này chỉ đang mượn Tết để tỏ bày niềm tự hào về quê hương xứ sở.

Từng cái Tết chị tổ chức ở Aberdeen giống như một “private event” đầy công phu và tâm huyết về văn hóa Việt. Và vô tình, khách mời của người đàn bà Việt hiếu khách lại cộng hưởng với chị bằng sự cảm kích đầy thành tâm mà cũng thật kiểu cách theo văn hóa xứ họ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất