, //, :: GTM+7

Lâm Đồng: Cần quản lý hiệu quả công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn

NGUYỄN NGHĨA
(baolamdong.vn)
Trong những năm qua, được sự quan tâm, chú trọng của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Lâm Đồng trong công tác đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung nên nhiều hộ dân vùng nông thôn đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nước sạch góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt này thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế dẫn đến chưa phát huy được hết hiệu quả.
Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được xây dựng giúp người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ảnh: Hoàng My.

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 169 công trình, bao gồm 154 công trình giếng khoan và 15 công trình cấp nước tự chảy đã được đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc với tổng kinh phí đầu tư khoảng 95,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số hộ dân nông thôn được sử dụng nước từ các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn chỉ là 6.889/12.215 hộ, đạt 56,39% công suất thiết kế. Qua đó cho thấy hiệu quả sử dụng và mức độ bền vững của các công trình này là không cao và trên thực tế số công trình phát huy hiệu quả chỉ có 65/169 công trình, chiếm tỷ lệ 38,46%.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các công trình này hoạt động kém bền vững, chủ yếu do thu phí dịch vụ không đủ bù đắp phí vận hành, bảo trì; không có cán bộ quản lý, vận hành công trình. Trong khi đó, hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng đã lâu và đầu tư thiếu đồng bộ. 

Nhiều công trình không có thiết bị lọc nước hoặc hệ thống lọc nước lạc hậu qua thời gian sử dụng lâu dài đến nay nhiều công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp, ngưng hoạt động nhưng do nguồn kinh phí hạn chế nên các công trình chưa được nâng cấp, sửa chữa kịp thời dẫn đến ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Lực lượng làm công tác quản lý, vận hành các công trình này phần lớn chỉ qua các lớp tập huấn về quản lý, vận hành; không được đào tạo bài bản về chuyên môn kỹ thuật; chế độ làm việc lại kiêm nhiệm nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý vận hành.

Bên cạnh đó, việc thu tiền sử dụng nước của các hộ dân thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, thu không đủ bù chi nên nguồn kinh phí để chi trả cho lực lượng trực tiếp làm công tác quản lý, vận hành công trình cũng như kinh phí duy tu, sửa chữa các hư hỏng nhỏ rất hạn chế.

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi, vì vậy để cấp nước tự chảy đến các hộ dân thường phải chọn đầu nguồn nước tại các vị trí có địa hình cao, hiểm trở, đường ống dẫn nước về đến vị trí cấp nước do vậy rất dài, đi qua các vị trí có địa hình, địa chất phức tạp. 

Mặt khác, do nguồn nước ngày càng ô nhiễm vì vậy thiết bị xử lý nước đòi hỏi phải tốt, dẫn đến giá thành sửa chữa, xây dựng công trình cao trong khi kinh phí thì lại hạn hẹp, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung này hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu cũng là nguyên nhân các công trình không phát huy hiệu qủa lâu dài.

Ngoài ra, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hầu hết ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa khó khăn, ý thức của người dân trong việc sử dụng nước, bảo vệ các công trình cấp nước còn nhiều hạn chế.

Trong khi đó, công tác quản lý tại một số địa phương chưa được quan tâm thường xuyên, chưa chủ động bố trí nguồn kinh phí địa phương (nguồn ngân sách địa phương, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới được phân bổ hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác) để thực hiện công tác bảo trì, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung nông thôn.

Để các công trình cấp nước tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới UBND các huyện cần thực hiện việc chuyển giao các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng các huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành như chỉ đạo của UBND tỉnh; chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương, nguồn được phân cấp để thực hiện công tác bảo trì, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung nông thôn; tiếp tục quan tâm sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước sinh hoạt; thường xuyên đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. 

Đồng thời, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng và bảo vệ các công trình cấp nước tập trung. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất