, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 16/07/2022, 07:48

Cần tính toán về cái giá của sự không thay đổi

CẨM HÀ
“Ngoài kia gió đang thay đổi, chúng ta mượn sức gió để đi xa hơn, bay cao hơn, hay chấp nhận đứng im để ngọn gió xô ngã”?

Những vấn đề làm nóng nghị trường 

Mặc dù là người nêu ra những “câu hỏi khó” cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường kỳ họp thứ 3 vừa qua của Quốc hội, song với việc dẫn lại câu nói gây ấn tượng mạnh mẽ nêu trên của Bộ trưởng, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đánh giá cao và hoàn toàn đồng tình với tinh thần đổi mới được người đứng đầu ngành NN&PTNT khẳng định xuyên suốt. 

Tuy được đề nghị trả lời về hàng loạt vấn đề, từ định hướng phát triển đến giá cả của mớ rau, quả trứng, nhưng có hai khía cạnh quan trọng mà nữ ĐB Lưu Mai đề cập đến đã được Bộ trưởng Lê Minh Hoan giải trình thấu đáo và thuyết phục: quá trình đổi mới để hướng đến một nền nông nghiệp an toàn cho con người và tử tế với môi trường. 

Lấy ví dụ cụ thể về tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật ở nhiều nơi, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trăn trở: Với trách nhiệm chính “gánh vác” lương thực và thực phẩm, mục tiêu về sản lượng của Đồng bằng sông Cửu Long rất cao. Muốn tăng năng suất để tăng sản lượng phục vụ cho an ninh lương thực và xuất khẩu, người nông dân đồng bằng một thời đã dùng rất nhiều phân vô cơ. Hệ quả là đất chai lì, bạc màu, môi trường ô nhiễm. Sản phẩm nông nghiệp làm ra khó đảm bảo an toàn, không được các thị trường “khó tính” chấp nhận.

“Thay đổi tập quán không phải dễ. Yêu cầu cấp thiết đối với Đồng bằng sông Cửu Long là phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại sản xuất và vận động bà con vào hợp tác xã”, Bộ trưởng nói. 

Ông cho biết, với mô hình hợp tác xã, chúng ta có một cơ quan tài phán để thẩm định về giá cả, chất lượng và được tư vấn để giảm lệ thuộc, giảm dần và phối trộn giữa hữu cơ và vô cơ, giữa thuốc bảo vệ thực vật thông thường và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Trong một số mô hình ở Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang và Cà Mau, bà con đã tiết kiệm được 30-40% do giảm vật tư đầu vào và chuyển dần qua sử dụng sản phẩm hữu cơ. “Chúng tôi sẽ tổ chức liên tục những diễn đàn và sẽ mời cả những doanh nghiệp, những hiệp hội ngành hàng về phân, về thuốc để cùng với bà con thay đổi, dẫn dắt bà con thay đổi, kể cả những doanh nghiệp thu mua lúa gạo, chế biến để tiêu dùng nội địa hoặc xuất khẩu cũng phải là người cùng với bà con thay đổi”,
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết. 

Đúng là khi nào vẫn còn người mua những sản phẩm rẻ và… không chắc an toàn thì vẫn sẽ có người sản xuất theo cách cũ. Và cũng đúng là ngành nông nghiệp có đặc điểm liên ngành rất cao. Nói như vị Tư lệnh ngành Nông nghiệp, chiến lược thì từ trên xuống dưới mà tổ chức thực hiện thì từ dưới lên trên. Giá mớ rau, con cá không dễ điều hành bằng mệnh lệnh hành chính. Đó là chưa kể thu nhập, mức sống của người dân còn ở mức khiêm tốn. Tìm ra giải pháp được cả xã hội chấp nhận, để có được những sản phẩm an toàn với giá cả vừa túi tiền của nhiều tầng lớp khác nhau là nhiệm vụ không dễ dàng. 

Giá của sự không thay đổi

Và để có được như thế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, phải làm sao để giải được 3 “lời nguyền” của nông nghiệp Việt Nam - manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Ba đặc điểm khó hóa giải đó dẫn đến hệ lụy là không tổ chức được những ngành hàng. Vấn đề không phải chỉ là do chưa tích tụ được đất đai về tay một chủ sử dụng. 

Ở thời đại công nghiệp 4.0, người ta làm nông nghiệp cũng chưa chắc cần phải cầm trong tay giấy chủ quyền đất. (Chẳng phải là Uber và Grab không sở hữu một chiếc xe nào hết nhưng vẫn kinh doanh vận tải; hay Airbnb không đầu tư và sở hữu bất kỳ một khách sạn nào cả, nhưng vẫn kinh doanh lưu trú đấy sao?). 

Cốt lõi của vấn đề - như Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh - là dù đất đai có manh mún nhưng dứt khoát tư duy người nông dân không được “manh mún” mà phải dũng cảm, kiên trì cùng đi với doanh nghiệp. 

Lấy ví dụ ngành trái cây, Tư lệnh ngành Nông nghiệp trăn trở, thật ra trong thời gian vừa qua đã có rất nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến và đã rất thành công. Nhưng tính liên kết của nông dân ở các vùng nguyên liệu phải là điều kiện tiên quyết, vì nếu không có đủ số lượng nguyên liệu đầu vào với chất lượng đồng đều thì doanh nghiệp chế biến rất dễ gặp rủi ro thua lỗ, thậm chí phá sản... Trái vải đang vào mùa, nhưng mùa vải chỉ kéo dài 2 tháng. 10 tháng còn lại trong năm, với nhà xưởng đó, sẽ là loại nông sản gì? 

Giải được bài toán sản xuất sạch và nâng cao năng lực, hiệu suất chế biến thì cũng là giải được một phần quan trọng của bài toán quá lệ thuộc vào một thị trường xuất khẩu “gần”, dù rằng chưa phải tất cả. Đó là một câu chuyện dài khác. Câu chuyện của cách thức tiếp thị, bán hàng; của tập quán nuôi trồng, kinh doanh. Nhưng, đúng như Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nói: “Chúng ta hay ngần ngại trước cái giá của sự thay đổi, nhưng, đã đến lúc phải tính toán cẩn trọng về cái giá của sự không (chịu) thay đổi". 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất