, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 18/07/2022, 14:00

Cần tổ chức việc đọc sách ở nông thôn một cách thực chất và thường xuyên

NGUYỄN KHẮC PHÊ
Chúng ta vừa chứng kiến những ngày Hội Sách Việt Nam và văn hóa đọc rầm rộ, sôi nổi nhất so với 8 kỳ Hội sách trước đây. Đó là điều đáng mừng nhưng không đủ, bởi vì đọc sách chủ yếu là việc thầm lặng từng người, suốt từ ngày tháng này sang ngày tháng khác, chứ không phải là chuyện “hội hè”! Một năm vài ngày Hội sách chủ yếu chỉ để giúp các đơn vị bán sách và nhắc mọi người đừng quên sách; nhưng với “bệnh lười đọc sách” đã thành mãn tính, với cuộc sống bận rộn đủ điều hôm nay và gần như tất cả hễ có thời gian rỗi là … úp mặt vào màn hình điện thoại với ipad… thì mọi cố gắng trong vài ngày Hội sách, không khác chi hòn đá ném xuống ao bèo!

Tình trạng “lười đọc sách” là “bệnh” của hầu hết tầng lớp trong xã hội. Trang báo chính thống vov.vn ngày 09/02/2021 trong bài viết về “chứng lười đọc sách” ở Việt Nam so với các nước trong khu vực, dẫn con số đầu sách trung bình/người dân nước Malaysia là 12 cuốn; còn Việt Nam trung bình mỗi người đọc 1 cuốn sách/năm! Vậy tại sao lại bàn chuyện “tổ chức đọc sách ở nông thôn”? 

Không chỉ do bài viết dành cho Tạp chí “Nông thôn Việt” mà vì nông thôn vẫn là nơi dân cư chiếm số đông - trong đó học sinh tiểu học, trung học cơ sở, lớp người dễ tiếp nhận những điều tốt đẹp từ sách cũng đa số ở nông thôn - thế nhưng trong tiêu chí xây dựng Nông thôn mới - nếu tôi không nhầm - thì hình như chưa ai nhắc đến “chỉ tiêu” đọc sách cả! Mà lợi ích việc đọc sách thì có lẽ chẳng cần phải dẫn giải nhiều. 

Sách không chỉ cung cấp kiến thức phong phú mà còn giúp xây dựng tâm hồn và nhân cách. Có thể nói một cách giản dị: Một bàn tay quen cầm sách sẽ khó vung lên đấm vào mặt bạn hoặc thậm chí mang dao sát hại người thân như không ít vụ án đau lòng xảy ra vừa qua…

Nói cho công bằng, những năm gần đây, việc xây dựng thư viện có điều kiện phục vụ dân cư ở nông thôn - từ thư viện huyện đến tủ sách các dòng họ… - đã được chú trọng hơn trước, thậm chí có nơi thành “phong trào”. Loại “sách Nhà nước đặt hàng” để tặng cho các địa phương cũng không ít. Đó là những tín hiệu vui nhưng quan trọng hơn là số sách đó có bao nhiêu người đọc? 

Tôi đã từng dẫn số liệu điều tra do Tạp chí “Văn hóa Nghệ An” thực hiện mấy năm trước, xin miễn nhắc lại vì đó là những con số đáng buồn. Ngay một Tủ sách ở quê tôi có hàng ngàn đầu sách - một địa phương, một dòng họ có tiếng là “đất học”, sách chủ yếu nằm yên trong tủ! Bạn có thể làm cuộc điều tra hoặc thăm dò ở các địa phương và sẽ thấy tình trạng tương tự. Thế nên trang vov.vn mới đúc kết thành “chứng lười đọc sách”. Trước ngày “Sách Việt Nam” vừa rồi, tôi có dịp gặp Nguyễn Quang Thạch, người bạn trẻ (đồng hương) với tôi, đã có công lớn xây dựng thành phong trào tổ chức đưa sách về các dòng họ, các gia đình ở nông thôn, được một tổ chức quốc tế trao giải thưởng. Tuy vậy, khi tôi đặt vấn đề những tủ sách đó, thực chất có được bao nhiêu người đọc và làm sao để “kéo” bà con ở nông thôn, nhất là thanh thiếu nhi đến với sách, Thạch im lặng. Quả là không một cá nhân nào đủ khả năng giải được “bài toán” hóc búa này.

Vậy nên điều quan trọng hơn cả tổ chức Lễ hội Sách, in sách, đưa sách về nông thôn là cần phải làm gì để những cuốn sách thật sự có giá trị không nằm “chết” trong các tủ kính có khi rất đẹp đẽ, mà đến tận tay người đọc? Có thể tìm thấy câu trả lời từ bài học đưa cách mạng Việt Nam đến thành công: Đó là tuyên truyền - công việc hệ trọng đến mức Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chỉ đạo xây dựng đội quân vũ trang đầu tiên trước Cách mạng Tháng 8, đã quyết định đặt nó lên đầu: “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”!. 

Vấn đề là để đối phó có hiệu quả với “chứng lười đọc sách” đã thành bệnh kinh niên với nhiều lý do như đã viết ở trên, cách thức tuyên truyền phải rất cụ thể, tỉ mỉ và bền bỉ, đi liền với biện pháp tổ chức thích hợp với các đối tượng, chứ không chỉ là một vài ngày hội vui vẻ rộn ràng là xong! Và muốn tạo thành nếp quen đọc sách, việc “tuyên truyền” phải đưa vào chương trình hàng tháng trong một quy chế có tính gần như bắt buộc; mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng chúng ta từng hiểu sách là “món ăn tinh thần”, nên có thể ví như với trẻ lười ăn thì kéo ngồi vào bàn, buộc phải ăn hết bát cơm. 

Hẳn sẽ có bạn bảo nói: “Hữu xạ tự nhiên hương”; đọc sách là việc hứng thú cá nhân, sao lại “bày chuyện” kiểu quân sự hóa như thế! Xin thưa: “Hương” thơm ai cấm tỏa ra, nhưng bạn không “thấy” các em nhỏ và cả người lớn đều đang bị bao kín với một màng lưới dày đặc mà vô hình những sóng điện từ đó sao? Đến ăn cơm, cũng úp mặt vào điện thoại! Đó là chưa nói đến gánh nặng bài vở phải thuộc để đạt thứ hạng ngày một cao và hầu hết trẻ đều sống trong môi trường không có người lớn (bố mẹ, anh chị, thầy cô) nêu gương đọc sách.

Đến ăn cơm, cũng úp mặt vào điện thoại! Đó là chưa nói đến gánh nặng bài vở phả thuộc để đạt thứ hạng ngày mọt cao và hầu hết trẻ đều sống trong môi trường không có người lớn (bố mẹ, anh chị, thầy cô) nêu gương đọc sách.

Vì vậy, đối tượng trước hết trong “chiến dịch tuyên truyền” này phải là thanh thiếu niên, học sinh - lớp người là chủ nhân đất nước tương lai. Ngành giáo dục và các trường học cần đưa kế hoạch đọc sách ngoài chương trình vào lịch học hàng tháng với những hình thức sinh động. Ví dụ: Có thể chọn một danh mục sách hay hợp lứa tuổi, sau 1 - 2 tuần để các em chuyền nhau đọc, rồi tổ chức cuộc trao đổi… 

Nếu có điều kiện thì trao thưởng (có thể bằng sách) cho người có đóng góp nhiều. Các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Đội Thiếu niên, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… cho đến các dòng họ có tủ sách cũng có thể tổ chức tương tự và quan trọng là phải làm thường xuyên. Những ngày nghỉ hè là thời điểm rất thích hợp để khởi đầu công việc hữu ích và vui thú này…

Tôi nghĩ, nếu mọi người thật sự quan tâm thì có thể có những sáng kiến hay và có hiệu quả hơn nữa… Và như thế, những cuốn sách hay sẽ được mọi người ở trong tất cả các gia đình, dòng họ, lớp học… tìm đến suốt bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, chứ không chỉ được chú ý vào dịp Hội sách Việt Nam. 

Khi đó, hình ảnh Nông thôn mới không chỉ là “điện - đường - trường - trạm” hoàn chỉnh và sản vật phong phú mà còn là vẻ đẹp văn hóa thể hiện ở những con người nhân hậu, giàu lòng vị tha, giàu có tri thức nhờ đã tạo được thói quen làm bạn thường xuyên với những trang sách…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất