, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 03/05/2020, 09:03

Căng Bắc Mê - địa chỉ 'đỏ' bên dòng sông Gâm

Theo NGUYỄN CHIẾN (TTXVN)

Qua năm tháng, những dấu tích và nhiều hiện vật được lưu giữ ở Căng Bắc Mê trở thành một địa chỉ “đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

 

Di tích lịch sử Căng Bắc Mê.
Di tích lịch sử Căng Bắc Mê.

Bắc Mê là huyện miền núi nằm ở phía Đông của tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang khoảng 60 km. Bắc Mê theo tiếng địa phương là Pắc Mìa, có nghĩa là cửa ngòi. Đây là vùng đất có nhiều sông suối, trong đó dòng sông Gâm gắn liền với bao thế hệ người dân nơi đây, trở thành cội nguồn văn hóa. Đặc biệt hơn, nơi đây còn có Di tích lịch sử văn hóa Căng Bắc Mê, địa chỉ “đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng.

“Căng” là tiếng gọi địa phương được phiên âm từ tiếng Pháp “Camp” - nghĩa là “đồn binh, trại lính”. Những năm đầu thế kỷ XX, nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông nối 3 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Tuyên Quang, thực dân Pháp đã cho xây dựng Căng Bắc Mê trên sườn núi Rồng, bên dòng sông Gâm thuộc xã Yên Cường, huyện Bắc Mê (Hà Giang).

Trong thời gian từ năm 1939 đến 1942, thực dân Pháp đã sử dụng Căng Bắc Mê làm nơi giam tù chính trị, chúng đưa tù chính trị từ các nhà tù Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình lên giam giữ tại Căng Bắc Mê. Lúc đông nhất, số lượng tù chính trị bị giam tại đây lên tới gần 300 người, trong đó có các đồng chí: Trần Cung, Trần Các, Trần Hiệu, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Nguyên Hồng, Hoàng Bắc Dũng, Phan Bội (Hoàng Hữu Nam), Hoàng Vọng Bình, Lương Nhân, Hà Kế Tấn, Lê Giản… và một số nữ tù nhân chính trị như Nguyễn Thị Thoa, Trần Thị Khánh, Nguyễn Thị Sửu, Lê Thị Sói… Hiện nay, di ảnh của các đồng chí vẫn được trưng bày tại Di tích.

Mặc cho gông cùm khổ cực, khí hậu khắc nghiệt nhưng các tù nhân chính trị ở Căng Bắc Mê vẫn tìm cách vận động đấu tranh, đòi cải thiện chế độ sinh hoạt, dạy văn hóa, bồi dưỡng về tinh thần yêu nước và đấu tranh cách mạng. Cuối năm 1942, do lo sợ phong trào cách mạng đang lan rộng ở các tỉnh biên giới và sự ảnh hưởng từ cuộc đấu tranh của tù chính trị trong Căng với người dân xung quanh, thực dân Pháp đã giải tán Căng Bắc Mê, chuyển toàn bộ số tù chính trị đi các nhà tù khác.

Đến cuối năm 1945, Căng Bắc Mê được giải phóng cùng với thành công của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương.

Qua năm tháng, những dấu tích và nhiều hiện vật đã được chính quyền, nhân dân nơi đây lưu giữ, bảo tồn, trở thành địa chỉ “đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Năm 1992, Căng Bắc Mê được công nhận là “Di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia”.

Câu chuyện lịch sử về sự tận cùng khổ đau mà người dân Bắc Mê phải chịu đựng dưới thời thực dân, phong kiến trước Cách mạng tháng Tám đã lùi vào quá khứ. Những chứng tích phần nào tái hiện sinh động một chặng đường đấu tranh gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào của nhân dân Bắc Mê, quyết tâm giành chính quyền, độc lập tự do, từng bước xây dựng cuộc sống mới.

Ông Nông Thái Sơn, năm nay 61 tuổi, ở thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê cho biết, nhân dân xã Yên Cường nói riêng và huyện Bắc Mê nói chung rất tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương. 

“Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, công cuộc xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp. Nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, thu nhập của người dân ngày càng tăng, hộ nghèo giảm, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu”, ông Sơn chia sẻ.

Bắc Mê là huyện vùng sâu của tỉnh Hà Giang với diện tích tự nhiên hơn 85.600 ha, trong đó diện tích đất nông lâm nghiệp chiếm 93,8% tổng diện tích đất tự nhiên. Nông nghiệp, nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa được nâng lên, các vùng sản xuất được hình thành như: vùng trồng chuối tiêu xuất khẩu tại xã Yên Định với 350 ha, doanh thu hàng năm đạt trên 20,0 tỉ đồng; diện tích chè nguyên liệu hiện có hơn 460 ha, sản lượng búp tươi đạt trên 1051 tấn; vùng trồng Hồi xã Đường Âm với 350 ha; vùng trồng nghệ tập trung tại 39 thôn/9 xã, thị trấn, quy mô trồng hằng năm 170 - 190 ha… Diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi mới; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 1.052 tỉ đồng/năm.

Bà Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết, thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-HĐND ngày 20/12/2019 của Hội đồng nhân dân huyện Bắc Mê về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2020, UBND huyện Bắc Mê đã xây dựng kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch và tăng cường liên kết quảng bá du lịch trong năm 2020, nhằm tối ưu hóa lợi thế của huyện, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Nhằm giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn nâng cao chất lượng cuộc sống, những năm qua, huyện Bắc Mê đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo nhiều giải pháp. Giai đoạn 2016 - 2020, chính sách giảm nghèo đã có nhiều thay đổi theo hướng toàn diện, bền vững hơn. Việc đo lường nghèo chuyển từ đơn chiều (đo lường về thu nhập) sang đo lường đa chiều. Đây là cơ sở tương đối đầy đủ để các cấp xây dựng, có chính sách, phương án phù hợp trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời để thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo, hướng đến giảm nghèo bền vững. Nhờ triển khai nhiều giải pháp nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn ước giảm xuống còn 25,89% vào cuối năm 2020, giảm 12,84% so với năm 2015.

Theo NGUYỄN CHIẾN (TTXVN)

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Thnam Chmay diễn ra từ 13-16/4.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất