, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 03/12/2021, 09:39

Cảnh báo hiện tượng dị thường ở Bắc Cực có tác động toàn cầu

BẢO CHÂU
(laodong.vn)
Bắc Cực sẽ sớm chứng kiến mưa nhiều hơn tuyết, đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu.
Mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn ở Bắc Cực khiến cho băng tan và thúc đẩy nóng lên toàn cầu. Ảnh: GT

USA Today đưa tin, vào đầu tháng 8, lần đầu tiên trong lịch sử ghi chép của con người ghi nhận có mưa rơi trên đỉnh băng của Greenland, Bắc Cực.

Phần lớn Greenland được coi là một phần của vùng Bắc Cực, cùng với một số vùng phía bắc Alaska, Canada và Nga.

Được biết đến với nhiệt độ lạnh giá, trung bình âm 40 độ C vào mùa đông, tuyết rơi khá thường xuyên. Vườn quốc gia và khu bảo tồn Cổng Bắc Cực ở miền bắc Alaska ghi nhận tuyết rơi ít nhất 8 tháng mỗi năm và từng có thời điểm tuyết rơi ít nhất 1 lần mỗi tháng. Nhưng nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications hôm 30.11 chỉ ra, phần lớn khu vực sẽ hứng chịu lượng mưa nhiều hơn tuyết trong tương lai.

Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế trước đây từng kết luận rằng khu vực này cuối cùng sẽ có nhiều mưa hơn, nhưng sẽ chỉ bắt đầu vào khoảng năm 2090. Phân tích mới đã đẩy mốc thời gian này lên sớm hơn, vào khoảng năm 2050 ở một số khu vực. 

Lý do cho việc mưa nhiều hơn là hiện tượng băng tan. Khi băng biển tan chảy hoặc vỡ ra, nước biển dưới tác động của nhiệt độ toàn cầu tăng cao sẽ bốc hơi nhiều hơn, dẫn đến mưa rơi. Khi đỉnh băng Greenland gặp mưa vào đầu năm nay, nhiệt độ đã cao trên mức đóng băng trong suốt hơn 9 giờ - xảy ra lần thứ 3 kể từ năm 2012.

Theo Michelle McCrystall, trưởng nhóm nghiên cứu và là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Manitoba ở Winnipeg lưu ý, hiện tượng mưa nhiều hơn có khả năng xảy ra nhanh hơn và sớm hơn nhiều so với dự kiến trước đó đồng nghĩa với việc các tác động của nó cũng đến sớm hơn tương ứng.

NASA cho biết, tảng băng Greenland rộng khoảng 1,7 triệu km vuông, và nếu nó tan chảy hoàn toàn mực nước biển toàn cầu sẽ tăng khoảng 7m và Trái đất sẽ quay chậm lại đủ để làm cho thời gian một ngày dài hơn hai mili giây. Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây cho thấy băng tan sẽ làm mực nước biển cao hơn gần 0,3m vào cuối thế kỷ này.

Theo ông Mark Serreze, đồng tác giả của nghiên cứu và là Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia, động vật hoang dã và người địa phương có thể không thích ứng được với những thay đổi nhanh chóng nhưng sự tác động thậm chí còn vươn xa tới phần còn lại của thế giới.

Trong khi tác giả chính của nghiên cứu Michelle McCrystall cho biết: “Lượng mưa nhiều hơn và ít tuyết hơn cũng có thể dẫn đến việc tan chảy nhiều băng vĩnh cửu hơn, dẫn đến sự gia tăng CO2 và các khí nhà kính khác giải phóng vào bầu khí quyển, từ đó gây ra hiệu ứng nhà kính và làm Trái đất nóng lên"

Vào tháng 8,  Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã công bố báo cáo "mã màu đỏ cho nhân loại" về biến đổi khí hậu và lưu ý rằng Trái đất sẽ chứng kiến ​​nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C. Nhóm nghiên cứu của McCrystall cho rằng nếu con người có thể giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng 1,5 độ C, thì những thay đổi có thể được ngăn chặn. Nhưng nếu điều này kéo dài, nó có thể dẫn đến những hậu quả toàn cầu rất nghiêm trọng. Do đó, cần phải có nhiều hành động khẩn cấp hơn để hạn chế điều này càng nhanh càng tốt.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất