, //, :: GTM+7

Cấp bách đầu tư con giống

HUỲNH TRỌNG
(phunuonline.com.vn)
Nhiều người nuôi cá tra lâu năm ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp cho biết, trước đây, khi nuôi cá tra, tỉ lệ hao hụt khoảng 5 - 10% là thấy lo rồi. Nhưng càng về sau, nhất là vài năm gần đây, tỉ lệ hao hụt khi nuôi cá tra xuất khẩu tăng lên 20 - 30%, thậm chí cao hơn nếu gặp thời tiết xấu.

Một trong những nguyên nhân khiến cá chết dần trong quá trình nuôi là do chất lượng nguồn cá giống chưa tốt. Tỉ lệ hao hụt nhiều, cộng với giá thức ăn tăng sẽ đẩy chi phí giá thành sản xuất lên cao.

Các chuyên gia kiểm tra đàn cá tra bố mẹ ở một đơn vị nuôi cá tra tại tỉnh An Giang.

Theo thống kê của Chi cục Thú y vùng VII thuộc Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2021, có 501ha nuôi cá tra bị thiệt hại, chủ yếu do dịch bệnh, xảy ra ở 32 xã của 13 huyện, thuộc 4 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, ĐBSCL có trên 300ha nuôi cá tra bị thiệt hại, chủ yếu do dịch bệnh mà con giống là một trong những yếu tố liên quan.

Hiện cả nước có hơn 103 cơ sở sản xuất giống cá tra và 1.913 cơ sở ương dưỡng giống cá tra đang hoạt động, sản lượng 7 tháng đầu năm 2022 là khoảng 15,9 tỉ con cá tra bột và trên 2,2 tỉ con cá tra giống, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Theo Chi cục Thú y vùng VII, việc bố trí kinh phí cho sản xuất con giống còn thấp, gây khó khăn cho khâu phòng, chống dịch bệnh; nhân lực làm công tác thú y thủy sản tuyến xã, huyện còn thiếu. Ngoài ra, việc xây dựng chuỗi sản xuất cá tra giống an toàn chưa được quan tâm.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL. Bộ cũng đã phê duyệt dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống cá tra tập trung ở tỉnh An Giang với diện tích 350ha, năng lực sản xuất 900 triệu con cá tra giống cỡ 20 - 25 con/kg và dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp sản xuất giống cá tra tập trung ứng dụng công nghệ cao ở TP Cần Thơ. 

Ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp - cho hay, sở khuyến khích các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi thương phẩm nhỏ lẻ liên kết hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tạo ra số lượng cá giống lớn, đồng nhất về chất lượng. Sở cũng sẽ từng bước thay thế đàn cá bố mẹ của địa phương bằng đàn cá tra được chọn giống kỹ lưỡng, có ưu thế tăng trưởng nhanh, tỉ lệ thịt cao, có khả năng kháng bệnh tốt.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang - cũng cho hay, sở sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển mô hình giống cá tra 3 cấp, tiến tới đưa tỉnh An Giang thành trung tâm sản xuất giống cá tra của vùng ĐBSCL. Mục tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2022-2025 là xây dựng vùng sản xuất giống cá tra khoảng 1.000ha, cung cấp khoảng 70 - 90% nhu cầu giống cá tra cho tỉnh An Giang và các tỉnh lân cận. 

Hiện nay, việc sản xuất con giống cá tra cho lợi nhuận thấp, rủi ro cao nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp và người dân tham gia. Do vậy, cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này bởi đây là yếu tố quan trọng của ngành cá tra.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất