, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 17/03/2021, 08:37

Câu chuyện chuyên nghiệp hóa của một làng nghề

ANH PHƯƠNG

Khi chúng tôi đến thăm, vườn ươm mây của gia đình anh Phạm Ngọc Tấn, giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Dũng Tấn, đang mơn mởn xanh. Hạt mây được ươm gieo từ tháng 4, tháng 7 đã nảy mầm. Giờ, cây con đã cao một gang tay, lá xoè như những chiếc lá cọ bé xíu…

Những cuộn mây đan thành phẩm được xếp thành dãy.
Những cuộn mây đan thành phẩm được xếp thành dãy.

Những bầu cây xinh xắn ấy đã sẵn sàng để có thể xuất bán với giá 15 triệu đồng cho 1 vạn cây giống. Nỗ lực kết nối với nơi cung cấp nguyên liệu thông qua việc cung cấp giống mây, hướng dẫn chăm sóc, thu hoạch, sơ chế…, anh Tấn đã góp phần tạo ra một “nghề” mới, thêm việc làm và thu nhập cho người dân xã Thượng Hiền (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).

Cha truyền con nối

Những tấm mây dài trắng ngà buông xuống từ tầng 2 của ngôi nhà khang trang đung đưa nhè nhẹ trong nắng, chờ khô nỏ. Ngoài sân gạch đỏ, những cuộn mây đan thành phẩm được xếp thành dãy, mỗi cuộn là 15m mặt mây. Anh Tấn vắng nhà, song chúng tôi được mẹ của anh - bà Nguyễn Thị Tình - vui vẻ tiếp chuyện. Bà chính là người đã chung tay cùng chồng là ông Phạm Ngọc Dũng - bố đẻ anh Tấn - gây dựng nên Doanh nghiệp tư nhân Dũng Tấn.

Bà cho biết: “Ở đây chúng tôi chỉ kiểm hàng, chỉnh sửa, hoàn thiện khâu cuối, còn sản phẩm thì hầu hết là do người dân nhận về làm ở nhà, tranh thủ lúc rỗi rãi nông nhàn. Đan mây không nặng nhọc, ai cũng làm được, kể cả người già, trẻ con. Người nhanh tay, thạo việc có thể đạt thu nhập 5- 6 triệu đồng/người/tháng, người trung bình thì khoảng 3 - 4 triệu đồng”.

Sinh thời, ông Phạm Ngọc Dũng là một nghệ nhân tài khéo nổi tiếng của làng. Doanh nghiệp Dũng Tấn từng được tặng Huy chương vàng và chứng nhận danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Bản thân ông là một thương binh thời chống Mỹ, có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Thái Bình.

Luôn ấp ủ mong muốn truyền nghề cho các con, ông Dũng đã toại nguyện khi Phạm Ngọc Tấn - con trai thứ 4 trong số 5 người con đều đã trưởng thành của ông, đồng ý trở về quê nhà kế nghiệp gia đình. Tấn tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh, với kiến thức được đào tạo bài bản, lại thêm được bố trực tiếp cầm tay chỉ việc 2 năm nên nay dù bố đã qua đời, anh Tấn vẫn vững vàng trong việc quản lý doanh nghiệp, phát triển kinh doanh.

Nghề đan mây đã tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân xã Thượng Hiền (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).
Nghề đan mây đã tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân xã Thượng Hiền (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).

Để chủ động được nguồn nguyên liệu ổn định cho nghề mây phát triển bền vững, cách đây nhiều năm, ông Phạm Ngọc Dũng đã bắt đầu sản xuất cây mây giống và phối hợp với ngành nông nghiệp các tỉnh miền núi tổ chức cung ứng cho bà con trồng, khai thác và bao tiêu sản phẩm nguyên liệu. Tấn tiếp tục hướng đi này. Nắm vững “công nghệ” sản xuất giống mây, anh thừa thắng mở rộng sang sản xuất thêm nhiều loại cây giống, cây cảnh khác, trong đó có nhiều giống cây quý hiếm, cho thu nhập cao.

Đất trăm nghề

Xã Thượng Hiền nằm giữa huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, một huyện có nhiều làng nghề nổi tiếng được cả nước biết đến như làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (trên 600 năm tuổi); làng nghề mắm cáy, mắm rươi Hồng Tiến; dệt đũi Nam Cao, dệt thảm len Vũ Trung; chế biến cói ở Hòa Bình, Quang Lịch; làm móc lưỡi câu ở Tây Sơn, Nam Bình... Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kiến Xương, cho biết, qua khảo sát, đánh giá các làng nghề, hiện nay toàn huyện chỉ còn 22 làng nghề giữ vững các tiêu chí, 15 làng nghề khác đang mai một hoặc không còn là nghề chính. Đáng mừng, làng nghề mây tre đan Thượng Hiền nằm trong số đang phát triển, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Theo các bậc cao niên, nghề đan mây đã có ở Thượng Hiền khoảng hơn 200 năm. Làng hiện đang có hơn 1.200 hộ sản xuất với 2.400 lao động, chiếm khoảng 72% số lao động của địa phương. Ngoài sự nỗ lực, năng động của bản thân mỗi doanh nghiệp và người dân làm nghề, một trong những lý do khiến làng nghề Thượng Hiền vẫn phát triển tốt là nhờ có sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương. Nguồn kinh phí khuyến công, khuyến thương của tỉnh và huyện đã được xã Thượng Hiền sử dụng khá hiệu quả để tổ chức truyền nghề cho lao động.

Các doanh nghiệp, hộ sản xuất cũng được tạo điều kiện tối đa để vay vốn ưu đãi mở rộng nhà xưởng, nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… cũng như tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại nhằm quảng bá thương hiệu và sản phẩm tới người tiêu dùng, các đối tác trong và ngoài nước.

Một vài năm trở lại đây, giá trị sản xuất từ làng nghề Thượng Hiền hàng năm đạt khoảng 80 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm có phần khó khăn hơn những năm trước, song mỗi tháng làng nghề cũng xuất ra thị trường hàng chục nghìn mét vuông sản phẩm tấm mây đan.

Sự tồn tại, phát triển và cách làm của cha con người cựu binh Phạm Ngọc Dũng - Phạm Ngọc Tấn tại làng đan mây Thượng Hiền lại cho thấy một tín hiệu mới trong xu thế phục hồi và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống, đó là đã có sự phân công lao động chuyên nghiệp, bắt đầu từ công đoạn cung ứng nguyên liệu (kiểu như tấm mây đan của Thượng Hiền) cho sản xuất thủ công trên quy mô là làng nghề này cung ứng nguyên liệu cho một làng nghề khác làm ra sản phẩm hoàn thiện chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi một làng nghề làm từ A đến Z tất cả các công đoạn của một sản phẩm như xưa nữa.

Vườn ươm mây của gia đình anh Phạm Ngọc Tấn.
Vườn ươm mây của gia đình anh Phạm Ngọc Tấn.

Nghe có vẻ trái khoáy khi nói chuyện chuyên nghiệp hóa ở làng nghề, bởi sẽ có người cho rằng đã sản xuất thủ công thì không thể chuyên nghiệp hóa. Thật ra, chuyên nghiêp hóa ở đây chỉ trong lĩnh vực “phân công” lại lao động trong từng công đoạn sản xuất. Và việc phân công lại từng công đoạn sản xuất này không diễn ra ở từng người hay từng hộ gia đình trong cùng 1 làng hay một thôn xóm mà diễn ra giữa làng nghề này với làng nghề khác, tức làng nghề thủ công này sản xuất ra nguyên liệu (thay vì mỗi làng 1 sản phẩm hoàn chỉnh) cho một làng khác. Kiểu như Thượng Hiền chỉ làm ra tấm mây đan cho làng nghề Tân Uyên ở Bình Dương đóng tủ, ghế, bàn mây thủ công vậy.

Với sự phân công lao động theo hướng này, chúng ta có thể thúc đẩy việc hình thành các làng nghề mới trong tương lai và tạo điều kiện để các làng nghề truyền thống có thể phục hồi sản xuất trong điều kiện ít lao động và hạn chế chi phí mà vẫn đảm bảo tính thủ công truyền thống của sản phẩm.

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm



Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất