, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 15/03/2021, 08:31

Câu chuyện giá trị

LÊ MINH HOAN - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Một chuyên gia thương mại quốc tế có hơn năm mươi năm làm việc với các tập đoàn đa quốc gia, tiếp xúc đa dạng với các phong tục, tập quán, văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới, đúc rút rằng: “Không có dân tộc nào làm nhanh bằng người Việt mình”! 

Làm nhanh, làm cho xong việc, làm cho rồi việc nhưng “bỏ quên” những yêu cầu quan trọng về chất lượng, hiệu quả, tính tối ưu. Vị chuyên gia cho rằng đó là tư duy “làm cho xong”, “làm cho rồi”. Phải chăng cũng từ tư duy đó mà nông nghiệp mình trước giờ đa phần là bán nông sản thô, “bán cho xong”, “bán cho rồi” và thiếu tính toán dài hơi, xa hơn cho mùa tới, vụ tới?

Cũng có người nói vui, tại vì người mình bao đời quen thuộc với thực phẩm tươi sống và quan niệm “tươi sống” mới giữ trọn hương vị thơm ngon. Đúng là khi nông sản chưa nhiều thì bán như vậy cho tiện. Mà thật ra, không bán tươi thì cũng khó lòng bảo quản, chế biến. Ngày xưa hàng hóa không nhiều, cuộc sống chầm chậm trôi, con người có đủ thời gian chọn lựa, mua về dùng ngay cho thức ăn còn đủ mùi vị. Ngày nay, nhịp sống hối hả hơn, thời gian dường như gấp gáp hơn, người ta bị công việc cuốn đi nên thường thích những sản phẩm đáp ứng yêu cầu nhanh gọn lẹ khi sử dụng. Vậy là nông sản chế biến ra đời, nào chai nào lọ, nào túi nào hộp, nào nước nào khô. Một bộ phận người tiêu dùng chọn sử dụng nông sản đã được chế biến để khỏi mất công nào cắt nào gọt, nào xẻ nào ép, rồi còn phải xử lý phần rác bỏ đi...

Sản phẩm chế biến rõ ràng mang lại tiện lợi cho người tiêu dùng. Trong nhà cũng dùng được, trong phòng làm việc cũng dùng được, cần đi đâu, di chuyển bằng bất cứ phương tiện gì cũng chỉ cần để sản phẩm vào túi xách, ba lô, vali là có thể dùng ngay khi cần. Nông sản qua chế biến còn có thể được tách bỏ những chất không có lợi và bổ sung những dược chất thiết yếu có tác dụng bồi bổ sức khoẻ. Vậy là nhất cử lưỡng tiện, mà coi bộ còn văn minh, đẳng cấp nữa!

Một khi suy nghĩ đến cách chế biến thì người ta tha hồ mà sáng tạo ra hàng trăm sản phẩm từ một loại nguyên liệu nào đó. Từ hoa quả, có thể là nước ép, có thể là mật, có thể là thạch, có thể là mứt. Cũng có thể là kẹo, có thể là bánh. Ngay cả những thứ thường không dùng được khi ăn tươi, như vỏ, như hạt cũng có thể chế biến ra những sản phẩm độc đáo. Giá trị gia tăng mang lại khó có thể được hình dung, lượng hóa hết, bởi tùy thuộc vào sự sáng tạo, khéo léo, và hơn hết, là đam mê của mỗi người tạo ra sản phẩm. Khi suy nghĩ đến việc chế biến, người ta còn có thể pha trộn nhiều loại nông sản với nhau để tạo ra nhiều mặt hàng độc đáo khác nhau. Khi đó, màu sắc phong phú hơn, mùi vị hòa quyện thơm ngon hơn, đáp ứng nhiều sở thích, lứa tuổi và túi tiền khác nhau.

Ngày nay, người ta quan niệm không chỉ bán sản phẩm bằng “giá cả” mà bán bằng cái cao hơn là “giá trị”. Nói theo thuật ngữ chuyên môn, người ta không bán một “hàng hóa” mà bán một “sản phẩm”. Giá trị của sản phẩm kết tinh từ giá cả hàng hóa cộng với sức mạnh công nghệ và sự sáng tạo của con người. Giá trị sản phẩm nghĩa là khách hàng mua sản phẩm vì họ thấy yêu thích một giá trị nào đó mà chỉ có sản phẩm này mới mang đến được. Nói cách khác, người ta không đơn thuần mua sản phẩm mà cảm nhận những giá trị, trải nghiệm những tiện ích mà sản phẩm mang lại cho họ.

Trong chuỗi giá trị một ngành hàng được minh họa bằng mô hình “đường cong nụ cười” thì bán “hàng hóa thô” nằm ở điểm mang lại giá trị thấp nhất. Phần có giá trị cao hơn là “sản phẩm”, sau đó là cung ứng “dịch vụ” kèm theo và phần mang lại giá trị cao nhất là mang đến “sự trải nghiệm”. Để tạo ra giá trị gia tăng cao, người ta còn chăm chút thiết kế mẫu mã bắt mắt, xây dựng thương hiệu uy tín, nghiên cứu, cải tiến liên tục, tạo nhiều kênh tiếp thị, cách thức phân phối đa dạng. Đó là những điều mà khi bán hàng hóa thô, thường không chú ý đến hoặc khó tạo ra giá trị gia tăng đột biến.

Nông sản, một khi còn là hàng hóa, đều có đặc điểm là mau hư hỏng. Một khi người ta mua một món hàng mà biết sẽ có một tỉ lệ hao hụt thì chắc chắn họ sẽ mua giá thấp xuống để trừ đi phần chênh lệch đó. Đó chính là điểm nghẽn khi bán nông sản thô vì thường phải vận chuyển dài ngày. Một khi nông sản được chế biến sẽ bảo đảm để thời gian sử dụng lâu hơn, chi phí vận chuyển thấp hơn, vì đã khấu trừ những phần hao hụt bỏ đi.

Tuy nhiên, đúng là không phải tất cả mọi người tiêu dùng đều sử dụng nông sản chế biến. Vẫn có một bộ phận ưa chuộng thực phẩm tươi sống. Vậy là phải đa dạng hóa cách bán nông sản. Loại nào bán tươi, loại nào bảo quản. Loại nào sơ chế, loại nào tinh chế. Có sản phẩm chế biến tinh do doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy, phân xưởng, dây duyền, kho bãi. Có sản phẩm chế biến do doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, thậm chí hộ gia đình thực hiện. Có sản phẩm mới đầu chỉ gói gọn trong làng này, xã kia, sau mở rộng dần đến các vùng lân cận.

Mỗi sản phẩm vừa tạo ra giá trị gia tăng, vừa tạo thêm nhiều công ăn việc làm. Rộn ràng làng quê, người người trở về khởi sự lập nghiệp ở làng quê. Một hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp ra đời. Tư duy kinh tế đồng hành với tư duy sản xuất. Nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp chia sẻ, nông nghiệp số, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn được khởi tạo. Thu nhập người nông dân không còn đong đo bằng năng suất, sản lượng mà bằng những giá trị tiềm ẩn được khơi dậy. Một quỹ đạo mới được mở ra, giới thiệu một đội ngũ nông dân thông minh định hình nền nông nghiệp thông minh.

Đặc điểm thời đại ngày nay là có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng lựa chọn. Ai là người tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo đi kèm theo câu chuyện giàu cảm xúc, người đó sẽ thành công, giàu có. Ai chỉ biết “bán cho xong”, “bán cho rồi” thì sẽ tụt lại. Một nền kinh tế cũng vậy, và ngành nông nghiệp càng là như vậy!

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất