, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 16/07/2019, 08:12

Câu chuyện làng Las Gaviota: Tái sinh rừng mưa từ đồng cỏ khô cằn

THU HIỀN

Vào thời điểm lệnh cấm vận dầu mỏ của OPEC gây ra tình trạng thiếu năng lượng trên toàn thế giới, Paolo Lugari (nhà nghiên cứu người Tây Ban Nha) đã không ngừng suy nghĩ về ý tưởng xây dựng một ngôi làng phát triển năng lượng tái tạo. Ông đã hiện thực hóa ý tưởng đó vào năm 1970 khi cùng cộng sự xây dựng một ngôi làng mang tên Las Gaviotas ở tỉnh Vichada, Tây Ban Nha.

Như một phép màu, ông đã biến ngôi làng từ một đồng cỏ khô cằn trở thành rừng mưa trù phú và phát triển mạnh về năng lượng tái tạo.

 

Paolo Lugari (nhà nghiên cứu người Tây Ban Nha)
Paolo Lugari (nhà nghiên cứu người Tây Ban Nha)

Rừng mưa mọc lên từ thảo nguyên cằn cỗi

Khu vực làng Las Gaviotas là vùng thảo nguyên nằm trong vành đai xích đạo, nơi có chỉ số bức xạ mặt trời cao nhất và năng suất sinh học thấp nhất. Ở đây, mặt trời thiêu đốt suốt mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4, làm cây cối gần như trơ trụi hoàn toàn. Những tháng còn lại của năm là mùa mưa, lượng mưa lớn gây ngập nghiêm trọng trong khu vực. Với khí hậu này, rừng cây chỉ có thể tồn tại dọc theo những dòng suối cố định chảy qua thảo nguyên. Đây thực sự đã từng là một vùng đất hoàn toàn vô giá trị, đất chua, độ pH trong đất thấp và nước không uống được.

Cho đến những năm 1980, khi Paolo Lugari khám phá ra mối quan hệ cộng sinh giữa nấm rễ (mycorrhizal fungi) và thông Caribe (Pinus caribaea), ông đã không chỉ giúp bảo đảm sự sinh tồn của 92% cây giống mà còn thay đổi cả những thuộc tính của vùng đất này.

Cụ thể, những cây thông Caribe tạo ra một khoảng râm mát riêng biệt, bảo vệ đất và rễ cây khỏi tia tử ngoại của mặt trời. Mặc dù nhiệt độ cao khiến lá thông rụng thành một tấm thảm dày dưới gốc, nhưng nhờ nấm nuôi dưỡng, cây thông vẫn phát triển. Thảm lá thông sau đó phân hủy thành phân hữu cơ, đồng thời trở thành lớp phủ giảm nhiệt độ và giữ ẩm cho đất.

Nếu nước mưa rơi xuống đất nóng, nước không thể thấm qua bề mặt sẽ cuốn trôi đất và có thể gây ra xói mòn. Nhưng khi đất mát, nước mưa có khả năng thấm, tạo môi trường giữ ẩm và nuôi dưỡng hạt giống mới. Khi nhiệt độ mặt đất thấp thì hơi nước trong mây dễ ngưng tụ thành mưa. Trong những năm qua, các cây thông đã biến thành một chiếc ô râm mát cho các loài thực vật và động vật khác phát triển mạnh, tạo cơ hội cho sự bùng nổ đa dạng sinh học trong khu vực, hệ thực vật trở nên đông đúc bởi sự tái sinh của các loài bản địa. Theo thống kê, trong số trên 250 loài cây nhiệt đới phát triển tại đây, có tới 90% là cây bản địa vùng Amazon.

Giờ đây, trong thiên đàng mới của Las Gaviotas, một khu rừng đa dạng sinh học đang hiện hữu với lượng nước mưa dồi dào, nấm và cây cối phát triển tốt nhờ sống cộng sinh một cách hài hòa. Vùng thảo nguyên khô cằn, nước uống kém chất lượng và đất quá chua ngày xưa, giờ đã tái sinh thành một rừng mưa với đất đai màu mỡ.

Vận hành theo chu trình khép kín

Áp dụng các định luật vật lý, hóa học để tái sử dụng nguồn năng lượng, ngôi làng Las Gaviotas đã được vận hành theo một chu trình khép kín, đảm bảo sự tồn tại bền vững của khu rừng mà không cần sự hỗ trợ bên ngoài.

Xử lý nhựa thông đã trở thành một trong những hoạt động kinh tế quan trọng đối với cộng đồng nơi đây. Rừng thông Las Gaviotas sản xuất nhựa nhiều gấp đôi so với bất kỳ khu rừng khai thác nhựa nào trên thế giới. Las Gaviotas có nhà máy sinh học riêng để xử lý nhựa thông mà không sử dụng bất kỳ hóa chất nào, và nguồn điện cung cấp cho nhà máy này là từ động cơ hơi nước chạy bằng gỗ lấy từ những nhánh thông được tỉa thưa để tối đa hóa sự phát triển của rừng.

Sự hiện diện của rừng đã làm thay đổi khí hậu địa phương bằng cách tạo thêm 10% lượng mưa, nhiệt độ không khí mát hơn một cách có hệ thống và lượng mưa cục bộ được gia tăng. Hơn nữa, sinh khối ngày càng phong phú, nền đất có khả năng lọc nước hiệu quả hơn nên các giếng dưới rừng hiện mang lại nước uống có độ tinh khiết cao nhất. Nước trở thành tài sản chung được phân phối miễn phí, lượng nước dư thừa được bán cho người giàu ở Bogota với số tiền tương đương giá một chai nước nhập khẩu San Pellegrino hay Evian.

Paolo Lugari tập hợp một nhóm các kỹ sư, sinh viên, người bản địa để cùng nhau nghiên cứu và thực hiện các ứng dụng thực tế từ nguồn năng lượng tự nhiên. Nhóm này đã sáng chế cối xay gió không đuôi hoạt động kép có thể thu năng lượng từ những cơn gió thoáng qua, máy bơm tay thủ công có thể lấy nước từ độ sâu lớn hơn nhiều so với máy bơm thông thường, cho phép người dùng tiếp cận nguồn nước ngay cả trong mùa khô. Một nghiên cứu khác không kém phần hiệu quả là máy chưng cất nước bằng năng lượng mặt trời để lấy nước tinh khiết cho các trường hợp khẩn cấp về y tế và ắc-quy xe, cũng như các bếp dầu nóng chạy bằng năng lượng mặt trời.

Kể từ khi thành lập, Trung tâm Las Gaviotas đã nghiên cứu thành công một số phát minh về năng lượng tái tạo và sau đó được ứng dụng hàng loạt tại các thành phố, quốc gia khác, tạo ra thặng dư kinh tế để tiếp tục nghiên cứu những dự án bền vững mới.

 

 

Lan rộng mô hình

Las Gaviotas có khoảng 50 gia đình cư trú, tổng cộng khoảng 200 người và hiện làng còn hỗ trợ khoảng 200 lao động nhập cư, những lao động này được hưởng ít nhất là gấp đôi mức lương tối thiểu của quốc gia (khoảng 200USD/tháng) và được hưởng chế độ y tế, xã hội và lương hưu. Ngoài cung cấp lợi ích trực tiếp cho 200 lao động, có hơn 3.000 người cũng đã nhận được lợi ích gián tiếp từ mô hình Las Gaviotas. Trong những năm qua, khoảng 500 trẻ em trong làng và các khu vực xung quanh đã theo học tại trường học của Las Gaviotas. Cư dân trưởng thành xoay vòng giữa các công việc khác nhau trong làng, từ xây dựng, trồng trọt, làm vườn đến nấu ăn. Toàn bộ dự án được coi là một không gian giáo dục thay thế thông thường.

Mục tiêu của Paolo Lugari là giúp nhiều người được sống trong các ngôi làng bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường trong sự hòa hợp sản xuất với thiên nhiên. Tại khu rừng tái sinh này, sự cô lập carbon được ước tính là 18 tấn/ha, do đó rừng đã cô lập khoảng 50 triệu tấn carbon mỗi năm trong chu kỳ tăng trưởng 50 năm của mình, bù đắp khoảng một phần tư toàn bộ lượng khí nhà kính của Tây Ban Nha thải ra môi trường trong thời gian đó.

Để hỗ trợ dự án, Không quân Tây Ban Nha đã cung cấp một địa điểm mới để phát triển mô hình học theo sáng kiến của làng Gaviotas. Tên của nơi này là “Marandúa”, theo tiếng địa phương có nghĩa là "người mang tin tốt". Vùng đất này thuộc khu bảo tồn quân sự với diện tích hơn 70.000ha. Trên cơ sở phân tích thị trường mới nổi của công ty tài chính JP Morgan (có trụ sở tại Mỹ), ông William B. Harrision Jr - chủ tịch công ty đã ủng hộ việc mở rộng diện tích làng từ 8.000ha lên thành 20.000ha bằng cách đứng ra kêu gọi một gói đầu tư trị giá 300 triệu USD.

Mô hình đa dạng sinh học Las Gaviotas đã truyền cảm hứng cho sự phát triển toàn diện trong sự hài hòa của khoảng 250 triệu héc-ta sinh thái tương tự không chỉ ở Nam Mỹ mà còn ở Châu Phi, Châu Úc và Châu Á. Hy vọng trong tương lai, khi có thêm nhiều khu vực phát triển mô hình học theo làng Las Gaviotas, chúng ta có thể đạt được một nền nông nghiệp thực sự bền vững.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất