, //, :: GTM+7

Câu chuyện từ cây vải tổ

VĂN PHÚC HẬU

Ở giữa xứ Đông, có một cây vải đã tồn tại suốt 200 năm. Điều kỳ lạ ở chỗ, từ cây vải này, người ta đã chiết cành và nhân giống ra hàng triệu triệu cây vải đời con đời cháu, giúp hàng ngàn hộ nông dân miền Bắc mở mang kinh tế, làm giàu.

 

Cây vải tổ hơn 200 năm tuổi ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyên Thanh Hà, Hải Dương. Ảnh tư liêu.
Cây vải tổ hơn 200 năm tuổi ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyên Thanh Hà, Hải Dương. Ảnh tư liêu.

Cơ duyên đưa vải về Thanh Hà

Ngay ở TP Hải Dương, hỏi thăm đường về nơi có cây vải tổ ở làng Thúy Lâm hầu như ai cũng biết, dù làng cách đó 20km. Từ thị trấn Thanh Hà xuôi xã Thanh Sơn, có cảm giác như đang đi giữa rừng cây của miệt vườn Nam bộ. Có vẻ như tất cả ruộng vườn ở đây đều đã chuyển đổi từ lúa sang vải. Vải trong vườn nhà lẫn ngoài đồng ruộng, xòa cả ra đường cái.

Cách đây gần 20 năm, tôi đã có dịp về thăm cây vải tổ Thanh Hà. Lúc đó, tôi đã được nghe cụ Hoàng Văn Thu, cháu đời thứ 5 của người trồng cây vải tổ, kể lại lịch sử của cây vải tổ với niềm tự hào vô bờ bến về tổ tiên mình. Cụ cho biết, cây vải tổ đã vào khoảng 200 năm tuổi. Người có công đưa cây vải thiều này về Thanh Hà là cụ Hoàng Văn Cơm (tên tự Phúc Thành), sinh năm Mậu Thân 1848. Lúc đó vào năm 1870, khi cụ Cơm mới khoảng 22 tuổi, một lần xuống Hải Phòng, trong mâm tiệc của một người Hoa Kiều, cụ được ăn một loại trái ngon. Hỏi ra mới biết, đó là loại trái được hái từ vùng đất Triều Châu - Trung Quốc đưa sang (có lẽ vì vậy nên đọc trại thành vải thiều). Cụ Hoàng Văn Cơm đã mang ba hạt về ươm thử ngay trong vườn nhà. Cả ba hạt đều nảy mầm, nhưng cụ chỉ giữ lại cây cho trái thơm ngon nhất. Sau đó, cụ Hoàng Văn Cơm đã chiết ra làm 7 cành để tặng bạn bè. Nhờ vậy, cây vải lần lượt được nhân rộng ra toàn xã, rồi cả huyện Thanh Hà - Hải Dương. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, một người dân ở Thanh Hà khi đi kinh tế mới, lên vùng Lục Ngạn - Bắc Giang, đã mang theo giống vải Thanh Hà để trồng thử. Nào ngờ sau vài chục năm, cây vải thiều đã mở rộng ra toàn bộ huyện Lục Ngạn, rồi nhiều huyện khác của tỉnh Bắc Giang và bây giờ là nhiều địa phương khác.

Tuy cây vải tổ ở Thanh Hà được gieo từ hạt, nhưng sau này người ta chủ yếu nhân giống bằng cách chiết ghép cành. Điều thú vị là mặc dù đã được nhân rộng ra khắp miền Bắc, nhưng cây vải thiều Thanh Hà vẫn cho trái thơm ngon hơn hẳn nhiều vùng đất khác. Có thể phân biệt vải trồng ở Lục Ngạn với vải Thanh Hà qua quan sát cái gai của vải. Vải Lục Ngạn có gai ở vỏ, trong khi vải Thanh Hà nhẵn hơn, hạt nhỏ mà cùi thơm và khô ráo. Ở các vùng đất khác, trái vải có vị hơi chát chát chứ không ngọt mát như trái vải ở Thanh Hà. Như có duyên tiền định, cây vải thiều từ tận xứ người đã được trời đất hộ trì để tìm về đúng nơi tốt lành nhất mà sinh sôi, đậu trái và biểu lộ đúng sự thơm quý của nó.

 

Ông Hoàng Văn Lượng, đời thứ 6, hiên là trưởng họ Hoàng, người được tổ tiên dòng họ giao nhiêm vụ trưc tiếp trông nom và chăm sóc cây vải tổ ngay trong khuôn viên của gia đình.
Ông Hoàng Văn Lượng, đời thứ 6, hiên là trưởng họ Hoàng, người được tổ tiên dòng họ giao nhiêm vụ trưc tiếp trông nom và chăm sóc cây vải tổ ngay trong khuôn viên của gia đình.

Vải tổ được gắn bia bảo tồn

Cụ Hoàng Văn Thu vừa mới mất năm 2016. Giờ đến lượt ông Hoàng Văn Lượng, 63 tuổi, là con trai đầu của cụ Thu, tiếp tục thay mặt dòng họ trông giữ, chăm sóc cây vải tổ. Mời tôi chén trà ngay dưới tán vải đang bói quả chờ chín, xung quanh ngổn ngang công trình xây dựng, ông Lượng cho biết đầu năm 2016, Nhà nước đã trao bằng xác lập kỷ lục cho cây vải tổ Thanh Hà và gắn biển là “cây di sản”. Trước đó, từ năm 1992, Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam đã công nhận cây vải Thanh Hà được trồng ngay trong khuôn viên của gia đình ông là cây vải thiều có tuổi cao nhất Việt Nam hiện nay.

Sau khi được công nhận cây di sản, Nhà nước đã lập dự án cải tạo lại toàn bộ khuôn viên 2.000m2 có cây vải tổ mà hiện gia đình ông Hoàng Văn Lượng trông giữ, như một địa chỉ tham quan du lịch và bảo tồn. Ngôi nhà thờ tổ nằm ở phía trước sẽ được di dời về phía sau cây vải tổ để tạo điều kiện cho cây mở tán. Cái ao trước nhà thì được bo kè vuông vắn để tạo không gian sinh thái hài hòa. Bên kia ao là khu nhà đón tiếp khách được xây theo lối nhà bức bàn Bắc bộ. Dự kiến khánh thành vào khoảng cuối năm 2017. Phía trước cây vải tổ hiện có 4 cây vải cổ thụ khác. Trong đó có một cây là đời thứ 2, ông Lượng cho biết khoảng 180 năm tuổi. Ba cây còn lại là đời thứ ba được nhân giống từ cây đời thứ hai. Dẫn tôi đi thăm từng cây vải, ông Lượng cho biết vào mùa vải chín, xe ô tô của khách đỗ dài cả một cây số rưỡi. “Ở bên Trung Quốc cũng có vải thiều, nhưng nhiều khách Trung Quốc đến tham quan, ăn thử vải khẳng định: “Vải Thanh Hà ngon hơn vải của Trung Quốc rất nhiều!”.

 

Ngôi từ đường, nơi đang thờ cụ tổ Hoàng Văn Cơm, người đã có công tìm kiếm giống và ươm trồng cây vải hơn 200 năm tuổi hiên đang được nhà nước đầu tư bảo tồn.
Ngôi từ đường, nơi đang thờ cụ tổ Hoàng Văn Cơm, người đã có công tìm kiếm giống và ươm trồng cây vải hơn 200 năm tuổi hiên đang được nhà nước đầu tư bảo tồn.

Không chỉ được giao trọng trách trông giữ và bảo vệ cây vải tổ như một báu vật quốc gia, từ nhiều năm qua, ông Lượng và những người trong gia đình còn được rất nhiều đơn vị, các hội làm vườn, chủ trang trại mời về địa phương của họ để chia sẻ cách trồng và chăm sóc vải thiều, cách xử lý nếu có sâu bệnh. Tại thôn Thúy Lâm, ông Lượng đã chuyển đổi hơn một mẫu lúa (3.600m2) sang ươm vải giống để cung ứng cho bà con khắp mọi miền. Năm trước, ông được một khu du lịch biển nổi tiếng ở Cam Ranh - Nha Trang mời vào để triển khai dự án trồng 1.000 cây vải thiều làm cảnh quan và bóng mát. Ông Lượng bảo: “Nhiều đời gắn bó với cây vải tổ, tôi có bí quyết gia truyền về cách chăm sóc và xử lý các sự cố liên quan đến vải”. Hồi bao cấp, gia đình ông đã chở cả tàu cây giống theo sông Thái Bình ra bán cho các nông trường Bình Khê, Ba Chẽ, Tiên Yên ở tỉnh Quảng Ninh. Nhưng sau nhiều năm, cây vải do nông trường trồng vẫn không có trái. Thấy vậy, ông rủ bạn ra đấu thầu mua lại cả nông trường vải. Theo ông, vì nơi đây nằm gần biển nên có nhiều mưa, hoa không thụ phấn, ông dùng kỹ thuật xử lý chủ yếu là rung cây cho giảm bớt nước mưa đọng để hoa không mốc, ong bướm có thể thụ phấn cho hoa, nhờ vậy mà tăng tỉ lệ đậu trái. Vào mùa thu hoạch, từ cách đây vài chục năm, ông Lượng đã biết áp dụng mô hình dựng lò sấy vải, sau đó thuê ô tô chở ngược từ Quảng Ninh sang cửa khẩu Tân Thanh để xuất sang Trung Quốc. “Hồi đó còn tiêu tiền xu nhưng chúng tôi đã thu bạc tỷ. Người Trung Quốc rất thích ăn vải, mà vải sấy khô của Trung Quốc có vị chua còn vải Việt Nam thì thơm ngọt mát. Vì thế, nhiều lái buôn Trung Quốc còn chở cả vải của Trung Quốc ra trộn với vải Việt Nam rồi đưa sâu vào thị trường Trung Quốc bán giá cao”.

Nghĩ cách vươn ra thế giới

Từ cây vải cổ thụ này, nhiều chục năm qua, đã có hàng ngàn gia đình ở khắp các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang, Lạng Sơn… chăm lo được học hành cho con cái, vươn lên giàu có. Đã xuất hiện nhiều chủ trang trại vải, nhiều người đã trở thành chủ doanh nghiệp nhờ buôn bán, sơ chế vải thiều… Nhưng hiện việc phát triển cây vải thiều ở Việt Nam vẫn hoàn toàn tự phát. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cơ quan được giao trách nhiệm quản lý hoạt động kiểm dịch và xuất khẩu trái cây của Bộ NN&PTNT cho biết, tiềm năng của vải thiều ở miền Bắc cũng như xoài ở miền Nam, thanh long ở miền Trung còn rất lớn. Đối với trái vải thiều, hiện nay chúng ta vẫn chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, dù được các thị trường khó tính như Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đánh giá rất cao. Điều đáng mừng là hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã đàm phán thành công việc xuất khẩu vải thiều sang Australia và sắp tới là thị trường Mỹ. Nhưng để thực sự khai thác được các thị trường khổng lồ này, chúng ta phải có một chiến lược bài bản và dài hạn hơn nữa cho các loại trái cây đặc sản.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương, các miệt vườn, vựa cây trái trong cả nước đang lập nên những kỷ lục mà trước đây ít ai ngờ tới, khi năm 2016 kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam đã đạt tới 2,1 tỷ USD và vượt qua cả dầu thô, lúa gạo. Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam trong năm 2017 có thể đạt tới 2,5-2,6 tỷ USD. Điều này minh chứng cho tiềm năng và thế mạnh của việc ngành hàng sản xuất trái cây rau củ của Việt Nam không chỉ mang ngoại tệ cho đất nước mà còn thực sự là giải pháp để giúp nông dân đổi đời.

VĂN PHÚC HẬU

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất