, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 01/12/2022, 09:30

Câu chuyện từ Đồng 41

TƯỜNG LAM
Ký ức đau thương lắm khi hiện về vò xé, như thêm cơn chòi đạp vào nỗi khao khát của vùng đất nghèo, rằng biết bao giờ mà ngủ dậy, không thể tin được có cây cầu bắt nối nhịp Đông - Tây đang đằm dưới chân mình. Nếu giấc mơ đó có thật, cũng có nghĩa họ đã không bị lãng quên..
Nông thôn xã Tân Bình.

Ác mộng và quanh quẩn 

Thi thoảng, cơn ác mộng 55 năm trước lại hiện về khiến bà Du Thị Đông, nạn nhân cuộc thảm sát của lính Nam Triều Tiên năm 1967 tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, kinh hoàng.

***

“Lúc đó, tôi chỉ mới là đứa nhỏ 8 tuổi - bà kể - Tôi nghe tiếng máy bay rất gần trên mái nhà. Chưa kịp định thần, đã thấy quân lính nhảy dù tràn xuống sân. Gia đình tôi có tám người và một người chị mang thai còn ngơ ngác chưa kịp phản ứng đã lãnh trọn những phát đạn. Chúng bắn từng người bất kể già trẻ, cứ thấy người ở đâu chúng bắn càn ở đó, rồi thản nhiên bỏ đi.

Đứa cháu nhỏ đang vừa chạy vừa gào “Ngoại ơi ngoại”, sau tiếng súng thì nó nằm bất động ngay cửa. Mẹ tôi bị bắn liên tiếp mấy phát ngã gục xuống đìa, hai tay bà vẫn ôm chặt một bên con, một bên cháu. Tôi bị bắn một phát vào chân, một phát vào tay, nhưng may mắn sống sót. Rồi tôi được người dân băng bó vết thương và đưa qua Tiền Giang điều trị. Từ lúc đó, tôi bị chứng “sợ người”, gặp ai tôi cũng chạy trốn. Đến bây giờ, tiếng súng và hình ảnh những người thân ngã xuống với máu me tung tóe vẫn ám ảnh trong nhiều giấc ngủ của mình”. 

Cơn ác mộng của bà Du Thị Đông là một phần trong trận càn quét của giặc Mỹ và lính Nam Triều Tiên vào xã Hậu Mỹ (nay là xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), và một phần xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh vào ngày 19/6/1967. Cuộc càn quét đau thương này đã gây ra cái chết của 41 người dân vô tội. Lịch sử sẽ mãi lưu dấu tại Đồng 41, cánh đồng nơi những người dân vô tội bị tàn sát, nay thuộc ấp Tây, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.

Trồng lúa ở xã Tân Bình.

Có một điều như là “từ khóa” mặc định ở những vùng hôm qua là tọa độ của chết chóc, thì hôm nay là bi kịch trên phận người như trò chơi của tạo hóa, chưa dừng lại. Hết đạn bom, bà Đông về quê cũ, đắp đất dựng nhà. Chỗ ở thì có, nhưng hạnh phúc thì không. Vợ chồng chia tay, hai đứa con thì tai nạn mất một. Nhìn bà cứ cười nói, nhưng đôi mắt như đặc quánh sự cam chịu. Nỗi đau của cô bé côi cút, tàn tật sống sót sau vụ thảm sát; nỗi nhọc nhằn bươn bả kiếm miếng ăn nơi đồng khô cỏ cháy, nỗi buồn đổ vỡ hôn nhân…, sao giấu được.

Cái nghèo đâu chỉ riêng bà mà là cả những hộ gia đình thuộc xã Tân Hòa. Bám cây lúa cũng đói, nên thấy người ta nuôi cá tra bột có lời, nhiều người cũng đào ao nuôi cá. Cá bán không đủ thu hồi vốn, người ta lại lấp ao trồng lúa. Khi thấy giá mít Thái lên đến 25.000 - 30.000 đồng/kg, bà con lại ồ ạt trồng mít. Đến khi giá mít Thái liên tục giảm mạnh chỉ còn 2.500 - 3.000 đồng/kg, thì người ta lại than thở: “Cây mít Thái đang đi theo con cá tra”…

“Xã có hơn 620 hộ gia đình, đa phần vẫn sống trong điều kiện khó khăn. Những gia đình còn ruộng thì làm ruộng, gia đình nào chạy theo trào lưu nuôi cá, trồng mít, trồng thanh long thì nay cũng không còn ruộng mà làm”, ông Thanh Sang, Phó Chủ tịch xã Tân Hoà nói. 

Còn bà Đông, ác mộng năm xưa như cối xay gió cứ ù ù trong tai. Bế tắc, con người hay tìm về kỷ niệm và tự san sẻ với chính mình, ngõ hầu như để nhớ lại và quên cơn đau của hiện tại, Vì thế bốn năm trước, khi hiến tặng 2/3 diện tích đất ở của mình để tỉnh xây tượng đài tưởng niệm 41 người dân bị thảm sát trong trận càn ấy, bà được tặng một căn nhà tình thương để có chỗ che nắng che mưa.

Trong ánh mắt tự hào, bà Đông nói: “Việc hiến đất xây dựng bia tưởng niệm để cho con cháu nhớ về một sự kiện đau thương trong lịch sử quê nhà. Nhà tôi ở ngay bên cạnh, nên ngày nào tôi với các con cũng qua thắp nhang, lau dọn vệ sinh ở bia tưởng niệm này”. 

Thị trấn Tân Thạnh xưa.

Giấc mơ gần nửa thế kỷ

47 năm rồi, lửa chiến chinh đã dứt, nhưng những người như bà Đông vẫn ao ước một điều quá nhỏ nhoi mà không biết đến lúc lìa đời, liệu có được không: “Tôi mong ước tô cái tường và lát cái nền nhà cho đàng hoàng, sáng sủa. Gia đình còn mấy công ruộng, thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng, cũng chỉ đủ tiền chi dùng cho đời sống chứ không có tiền dư để sửa nhà”, giọng bà chùng xuống. 

Tuổi đã xế chiều, nghe bà nói vậy, kẻ đối diện chỉ thêm xót xa. Mọi thứ như ngoài tầm tay với. Nắng chát mắt. Con đường dọc Kênh Cà Nhíp rải đá, mỗi lần xe máy chạy qua lại thổi bụi mịt mù. 

Điểm nghẽn, nguồn cơn của đói nghèo, khốn khó kia, nằm ở đâu? Tân Hòa là xã thuộc huyện Tân Thạnh, một trong sáu huyện Đồng Tháp Mười. Toàn huyện mạng lưới kênh mương dày đặc, trong đó kênh Dương Văn Dương và Kênh 12 là hai dòng kênh lớn, bắt nguồn từ sông Vàm Cỏ Tây. Trong chiến tranh, Tân Thạnh thuộc Vùng 4 Kiến Tường, là một căn cứ cách mạng trọng yếu của quân khu và của tỉnh, được nhắc đến như là căn cứ địa Việt Bắc ở miền Nam. Và bây giờ, có tin được không, vùng đất lịch sử này chỉ cách Sài Gòn gần 100km, mà cuộc sống người dân vẫn còn phải chạy ăn từng bữa.

Cầu dây bắc qua Kênh 12.

Thì đây, trăm sự do thiếu cây cầu. “Trời một mặt sáng đầy thiên hạ, cầu một cây chở cả muôn người”. Câu nói này là ước mơ cháy bỏng không chỉ của dân Tân Thạnh mà còn là của cả vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An. Sau ngày hòa bình, để cải tạo Đồng Tháp Mười - vùng đất quanh năm ngập úng, chua phèn, thành cánh đồng lúa bạt ngàn, những đoàn quân khai hoang mở đất đã xẻ dọc cắt ngang tạo thành hàng trăm con kênh tiêu thoát nước. Nhưng từ đó, cư dân ở các ấp, xã vùng này đi lại bị cánh trở.

Như lời ông Phạm Văn Quớn, Chủ tịch UBND xã Tân Bình, trẻ em ở trong xã muốn đến trường phải vượt đoạn đường dài 8km, qua một cây cầu dây văng nhỏ và xuống cấp. Người già đêm hôm đau ốm, chạy xuồng, chèo thuyền đến bệnh viện mỏi cả tay. Làm ăn bế tắc, có hộ muốn bán 1 tấn cá tra mà mãi không gọi được xe chuyên chở vì chưa có cầu trọng tải lớn. Trăm thứ thiệt thòi…

Con số từ huyện cho thấy, hiện có 487 cầu giao thông nông thôn đã được xây dựng, đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu đi lại của người dân (trong đó chỉ khoảng 50% cầu xe 4 bánh lưu thông được, còn lại là cầu nhỏ hoặc đã xuống cấp, hư hỏng). Trong thời gian tới, Tân Thạnh cần đầu tư xây dựng mới 285 cầu giao thông (trong đó, xây dựng mới 139 cầu để thay thế các cầu nhỏ, hư hỏng và 147 cầu tại các vị trí mới). Số lượng cầu lớn (tải trọng trên 8 tấn), mang tính chất liên kết vùng, tạo sự phát triển đồng bộ giữa các địa phương trên địa bàn huyện là 11 cầu, còn lại là cầu giao thông nông thôn tải trọng xe khoảng 5 tấn để lưu thông thuận tiện, vận chuyển hàng hóa. 

Ông Lê Thanh Đông, Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh, không giấu giếm kỳ vọng, rằng cây cầu có ý nghĩa về tinh thần lẫn vật chất đối người dân nông thôn vùng kênh rạch như Tân Thạnh. Đi lại, kết nối vùng miền, giúp người dân có làm ra sản phẩm thì cũng dễ bán mua, và chắc chắn từ đó tạo đòn bẩy cho đời sống văn hóa, chật vật của người dân nâng lên. Nhưng ngân sách huyện còn nhiều hạn chế, UBND huyện Tân Thạnh đã chủ trương vận động người dân, vận động xã hội hóa chung tay xây dựng Nông thôn mới, mỗi năm, huyện Tân Thạnh đều bố trí một khoảng ngân sách (khoảng 4 tỷ đồng/năm) đối ứng cùng với các mạnh thường quân tham gia xây dựng các cầu giao thông trên địa bàn, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 40% giá trị xây dựng, phần còn lại vận động xã hội hóa và nhân dân đóng góp...

***

Ông Nguyễn Đức Quang - Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Viêt, Trưởng Ban tổ chức Chương trình Cầu Nông thôn Biên giới (giữa) khảo sát vị trí xây dựng cầu tại Tân Thạnh.

Trên đường từ nhà bà Đông về văn phòng UBND huyện, chúng tôi được biết, Ban tổ chức Chương trình Cầu Nông thôn Biên giới của tạp chí Nông thôn Việt đã quyết định tài trợ cho bà Đông kinh phí tô tường và gạch lát nền nhà.

Trong 6 năm tổ chức thực hiện Chương trình Cầu nông thôn Biên giới, Ban Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt đã vận động xây dựng hơn 300 cây cầu nông thôn ở các huyện biên giới của tỉnh Long An. Và kế hoạch sắp tới, sẽ vận động tài trợ xây dựng tại huyện Tân Thạnh 3 cây cầu theo đề xuất của huyện. Ước mơ nhỏ nhoi của bà Đông sắp thành hiện thực, Tuy nhiên, nhìn rộng ra, nhiều cư dân các ấp, xã hẻo lánh của vùng rốn Đồng Tháp Mười của huyên Tân Thạnh cũng như các huyện Đồng Tháp Mười thuộc Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang… ước mơ về một cây cầu, đến nay vẫn chỉ là… mơ ước.

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.



Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất