, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 23/01/2022, 09:05

Câu chuyện văn hoá: Thời của đại dịch

ĐINH HÀ
(nongnghiep.vn)
Câu chuyện thời của đại dịch gồm 5K, vacxin, quy tắc an toàn phòng chống dịch… Nhưng cuộc sống đã thay đổi để thích ứng, gia tăng kết nối giữa người với người…

Khoảng cách an toàn

Khi mà dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, thế giới chưa thể tin được một căn bệnh hô hấp được mô tả như một chứng cúm mùa lại có thể uy hiếp sinh mạng nhiều người đến như thế. Covid-19 lây truyền qua không khí và tiếp xúc trực tiếp. Người bị nhiễm chỉ có thể biết được mình đã nhiễm sau khi có xét nghiệm PCR khẳng định. Thay vì ra hiệu thuốc mua vài viên thuốc cảm thông thường, mọi người buộc phải cách ly, nhập viện và điều trị. Tốc độ lây nhiễm nhanh chóng của Covid-19 và những biến chứng, di chứng nó để lại đủ khiến quật đổ một thành phố hàng vạn người trong một thời gian ngắn.

Giới khoa học vội vàng nghiên cứu để có các phương án chống đỡ hiệu quả nhất có thể, đồng thời, sản xuất thuốc điều trị. Vacxin là một giải pháp ngăn ngừa nhằm tăng cường hệ miễn dịch cộng đồng với mong muốn làm giảm mức độ gây hại của virus SARS-CoV-2 lên cơ thể người bệnh. Khi đã tạm thời phủ được vacxin toàn dân, đời sống xã hội bắt đầu trở lại bình thường nhưng trong một trạng thái “mới”.

Tất cả mọi người đều phải tuân thủ quy tắc phòng chống dịch. Tất cả mọi người phải giữ gìn khoảng cách để tránh lây nhiễm. Các khái niệm mới F0, F1, F2,.. xét nghiệm, dương tính, âm tính, nghi nhiễm, cách ly y tế, thẻ xanh, thẻ vàng… đi vào đời sống xã hội để xác nhận và gọi tên trạng thái bình thường mới.

Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn tại bệnh viện dã chiến.
Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn tại bệnh viện dã chiến.

Giới trẻ gọi thời kỳ này là FA. Nghĩa là, thời của những người đi đơn lẻ. Người ta tránh tụ tập đông người, tránh đến những chỗ đông người. Muốn đi đâu, làm gì, mọi người phải chọn thời điểm ít người. Khái niệm “giờ vàng” là không còn đúng nữa. Người ta ở nhà nhiều hơn, quay về với đời sống cá nhân nhiều hơn. Nhờ đó mà người ta quan tâm nhiều hơn tới các mối quan hệ gia đình, người thân, bè bạn.

Khoảng cách 2m bên ngoài trở nên vô hình khi so vào các mối quan hệ gần gũi. Dịch bệnh khiến người ta xa nhau về khoảng cách không gian nhưng lại gần nhau về tình cảm. Kết nối xã hội có được là nhờ những phương thức “vô hình” qua điện thoại và mạng xã hội.

Bên cạnh đó, thời gian dài rạp phim, nhà hát, câu lạc bộ văn hóa đóng cửa, các nghệ sĩ vẫn đem tài năng của mình đến với công chúng… qua những show diễn trực tuyến. Đến sân chơi lớn nhất của giới điện ảnh 2 năm 1 lần, Liên hoan phim Việt Nam, cũng được tổ chức gọn nhẹ, kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Ca sĩ Hồng Nhung hát tại nhà riêng kêu gọi chung tay chống dịch.
Ca sĩ Hồng Nhung hát tại nhà riêng kêu gọi chung tay chống dịch.

Các buổi hòa nhạc trực tuyến, show ca nhạc không khán giả dưới hàng ghế đã trở thành một phần của đời sống nghệ thuật trong nhịp sống bình thường mới. Khó khăn trăm bề, nghệ sĩ phải xoay sở mưu sinh nhưng trên sàn tập, mồ hôi vẫn rơi chờ ngày sân khấu sáng đèn trở lại. Các đơn vị nghệ thuật đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để vượt khó, thích ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn kéo dài.

Việt Nam đã trải qua một năm nhiều khó khăn, từ dịch bệnh, bão lũ, hết đợt giãn cách này đến đợt giãn cách khác, và nỗ lực phục hồi kinh tế xã hội. Trong gian khó, tinh thần Việt Nam, trái tim và con người Việt Nam lại sáng lên. Đó là vẻ đẹp của tình đoàn kết, trên dưới một lòng, nghĩa đồng bào, sự sẻ chia... của người dân cả nước. Đó còn là sự dấn thân, cống hiến, hy sinh của những người ở tuyến đầu.

Giao dịch vô hình

Dịch bệnh phải chăng đã làm cho công nghệ số phát triển, chỉ với một tin nhắn trên nhóm mạng xã hội, người dùng đã có thể “mua được” tất cả những món đồ cần thiết cho gia đình mà không phải đi chợ hay vào siêu thị. Người ta gọi là chợ online. Đặt hàng qua tin nhắn. Giao hàng không tiếp xúc. Tiền thì chuyển khoản. Thiếu thì tìm người có dư để cùng chia sẻ. Như vậy, mỗi người đều là chỗ dựa cho một người khác, cùng tồn tại và cùng phát triển qua mùa dịch.

Phía sau thói quen mua sắm mới đó là những thay đổi quan hệ xã hội ở các khu dân cư, chung cư. Ngoại trừ những trường hợp nghi kị, kì thị những người mắc bệnh nghi lây nhiễm, mọi người đều cảm nhận được tình làng nghĩa xóm cộng đồng dân cư như gắn kết hơn.

Thời đại dịch, sự chia sẻ với những người bị tạm thời cách ly là nét đẹp phát huy truyền thống.
Thời đại dịch, sự chia sẻ với những người bị tạm thời cách ly là nét đẹp phát huy truyền thống.

Các hội nhóm trên mạng xã hội được thiết lập để thông tin về dịch bệnh, rồi chia sẻ rèn luyện sức khỏe, rồi có cả những bài thơ, chép nhạc những câu chuyện vui trong mùa dịch.

Nhiều quán hàng tại các khu chung cư đã hoạt động trở lại, bà chủ vừa nhận đơn, điều phối bếp còn nhận luôn cả giao hàng cho khu chung cư mình sống. Hình ảnh những túi rau, quả chanh, quả ớt được treo ngay cửa nhà, giúp nhau đi chợ khi khi phố phải chịu giãn cách đã làm cho tình làng nghĩa xóm trở nên ấm áp khi mọi nhà san sẻ cho nhau từ mớ rau, cân gạo… để cùng nhau đi qua mùa dịch. Mọi người như xích lại gần nhau hơn.

Học sinh lớp 1 học trực tuyến trong thời gian giãn cách.
Học sinh lớp 1 học trực tuyến trong thời gian giãn cách.

Chúng ta thực sự đang bắt nhịp với cuộc sống số, những cháu nhỏ mới vào lớp 1 cũng phải mở phần mềm lên để làm quen với việc học tập trực tuyến. Các ông bà già 70, 80 tuổi cũng phải học cách dùng điện thoại có hình để trò chuyện với con cháu. Khám chữa bệnh từ xa, học tập trực tuyến đã trở thành thói quen hàng ngày. Có cả những đôi lứa trao nhẫn hẹn thề qua màn ảnh hình điện thoại.

Thống kê gần đây cho thấy, Việt Nam có gần 50 triệu người tham gia tiêu dùng mua sắm trực tuyến. Việt Nam cũng trở thành quốc gia có tỉ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực.

Có thể với những người có chút bỡ ngỡ ban đầu về cuộc sống số, nhưng ở một góc độ tích cực nào đó, dịch bệnh đã giúp chúng ta thích ứng dần đưa chúng ta trở thành công dân số.

Các ứng dụng mừng tuổi online qua điện thoại thông minh đã mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho người dùng... có thể tự tạo lời chúc, tự tạo những khoản tiền nhận ngẫu nhiên đầy bất ngờ cho người nhận, mừng tuổi qua mã QR, mừng tuổi theo nhóm hay mừng tuổi qua các trò chơi...

Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, lượng giao dịch liên quan đến dòng tiền điện tử trong giai đoạn Covid-19 trong những ngày cuối năm đã tăng mạnh mẽ. Cao điểm, 1 tháng có khoảng 30 triệu giao dịch thanh toán số. Đây chính là cơ sở để các ví điện tử tự tin đầu tư cho các sản phẩm mừng tuổi online. Và sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng người dùng và giá trị giao dịch là điều mà nhiều nhà cung ứng dịch vụ kỳ vọng, giúp chúng ta tiến gần hơn đến cuộc sống số.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất