, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 29/01/2022, 19:30

Cầu quê nối mạch đất lành

LÊ ĐẠI ANH KIỆT
Chuyện đất lành chim đậu đang diễn ra ở xã Bình Thạnh (Mộc Hóa, Long An) với cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Những cây cầu mới không chỉ nối những bờ kênh mà còn “dẫn” đàn chim én về cho mùa xuân trù phú hơn trên đất biên giới xa xôi.
Cầu Cây Khô Nhỏ trong những ngày đang thi công.

Ba mươi năm trước, cũng vào mùa nước, tôi và nghệ sĩ nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn được anh Tám Tấn - Phó Bí thư Huyện ủy Mộc Hóa, đưa đi kiểm tra chống lũ ở ven biên giới. Nước mênh mông, sông và đồng nước liền nhau như biển, ấy vậy mà anh Tám Tấn vẫn định vị được đây là kinh Đòn Dong, kia là kinh Cây Khô dù bờ kinh đã chìm sâu trong nước, còn cây khô thì chỉ là cái tên.

Năm nay trở lại Bình Hòa Tây và Bình Phong Thạnh mới hay Mộc Hóa giờ có thêm xã mới Bình Thạnh. Tôi đã chuẩn bị túi nhựa bao máy ảnh, mang dép cao su để đi tắc ráng nhưng Vũ Đình Trúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Mộc Hóa, người hướng dẫn chúng tôi, hớn hở thuyết minh: đã có đường nhựa, đường bê tông cho xe bốn bánh đến tận các xã, ấp. Với sở thích của dân phượt nhiếp ảnh, tôi và nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tên chọn cách di chuyển bằng xe gắn máy.

Qua Cửa Đông Kiến Tường một đoạn ngắn, Trúc rẽ phải vào con đường láng nhựa. Xe bon bon qua những xóm nhà, vườn cây trù phú, y hệt như những làng xóm, phố thị các tỉnh phía Nam chứ không phải đang đi trên Đồng Tháp Mười mùa nước. Xuyên qua đoạn đường hai bên trồng cây chuông vàng trổ hoa rực rỡ, một cây cầu bê tông khang trang mở ra chào đón. Tôi giật mình vì cái tên quen thuộc: cầu Kinh Cây Khô Nhỏ - cái đồng nước ngập sâu ngày nào nay đã thành vườn tược đường sá thế này ư?

Cho cầu trọn gói, xã huyện làm đường, dân hiến đất

Trúc tươi cười giải thích đây là một trong 10 cây cầu trên con lộ liên xã mà cũng là liên huyện, nối từ Bình Hiệp của thị xã Kiến Tường qua Bình Hòa Tây, Bình Thạnh của huyện Mộc Hóa và liên thông với Tân Hiệp của huyện Thạnh Hóa. Con lộ chạy song song với kinh 61 nên có tên là đường Bắc kinh 61. Trước đây đường hẹp, cầu hẹp chỉ 1m ngang. Nhờ chương trình Cầu Nông thôn Biên giới của Tạp chí Nông Thôn Việt vận động tài trợ kinh phí xây cầu, huyện đã đầu tư kinh phí mở rộng đường, vận động nhân dân hiến đất. Như phép lạ, chỉ sau 2 năm, tuyến đường huyết mạch dài 15km xuyên qua đồng nước đã hoàn thành. Cầu Cây Khô Nhỏ là cầu cuối cùng của tuyến đường đang hoàn thiện, vừa được nghiệm thu trong tháng 12/2021.

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành cầu Kênh Cây Khô Nhỏ.

Tôi chợt nhớ đoạn Tỉnh lộ 49 từ Tuyên Nhơn đi Kiến Bình chỉ 25km mà tỉnh Long An phải huy động nhân lực, vật lực nhiều năm trời mới đào đắp xong, vậy mà với huyện nghèo mới thành lập, con đường đã hoàn thành chỉ sau 2 năm. Trúc đắc ý giải thích: “Đây là nhờ bí quyết độc chiêu của Chương trình Cầu Nông Thôn. Họ đầu tư trọn gói từ nguồn vốn, thiết kế thi công mỗi cây cầu với mặt cầu rộng 4m, trọng tải 5 tấn, trên dưới 1 tỉ đồng tùy theo độ dài, địa thế khu vực… với điều kiện: địa phương phải làm đường vô cầu theo đúng chuẩn 4m cho xe ô tô đi được. Nhờ vậy, công việc và kinh phí của huyện nhẹ đi nhiều".

Phần đối ứng 20% vốn làm cầu của xã chủ yếu là đất làm đường vào cầu. Phần này xã vận động người dân hiến tặng. Xưa nay đi lại vận chuyển bằng đường thủy vừa chậm, vừa trúc trắc, nên nghe có đường ô tô, người dân sẵn lòng hiến đất. Người ít thì vài trăm mét vuông, trung bình 400 - 500m2. Đặc biệt, ông Phan Đình Tùng ở dốc cầu Cây Khô Nhỏ hiến trên 900m2 đất. Hóa ra của cho đã quan trọng mà cách cho càng quan trọng hơn. Cách cho cầu trọn gói, đi kèm điều kiện có đường đồng bộ của chương trình Cầu Nông thôn Biên giới - Tạp chí Nông thôn Việt vừa trợ lực, vừa “gây men” cho chính quyền và nhân dân địa phương chung sức chung lòng cải thiện hệ thống giao thông.

Khen thưởng người dân hiến đất, đóng góp xây dựng cầu.

Chi phí giảm, thu nhập tăng

Đi từ Bình Hòa Tây vào Bình Thạnh, tôi cố tìm kiếm hình ảnh đồng nước ngày xưa nhưng vô vọng. Hai bên đường là vườn cây, đồng lúa, những ruộng lúa được cấy bằng máy thẳng hàng, đều tăm tắp. Hầu hết nhà cửa dân cư đã bê tông hóa, thỉnh thoảng có những biệt thự khang trang mang dáng dấp thị thành. Có những đoạn đường người dân trồng hoa kiểng 2 bên vệ đường tạo ra sắc màu tươi tắn. Có cầu, có đường, bộ mặt cuộc sống Bình Thạnh đã thay đổi mà chừng như tâm thế, niềm vui của người dân cũng được nâng lên qua ý thức làm đẹp không chỉ trong sân mà ngay cả lối đi qua nhà.

Đồng Tháp Mười là đất thấp, đất phèn, muốn sản xuất phải đào kinh xả phèn, cũng là mở giao thông thủy, nên khi chuyển sang giao thông bộ phải làm rất nhiều cầu qua các ngã tư kinh. Có đoạn chỉ vài trăm mét đã có đến 3 - 4 cây cầu, cũng có cây cầu chỉ cái tên cũng đủ hiểu vai trò quan trọng của nó: Cầu Ba Xã. Đó là tâm điểm giao nhau giữa ba xã Bình Hòa Đông, Bình Hòa Tây, Bình Thạnh. Dân cư càng đông, quy hoạch phát triển thay đổi nhanh, trường học cũ bị rơi vào ốc đảo, phải xây cầu để trẻ con đến trường thuận lợi như cầu Đường Bàng - Biên Phòng. Cây cầu không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại mà còn mở đường tri thức cho trẻ em đi vào tương lai.

Con đường và những cây cầu nông thôn đã thay đổi căn bản hoạt động sản xuất và sinh hoạt đời sống người dân.

Nói về lợi ích và hiệu quả của 10 cây cầu trong chương trình xây dựng Nông thôn mới, anh Nguyễn Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh - cười rạng rỡ: “Lợi ích thì nhiều lắm, khó mà nói hết”! Anh cho biết chính 10 cây cầu và con đường Bắc kinh 61 là xương sống kết nối với các thiết chế khác để xã vững vàng đón nhận danh hiệu xã Nông thôn mới vào năm tới. Trên trục đường này, xã vừa xây thêm một trường Tiểu học và THCS thứ hai với phòng ốc khang trang, diện tích khuôn viên rộng đến 3ha. Hiện nay, toàn xã có 300 học sinh Tiểu học và 170 học sinh THCS, trước đây chưa có trường, các em học lớp 6 đến lớp 9 phải lên tận thị trấn Bình Phong Thạnh cách đây 16km để học tiếp. Hiện nay, 80% hộ dân đã được kết nối với đường bộ 4m. Việc cấp cứu, chữa bệnh bằng xe ô tô đã thuận lợi dễ dàng. Người dân không phải lo chết oan vì chống xuồng đi bệnh viện.

Con đường và những cây cầu nông thôn đã thay đổi căn bản hoạt động sản xuất và sinh hoạt đời sống người dân. Chỉ 3 năm trước đây, việc vận chuyển hàng hóa, vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản… 100% là đường thủy, vừa chậm vừa bất tiện, chi phí lại cao. Hiện nay, cán cân vận chuyển thủy - bộ đã cân bằng 50/50, giúp chi phí vận chuyển vật tư xây dựng, nông nghiệp hay thiết bị máy móc giảm đến 30%; các dịch vụ nông nghiệp như cấy, sạ lúa… có thể giảm đến 29%. Ngược lại, việc thu mua nông sản thuận lợi hơn nên giá lúa và các loại nông sản khác tăng lên. Riêng giá lúa sau khi có cầu đã tăng khoảng 200 đồng/kg. Với nông dân đây là số tiền có ý nghĩa rất lớn, là phần lãi ròng của họ. Đặc biệt, có đường giao thông, tiêu thụ nông sản thuận lợi, người dân tự tin chuyển đổi 279ha đất lúa sang cây ăn trái theo quy hoạch của huyện, chủ yếu là thanh long, mít, dưa hấu, bưởi…

Trên đường đi, tôi nhìn thấy một số nhà hộp cao tầng kiểu nhà yến và có tiếng chim ríu rít. Anh Cương hể hả nói đó là cái mới 100% ở địa phương. Từ ngày có đường, có cầu chuyên chở vật liệu xây dựng dễ dàng, nhiều người dân đã xây nhà ở và nhà nuôi yến. Không chỉ người tại địa phương mà có 6 hộ từ nơi khác đến xây nhà yến. Không biết hiệu quả ra sao, hỏi thì họ chỉ cười cười nhưng số nhà yến cứ tăng không ngừng, mỗi người xây từ 1 tới 3 nhà. Như ông Nguyễn Văn Ren ở ấp Chuối Tây đã xây 3 nhà yến và đang xây cái thứ tư. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.



Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất